Bài học từ công trình xây dựng đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm

09:09 | 28/01/2015

1,155 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hệ thống chính quyền địa phương cũng như Chủ đầu tư đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác GPMB để tiếp tục triển khai các dự án điện trọng điểm tiếp theo, dự kiến thực hiện trong năm 2015.

Đường dây 220 kV Vân Trì-Chèm.

Công trình xây dựng đường dây 220 kV Vân Trì-Chèm là dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội đã đóng điện từ cuối tháng 12/2014 nhưng đến đầu năm nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án vẫn chưa được hoàn thành và còn những tồn tại cần giải quyết.

Tại Hội nghị tổng kết công tác GPMB dự án xây dựng đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm do UBND huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội) phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc - AMB (Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia-NPT) mới đây, ông Tô Văn Đảm, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ-tái định cư huyện Đông Anh, Trưởng Ban Bồi thường GPMB dự án cho biết, toàn bộ hồ sơ phần đất thu hồi để xây móng cột đã được Chủ đầu tư và UBND các xã phối hợp hoàn thiện. Tuy nhiên, phương án bồi thường hỗ trợ chưa được UBND huyện phê duyệt. Theo ông Đảm, đến nay dự án vẫn đang chờ UBND thành phố Hà Nội chấp thuận về diện tích thu hồi đất chéo méo để tổ chức thực hiện.

Đối với hành lang lưới điện đi qua 40 hộ gia đình đất thổ cư, do đơn giá bồi thường về đất ở còn thấp, chưa sát với giá thị trường nên UBND huyện đã báo cáo và được UBND thành phố chấp thuận giá đền bù cho dự án. Đặc biệt, khi giải quyết việc kéo điện qua hộ dân là phức tạp nhất. “Hơn 10 lần chúng tôi phải đối thoại với người dân; trong đó, vai trò của các Trưởng thôn, Bí thư chi bộ là quan trọng nhất”, ông Đảm nói.

Riêng cây cối và công trình nằm trong hành lang lưới điện của 27 hộ thầu khoán, Chủ đầu tư đã phối hợp với UBND, Tổ công tác GPMB các xã kiểm đếm và hoàn thiện hồ sơ. Hiện Chủ đầu tư đang dự thảo phương án để công khai theo quy định.

Còn ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng nhận xét, xã thực hiện GPMB nhanh nhất từ khi triển khai dự án. Tuy nhiên khi 18 hộ dân trong xã đề nghị chuyển đi nơi khác do lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe khi đường dây qua nhà, được sự tuyên truyền của UBND huyện, Ban GPMB, các hộ dân đã đồng ý nhận tiền đền bù và ở lại. Bởi theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về An toàn điện, nếu nhà ở đủ các điều kiện kỹ thuật theo quy định thì không phải di chuyển ra khỏi hành lang lưới điện 220 kV.

 Đánh giá về công tác GPMB dự án này, ông Hà Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ-tái định cư dự án cho biết lý do phải tổng kết công tác GPMB dự án này trong khi trên địa bàn còn có hàng trăm dự án khác đang triển khai là vì công tác GPMB tại dự án này quá phức tạp. Thể hiện ở diện tích thu hồi làm chân móng đối với từng hộ nhỏ lẻ, xen kẽ gây khó khăn cho việc canh tác sản xuất sau thu hồi; hành lang đường điện đi qua 40 hộ gia đình có đất ở gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Đóng điện xung kích đường dây 220 kV Vân Trì – Chèm.

Theo ông Khanh, là dự án trọng điểm của Quốc gia, triển khai trong vòng 2 năm với diện tích thu hồi đất ít (hơn 9.000m2) với 174 hộ bị ảnh hưởng, nhưng đã có rất nhiều cuộc họp phải triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình GPMB; trong đó có trách nhiệm rất cao của UBND 4 xã có đường dây đi qua là Nam Hồng, Kim Chung, Võng La và Đại Mạch. Trong khi đó, Dự án rơi vào thời kỳ cuối thực hiện Luật Đất đai năm 2013 nên rất nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách khiến công tác GPMB càng khó khăn.

“Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, vào cuộc từ thành phố đến huyện, xã, thôn, thành lập các Tổ công tác tuyên truyền vận động, tổ chức đối thoại nhiều lần đối với 8 thôn có đường điện đi qua, đến tận nhà để vận động cá biệt đối với những hộ gia đình chưa hiểu mục đích, ý nghĩa của dự án cũng như chính sách về GPMB. Đến nay, tất cả các hộ gia đình đều đồng thuận, ủng hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư”, ông Khanh bày tỏ. Kết quả, dự án hoàn thành đúng tiến độ, đóng điện kịp thời, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2015.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cũng thừa nhận, đâu đó trong hệ thống chính trị dưới cơ sở cũng còn có mặt hạn chế, né tránh trách nhiệm tạo hiệu ứng đám đông người dân chống đối nên kinh nghiệm rút ra trong công tác GPMB dự án này là phải nhất quán trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo.

 Về bài học kinh nghiệm trong công tác GPMB của dự án, theo ông Thanh, có 3 vấn đề được đưa ra, đó là tính quyết liệt trong quá trình chỉ đạo; chính xác trong kiểm đếm, lập phương án và kịp thời giải quyết các thắc mắc của hộ dân, hay đối thoại với dân một cách rõ ràng. Mọi công việc đều phải thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật thì sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Vì vậy, rút kinh nghiệm để triển khai công tác GPMB các dự án điện khác sắp triển khai, Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ-tái định cư huyện cho rằng phương án bồi thường đền bù phải công khai minh bạch, rõ ràng ngay từ đầu.

Đại diện cho Chủ đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Tổng Giám đốc NPT cũng khẳng định: Thành công trong GPMB để dự án đóng điện đúng kế hoạch cũng tạo điều kiện cho Tổng Công ty cùng với huyện Đông Anh triển khai tốt công tác GPMB các dự án điện tiếp theo. Sau khi đóng điện đường dây ở vị trí bờ bắc của sông Hồng, Ban AMB đang phấn đấu trước mùa khô năm nay đóng điện phần đường dây nối bên bờ nam đến trạm Chèm phục vụ cấp điện cho Hà Nội giai đoạn 2016-1017.

Là công trình trọng điểm quốc gia, Dự án đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm được NPT giao cho Ban AMB làm đại diện chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 574 tỷ đồng. Dự án đi qua các huyện Mê Linh, Đông Anh và quận Từ Liêm, có nhiệm vụ truyền tải từ đường dây 500 kV Sơn La-Hiệp Hòa về Hà Nội với công suất từ 400-600MW, bằng 25% công suất của Hà Nội hiện nay. Theo NPT, đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm được khởi công tháng 12/2012 và dự kiến đóng điện đưa vào vận hành tháng 12/2013 nhưng do vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB nên dự án phải kéo dài đến 30/12/2014 mới đóng được điện. Trước yêu cầu cấp bách phải đưa công trình vào vận hành trong năm 2014 để đảm bảo cung cấp điện cho khu công nghiệp Bắc Thăng Long và khu vực phía bắc Thủ đô Hà Nội, thời gian qua, NPT đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân nơi có đường dây đi qua, tìm nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB để thi công công trình, đưa đường dây vào vận hành đúng kế hoạch.

Theo ông Trần Kim Vũ, Phó Giám đốc Ban AMB, trong năm 2015, NPT tiếp tục giao cho Ban AMB triển khai tiếp 3 dự án trọng điểm cấp điện cho Hà Nội từ cuối năm 2016 - đầu năm 2017 như trạm biến áp 500 kV Đông Anh, trạm biến áp 220 kV Đông Anh; đường dây 500/220 kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2, đều đi qua địa bàn huyện Đông Anh với tổng mức đầu tư các dự án khoảng 2.698 tỷ đồng. Như vậy, những kinh nghiệm trong công tác GPMB dự án đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm sẽ là bài học quý cho địa phương và Chủ đầu tư tiếp tục thành công với các dự án điện có ý nghĩa chính trị-xã hội lớn trên địa bàn Hà Nội.

Mai Phương

  • el-2024