Bài toán khó giữa nhu cầu tuyển sinh và tuyển dụng

06:48 | 30/06/2013

734 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hàng loạt doanh nghiệp phá sản khiến cho thị trường lao động lao đao. Người muốn giữ việc còn khó, huống chi mỗi năm lại có hàng ngàn sinh viên ra trường tìm việc. Do đó, giải quyết bài toán giữa nhu cầu tuyển sinh, đào tạo của các trường với thực tiễn tuyển dụng vẫn là một bài toán khó ở nước ta hiện nay.

Ngành “hot” thất nghiệp cao

Thời gian qua chuyện các ngành “hot” một thời như kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh… khó xin việc không còn là chuyện lạ đối với nhiều người. Tôi gặp Thảo, từng là học sinh chuyên Anh, thi đỗ Trường ĐH Ngoại thương và mấy năm liền là sinh viên khá giỏi, sau gần 7 năm làm việc tại vài ngân hàng lớn ở TP HCM, quyết định cuối cùng của cô là quay về quê học Trung cấp Y dược để phụ gia đình phát triển nghề dược. Thảo chia sẻ: “Đúng là ở Sài Gòn có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng sau bao năm bươn chải ở đất này mình thấy rằng về quê có lẽ là sự lựa chọn tốt cho mình. Cơ sở kinh doanh của gia đình mình nên về kế tục. Không có gì phải ân hận cả”.

Còn anh Nguyễn Quốc Việt, 24 tuổi, quê Vĩnh Long, sau 1 năm tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp TP HCM không tìm được việc làm. Ngay từ khi tốt nghiệp THPT Việt không muốn thi đại học, nhưng gia đình muốn con học cao đẳng, đại học để nở mặt nở mày với hàng xóm. Theo ý nguyện của gia đình Việt cũng thi và sau nhiều năm lây lất cũng tốt nghiệp hệ Cao đẳng của Trường ĐH Công nghiệp TP HCM. Nhưng vì không có thực lực nên Việt xin việc ở nhiều nơi mà không được nhận. Đến lúc này, Việt mới bày tỏ với gia đình về khả năng của mình và xin được học nghề cắt tóc theo sở thích.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động TP HCM

Nói về thực trạng trên, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết: Hiện nay, chỉ có 30% sinh viên ra trường có việc làm; 80% không có việc làm trong 3 tháng; 50% thất nghiệp trong 6 tháng hoặc làm trái nghề; 30% thất nghiệp từ 1 năm trở lên và có hơn 60% cử nhân, kỹ sư các trường đại học ở Việt Nam chấp nhận những công việc trái ngành, hoặc thấp hơn trình độ đào tạo với thu nhập thấp trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu. Thực trạng này báo động sự mất cân đối trong cung - cầu lao động hiện nay.

Đặc biệt, những năm gần đây sinh viên “đổ xô” vào khối ngành kinh tế, làm mất cân đối nhân lực khối ngành này một cách trầm trọng. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 3 năm trở lại đây, số sinh viên theo học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên, cả nước có tới 60% các trường đại học có đào tạo các ngành thuộc khối tài chính, kinh tế, ngân hàng. Kéo theo tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở một số nhóm ngành như: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, marketing… có nhu cầu việc làm cao hơn so nhu cầu tuyển dụng. Trong đó, ngành Tài chính - Ngân hàng là ngành nghề luôn có số lượng người tìm việc vượt so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong những năm trở lại đây. Hiện nay, thất nghiệp ở bộ phận này ngày càng cao vì năm 2012 và 2013, nhiều ngân hàng thực hiện tái cơ cấu bộ máy nhân sự, xu hướng tuyển dụng trở nên gắt gao hơn.

Ngành kỹ thuật thiếu nhân lực

Trong khi đó, nhiều ngành kỹ thuật đang tìm kiếm công nhân có tay nghề nhưng rất khó khăn. Đơn cử, ngành công nghệ thông tin nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, tester, nhân viên phát triển phần mềm, thiết kế lập trình web, lập trình mobile… nhưng nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng 70% nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung đa số là sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng còn hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành kể cả về kiến thức lẫn ngoại ngữ.

Kỹ năng cứng (bằng cấp, kinh nghiệm…) liệt kê trong hồ sơ xin việc có thể là một trong những đòi hỏi của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, các kỹ năng mềm là một yếu tố chiến lược giúp tạo nên sự khác biệt của người lao động như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thương thuyết, tư duy sáng tạo… Hiện nay, các kỹ năng mềm là ưu tiên trong tuyển dụng của các doanh nghiệp, mặc dù không nhiều các nhà tuyển dụng đòi hỏi thẳng kỹ năng mềm của ứng viên trong các thông báo tuyển dụng nhưng đó mới chính là những gì họ đang tìm kiếm khi phỏng vấn tuyển dụng, nhất là cho những vị trí cao cấp, quan trọng trong đơn vị. Kỹ năng mềm là điều kiện giúp người lao động duy trì và thăng tiến trong bất cứ ngành nghề nào vì thực tế cũng cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ tự trang bị. Do đó, để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp thì những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết không thiếu, nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo, đặc biệt là cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển. Thị trường đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực có trình độ cao ở ở một số ngành nghề khác. Nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời với nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động… Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp và người lao động chưa có sự tương thích, giữa đào tạo và thực tiễn còn xa rời, dẫn đến cung - cầu lao động không ổn định, độ chênh cung - cầu được đánh giá khoảng 30%.

Khủng hoảng nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngược lại với tình trạng cung vượt cầu của thị trường lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao lại đang thiếu. Thị trường lao động đang cần những kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật lành nghề. Trong khi đó, một bộ phận nhân lực có bằng cấp chuyên môn cao vẫn khó tìm được việc làm ổn định nếu chưa đủ điều kiện nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi thực tế thị trường lao động.

Thực tế là nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT lại không muốn học nghề. Một trong những nguyên nhân chính là do tâm lý trọng bằng cấp còn tồn tại ở hầu hết các bậc phụ huynh. Theo thống kê có hơn 1/3 học sinh chấp nhận “chờ” kỳ thi đại học, cao đẳng năm sau chứ không học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Mặt khác, công tác hướng nghiệp của chúng ta chưa tốt dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt đại học đã chọn “đại” một ngành, một trường để học mà bản thân lại rất thiếu thông tin về ngành đang học… Vì thế trong bao năm qua chúng ta thấy có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học, có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động. Ngoài ra, hệ thống thông tin thị trường lao động, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm cũng chưa cập nhật kịp thời để gắn kết sinh viên và doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.

Sinh viên tìm kiếm việc làm tại ngày hội việc làm

TS Bùi Trân Phượng (Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ kinh nghiệm: “Mỗi lần sinh viên của trường tốt nghiệp thì trong kỷ yếu tốt nghiệp nhà trường đều ghi là các em đang đi làm ở đâu, trên cở sở dữ kiện này thì có 97,5% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm. Nhà trường có bộ phận quan hệ với doanh nghiệp và cũng làm việc này xuyên suốt từ những ngày mới thành lập trường. Như khi chúng tôi mở ngành quản trị nguồn nhân lực thì nhà trường mời giám đốc các doanh nghiệp lớn đến và trao đổi, xem cách chúng tôi thiết kế chương trình học như thế có phù hợp với nhu cầu của các nhà tuyển dụng sau khi các em ra trường không? Rồi sau 2 đến 3 năm chúng tôi cải tiến và tiếp tục mời các nhà quản lý các doanh nghiệp đến để tham khảo ý kiến của họ. Chương trình học chúng tôi thiết kế thế này, cải tiến thế này thì các anh chị thấy sao? Có hợp lý không?… Nói chung trường ĐH Hoa Sen luôn giữ mối quan hệ thường xuyên với các doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo nên sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường tỉ lệ có việc làm rất cao”.

Có lẽ, nếu các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở nước ta hiện nay đều áp dụng mô hình như vậy thì khoảng cách giữa con số tuyển sinh và nhu cầu tuyển dụng của xã hội sẽ ngày càng gần hơn. Đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế cũng là cách tránh sự lãng phí trong đào tạo, lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí chất xám...

Theo Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường Lao động, hiện nay và những năm tới, thị trường lao động tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt nhu cầu việc làm chất lượng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự chú trọng chất lượng, trình độ là xu hướng của năm 2013 và những năm sắp tới, sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm nghịch lý giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc, cả về số lượng và trình độ, đặc biệt đối với những nhóm ngành tài chính - ngân hàng, cơ khí, công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, quản lý điều hành - kinh doanh.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng trong tương lai xu hướng học sinh chọn ngành kinh tế để học là không sai, tuy nhiên, đừng nghĩ cứ học ngành kinh tế là dễ làm giàu, dễ học vì có nhiều trường đào tạo, trên thực tế không phải ai cũng học tốt và không hề dễ kiếm được việc đối với sinh viên yếu kém. Học sinh cần hiểu rõ nó trước khi chọn học và đừng ảo tưởng hay mơ hồ ngành nghề nào đó sẽ giúp mình mau giàu. Sự chọn lựa thông minh nhất là chọn đúng ngành, hợp với năng lực của chính mình và dễ tìm việc làm. Đó mới là con đường ngắn nhất để thành đạt. Để phát triển nghề nghiệp, thanh niên phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại.

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường Lao động TP HCM, sẽ có 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu cao, mỗi ngành nghề chiếm tỷ lệ 6-8 trong tổng hợp nhu cầu nhân lực hàng năm giai đoạn 2012-2015 và xu hướng đến 2020 là các ngành: cơ khí - luyện kim - công nghệ ôtô xe máy; hóa - hóa chất; y - dược, mỹ phẩm; công nghệ chế biến thực phẩm; công nghệ thông tin - điện - điện tử - viễn thông; xây dựng - kiến trúc - giao thông vận tải; dịch vụ - phục vụ - du lịch - giải trí - nhà hàng - khách sạn; makerting - kinh tế - kinh doanh - bán hàng; quản lý - hành chính văn phòng; tài chính - ngân hàng - kế toán - bảo hiểm; dệt - may - giày da - thủ công mỹ nghệ… Với hàng loạt ngành nghề được dự báo có triển vọng tốt trong thời gian tới như vậy sẽ là cẩm nang tốt dành cho các em học sinh cuối cấp đang bước vào ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề cho tương lai của mình.


T. Thanh - M. Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc