Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan

Bản lĩnh “con nhà nghèo”

07:05 | 10/09/2016

458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Sinh trưởng” trong một đất nước nghèo tài nguyên dầu khí và phải nhập khẩu ròng năng lượng, mục tiêu vươn ra toàn cầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT) đã được khẳng định ngay trong tầm nhìn của công ty: Từ công ty năng lượng quốc gia hàng đầu Thái Lan trở thành công ty năng lượng đa quốc gia.  

“Chàng David” dũng cảm

PTT (trước đây được biết đến với cái tên Petroleum Authority of Thailand) thành lập vào ngày 29-12-1978, thông qua đạo luật B.E.2521 (A.D.1978) về thẩm quyền dầu khí để thực hiện các hoạt động kinh doanh các ngành liên quan đến dầu khí.

Thời điểm PTT ra đời rất khó khăn, đúng vào lúc bùng nổ cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ 2. Nhưng từ vị trí một công ty ban đầu làm nhiệm vụ chính là mua đủ dầu để đáp ứng nhu cầu nội địa trong cơn bão giá, đến nay PTT đã trở thành tập đoàn lớn nhất Thái Lan và cũng là doanh nghiệp duy nhất của Thái Lan góp mặt trong danh sách Fortune Global 500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu tính theo doanh số.

Đối với PTT, an ninh năng lượng của Thái Lan chính là “lẽ sống”. Mục tiêu của PTT là cung cấp 50% nhu cầu năng lượng cho Thái Lan vào năm 2020. Hiện tại, tập đoàn mới chỉ đảm bảo được khoảng 15% nhu cầu năng lượng của nước này.

Bắt đầu từ những kinh nghiệm học hỏi được qua các hợp đồng PSC với các nhà thầu nước ngoài ở các dự án dầu khí trong nước, PTT đã sớm tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác trong các dự án thăm dò khai thác, cũng như kinh doanh năng lượng ở khu vực Đông Nam Á, bắt đầu bằng thỏa thuận khí đốt với Myanmar ở mỏ Yadana và Yetagun từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.

ban linh con nha ngheo
Trụ sở tập đoàn PTT tại Bangkok, Thái Lan

Trong vài năm qua, khi nguồn tài nguyên dầu và khí đốt trong khu vực không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Thái Lan, PTT đã tích cực thúc đẩy mở rộng hoạt động ra ngoài khu vực và tham gia vào một số vụ sáp nhập và mua lại đình đám, đầu tư hàng tỉ đôla để tăng vị thế của mình trong thị trường năng lượng toàn cầu. PTT bây giờ đang hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, than, nhiên liệu sinh học và các lĩnh vực năng lượng tái tạo trên một địa bàn rộng khắp thế giới, bao gồm Australia, Trung Đông, khu vực ASEAN, châu Phi và Bắc Mỹ.

Hồi năm 2012, PTT khiến giới đầu tư dầu khí toàn cầu phải kinh ngạc khi lao vào cuộc chiến đấu thầu với “gã khổng lồ” Shell để giành quyền kiểm soát Hãng Cove Energy của Anh. Cuộc cạnh tranh này được ví như cuộc đụng độ của chàng David và người khổng lồ Goliath. “Chàng David” PTT đã chiến thắng trong thương vụ này với giá 1,29 tỉ bảng Anh. Sở hữu Cove Energy đã mang lại cho PTT 8,5% cổ phần trong Khu vực Rovuma 1 ở Mozambique, được đánh giá là một trong phát hiện khí đốt lớn nhất thế giới.

Cũng trong năm này, PTT đã chi thêm gần 1 tỉ USD để sở hữu toàn bộ Sakari Resources, một công ty khai thác than có trụ sở tại Singapore.

Chiến lược mua lại táo bạo này của PTT được đền đáp. Trong năm 2012, tổng tài sản của tập đoàn tăng 16% và lợi nhuận ròng của PTTEP tăng 28%. PTT lần đầu lọt vào danh sách Fortune Global 100, sớm 8 năm so với mục tiêu mà PTT hoạch định.

Bên cạnh đó, PTT còn tham gia kinh doanh năng lượng ở nước ngoài để khám phá các nguồn tiềm năng mới và năng lượng thay thế, nhằm tăng cường an ninh năng lượng cho đất nước. Với tham vọng này, PTT đầu tư vào các Công ty TNHH Quốc tế PTT (PTTI), Công ty TNHH Năng lượng xanh PTT (PTTGE) và chiếm 100% vốn chủ sở hữu trong cả hai công ty. Hiện nay, PTTI đã đầu tư kinh doanh đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Ai Cập, kinh doanh than tại Indonesia và kinh doanh nhà máy thủy điện tại Lào; trong khi PTTGE đã đầu tư vào kinh doanh dầu cọ ở Indonesia. Tập đoàn hiện vận hành khoảng 60 trạm nhiên liệu bán lẻ tại Philippines và sẽ thêm 15-20 trạm tại Luzon và Visayas, đặc biệt là tại tỉnh Cebu.

Năm 2013, thông qua công ty PTT Global Chemical, PTT đã ký kết một thỏa thuận xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu mới tại Indonesia với chi phí ước tính khoảng 4-5 tỉ USD.

Sức mạnh từ cổ phần hóa và vai trò giám sát của Chính phủ

Sự phát triển nhảy vọt của PTT khởi nguồn từ những quyết sách táo bạo, kiên quyết của Chính phủ Thái Lan, đặc biệt là quyết định cổ phần hóa.

Từ những năm cuối của thế kỷ XX, đối mặt với một thị trường cạnh tranh khốc liệt, Chính phủ Thái Lan đã nhận thấy rằng vai trò tư nhân trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng ngày càng quan trọng. Ngày 25-9-2001, nội các chính phủ đã thông qua quyết định chuyển đổi tài sản của Petroleum Authority of Thailand thành vốn chủ sở hữu. Kể từ đó, Công ty Cổ phần Quốc doanh PTT (PTT) đã được thành lập, chính phủ nắm giữ không dưới 51% cổ phần của công ty.

Sau đó không lâu, PTT được cổ phần hóa vào ngày 1-10-2001, thông qua đạo luật B.E.2542 (A.D.1999) về cổ phần hóa với số vốn đăng ký là 20 tỉ baht. Với cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính, công ty đã chính thức lên sàn chứng khoán Thái Lan vào ngày 6-12-2003. Với tư cách một doanh nghiệp nhà nước, PTT được đặt dưới sự quản lý và giám sát của Bộ Năng lượng.

Giới nghiên cứu nhìn nhận quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa PTT của Thái Lan là hậu quả tất yếu của cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1997, bắt đầu từ Thái Lan và sau đó lan ra châu Á.

Sau năm 1997, tất cả các công ty ở Thái Lan, chứ không riêng gì PTT phải đối mặt với mất mát, nợ nhiều hơn do đồng baht mất giá. Giá bán sản phẩm bị giảm. Một số công ty không thể trả nợ. Đối với PTT, tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần là 5:1. PTT và các công ty con buộc phải cơ cấu lại để tăng cường hiệu quả hoạt động trong thời gian dài, cũng như chuẩn bị cho bản thân trước các tình huống trong tương lai. Tư nhân hóa là một “chìa khóa” quan trọng để PTT giảm được nợ, giải quyết được bài toán tài chính và mở rộng kinh doanh, thúc đẩy PTT phát triển thịnh vượng.

Bài học này PTT đã từng trải nghiệm vào năm 1983, khi lần đầu niêm yết cổ phiếu một công ty con của tập đoàn là Công ty TNHH Thăm dò và Khai thác PTT (PTTEP) lên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan. Lĩnh vực kinh doanh của PTTEP đòi hỏi vốn lớn. Trong khi đó, PTT là công ty mẹ lại có ngân sách hạn chế để hỗ trợ PTTEP. Do đó, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán được coi là phương tiện khác để huy động đủ vốn cho PTTEP dễ dàng tham gia các phi vụ mua lại tài sản năng lượng. Ngày nay, với tài sản phong phú, PTTEP có khả năng đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cả ở Thái Lan và ở nước ngoài, chẳng hạn như mỏ S1 Field, Bongkot (ở Vịnh Thái Lan), mỏ Yadana và Yetagun (ở Myanmar) và nhiều dự án khác. Tính ra đến nay PTTEP đã đầu tư vào 40 dự án ở 11 quốc gia.

Nếu PTT đã không được giải quyết áp lực tài chính để giúp PTTEP đầu tư nhiều hơn, PTT sẽ chỉ có S1 và một số mỏ khác, không thể nào có được Bongkot, Pailin, Yadana, Yetagun cũng như JDA. Nếu PTTEP không được tư nhân hóa và vẫn thuộc sở hữu 100% của PTT, thì giá trị sổ sách của PTTEP sẽ là 50 tỉ baht. Nhưng ngày nay, với 60% cổ phần của PTT, PTTEP có tài sản hơn 300 tỉ baht và tiềm năng to lớn để đầu tư nhiều hơn trong mua sắm năng lượng.

Linh Phương

Năng lượng Mới 555

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc