Bản tin năng lượng xanh: Canada, Nhật đẩy mạnh mục tiêu zero-carbon

09:49 | 29/10/2021

245 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ Nhật Bản mới đây đã thông qua kế hoạch nâng tỷ trọng các nguồn NLTT trong cơ cấu sản xuất điện lên 36-38% vào năm 2030 (cao hơn mục tiêu 22-24% trong quy hoạch trước đây).
Bản tin năng lượng xanh: Canada, Nhật đẩy mạnh mục tiêu zero-carbon

Công ty Linde được coi là tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, lưu trữ và vận chuyển hydro vừa khai trương nhà máy sản xuất hydro quy mô lớn tại vịnh Mexico (Mỹ). Ban đầu nhà máy sẽ cung cấp hydro tinh khiết cao cho nhà máy lọc dầu Sweeney của Phillips 66 bang Texas theo hợp đồng dài hạn. Linde sở hữu đường ống dẫn hydro dài 600 km chạy dọc bờ biển nối liền 2 bang sản xuất dầu khí lớn nhất của Mỹ là Louisiana với Texas và đã được mở rộng kết nối với nhà máy lọc dầu Sweeney. Trong tương lai, nhà máy hydro Linde sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ phía các khách hàng khu vực. Linde đang vận hành cơ sở lưu trữ hydro tự nhiên đầu tiên trên thế giới và mạng lưới đường ống dẫn khoảng 1.000 km trên khắp thế giới.

Công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) Canada phối hợp với các công ty Canadian Energy và Climate Nexus mới đây đã công bố báo cáo “Canada’s hydrogen future risks and rewards”. Nội dung báo cáo cho thấy đẩy mạnh phát triển năng lượng hydro có thể giúp Canada đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, xuống còn 511 triệu tấn CO2 quy đổi vào năm 2030. Trưởng bộ phận năng lượng EY Canada Lance Mortlock cho biết, quy mô của việc cắt giảm này đòi hỏi một cách tiếp cận đa diện để thiết lập mô hình năng lượng hỗn hợp nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước. Canada có cơ hội để tích hợp cơ sở hạ tầng hiện có vào chuỗi giá trị hydro đang phát triển, trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu và sản xuất, phân phối và sử dụng năng lượng hydro.

Để đạt mục tiêu này, các tác giả của báo cáo đã đưa ra bốn khuyến nghị đối với việc sản xuất, ứng dụng hydro gồm: (1) Chính phủ Canada cần sớm ban hành chính sách và quy định hỗ trợ phát triển năng lượng hydro; (2) Xây dựng hệ sinh thái hydro để chứng minh khả năng tồn tại của hydro như một nhiên liệu thay thế mà không cần hỗ trợ nhà nước; (3) Khuyến khích đầu tư tư nhân để phát triển các ứng dụng hydro, tiến tới thương mại hóa; (4) Tiếp cận thị trường quốc tế nhằm giúp tăng trưởng xuất khẩu hydro tiềm năng và khuyến khích đầu tư thượng nguồn. Việc tiếp tục phát triển quan hệ đối tác ở nước ngoài là cần thiết. Thị trường hydro hàng năm của Canada có thể đạt 100 tỷ USD và tạo ra tới 350.000 việc làm đến năm 2050, thời điểm mà hydro có thể đáp ứng tới 27% nhu cầu năng lượng của đất nước.

Chính phủ Nhật Bản mới đây đã thông qua kế hoạch nâng tỷ trọng các nguồn NLTT trong cơ cấu sản xuất điện lên 36-38% vào năm 2030 (cao hơn mục tiêu 22-24% trong quy hoạch trước đây). Về cơ cấu sản xuất năng lượng xanh, Nhật Bản sẽ đáp ứng 14-16% nhu cầu năng lượng từ năng lượng mặt trời, 5% nhu cầu từ năng lượng gió, 1% từ năng lượng địa nhiệt, 11% từ các nhà máy thủy điện và 5% từ nguồn sinh khối. Kế hoạch này nhằm củng cố thêm cho quá trình chuyển đổi sang trạng thái trung hòa carbon đến năm 2050 của nước này.

Viễn Đông