Bản tin năng lượng xanh: Châu Âu tranh cãi về năng lượng hạt nhân

10:00 | 28/01/2022

|
(PetroTimes) - EU hiện chưa thể đi đến thống nhất về phân loại năng lượng hạt nhân, vòng đàm phán ngày 20/01 vừa qua đã thất bại, Đức, Áo và Luxembourg kịch liệt phản đối kế hoạch đưa điện hạt nhân vào danh sách năng lượng xanh của Ủy ban châu Âu - dẫn đầu bởi Pháp, và dọa sẽ kiện cả EC.
Bản tin năng lượng xanh: Châu Âu tranh cãi về năng lượng hạt nhân

Đức chỉ ủng hộ việc đưa khí đốt vào danh sách xanh trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng. Chính phủ Đức cho rằng, năng lượng hạt nhân tiềm ẩn rủi ro tai nạn nghiêm trọng cao, cũng như chưa có giải pháp xử lý - lưu giữ chất thải phóng xạ triệt để. Với việc Đức tuân thủ kế hoạch đóng cửa toàn bộ 6 lò phản ứng hạt nhân vào cuối năm 2022 và phần lớn số lò phản ứng của Pháp (chiếm trên 70% công suất lắp đặt cả nước) được xây dựng đại trà những năm 1970-1980 đến thời hạn đại tu tốn kém. Giá điện châu Âu dự báo sẽ còn tăng mạnh so với mức 290 EUR/MWh hiện nay do Pháp bắt đầu phải chuyển từ xuất khẩu ròng điện sang nhập khẩu.

Vào ngày 20/01/2022, các Bộ trưởng môi trường của Liên minh châu Âu đã bắt đầu một vòng đàm phán khác tại Amiens, Pháp về việc phân loại năng lượng hạt nhân. Thời điểm diễn ra vòng đàm phán là khá phù hợp trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 8,5 lần. Một yếu tố thuận lợi khác là nguyên Thủ tướng Đức Angela Merkel - người từng phản đối phát triển năng lượng nguyên tử đã rời khỏi nghị trường. Trước đó, sau thảm họa hạt nhân Fukushima, ngày 09/006/2011, Chính phủ Đức đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt là từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022. Đến nay, chính quyền Đức không thay đổi quan điểm của mình về các nhà máy điện hạt nhân. Trong cuộc đàm phán ở Amiens, Chính phủ Đức đã phản đối công nhận năng lượng hạt nhân là bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời ủng hộ khí đốt như một chất vận chuyển năng lượng chuyển tiếp. Bộ Kinh tế Đức cho biết, nhiên liệu khí đốt đóng vai trò là cầu nối để thế giới nhanh chóng loại bỏ than đá, từ đó giảm phát thải CO2 và tăng cường sử dụng các nguồn NLTT trong ngắn hạn.

Tiến Thắng