Bài học của người đứng đầu

07:07 | 26/01/2013

1,424 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong tuần đầu tiên của năm 2013, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý tiếp chị Phan Thị Kim Phụng - một công dân ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười có khiếu nại đất đai kéo dài.

Do đi xe đò xuyên đêm từ TP HCM, chị Phụng tới Cao Lãnh muộn hơn giờ hẹn một giờ. Chị Phụng vừa cất lời xin lỗi thì ông Chủ tịch UBND tỉnh đã lắc đầu: “Không sao! Dân chờ 14 năm rồi, không lẽ chủ tịch chờ một tiếng không được sao”. Hóa ra ông đã chuẩn bị để đối diện với một vụ việc khó khăn. Cả tuần nay ông đã đọc lại hết hồ sơ, xem lại các bản vẽ quy hoạch để hiểu những bức xúc mà gia đình chị Phụng phải chịu đựng và để tìm ra điểm sai trong quá trình giải quyết. Chị Phụng trình bày việc của mình trong nước mắt, còn ông Chủ tịch chia sẻ: “Bức xúc quá thì phải khóc, thôi, khóc đi rồi nói tiếp”.

Câu chuyện của chị Phụng vẫn là câu chuyện thường gặp đâu đó khi đất bị thông báo thu hồi nằm ngoài quy hoạch, bị khép tội “chống người thi hành công vụ”, chị Phụng và chị gái bị ra tòa và phải thụ án tù ở tuổi 19, nhà bị cưỡng chế giữa mùa nước nổi và cả gia đình cô phải tá túc tạm bợ căn lều tạm cho đến tận bây giờ. Báo chí đã gọi chuyện của chị Phụng là câu chuyện chôn vùi tuổi xuân trong khiếu kiện bởi những chuyến đi như con thoi giữa Tháp Mười - Cao Lãnh - TP HCM - Hà Nội với chồng đơn khiếu nại.

Chủ tịch Lê Minh Hoan chỉ ngay vào thửa đất chạy dài của ông Bảy Bình (ba của chị Phụng) trên bản đồ: “Thửa đất này ở bản đồ 1/1.000 thì nằm trong quy hoạch, nhưng trên bản đồ 1/500 đã điều chỉnh và áp dụng thực tế thì nằm ngoài. Gia đình cô Phụng khiếu nại dựa trên bản đồ 1/500 này, các cơ quan chức năng giải quyết thì lại dựa trên bản đồ 1/1.000 này. Đất của gia đình Phụng như vậy là nằm ngoài quy hoạch. Sai ngay từ đầu nên những cái sai cứ kéo theo, chồng lên nhau...”.

Lời khẳng định của ông Lê Minh Hoan được chứng minh khi chỉ hai ngày sau, chị Phụng được lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Tháp và Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp hẹn gặp và chính thức xin lỗi hai chị em Loan - Phụng về những oan khuất mà hai chị em phải chịu đựng từ mười mấy năm về trước và công an tỉnh sẽ cùng huyện, xã đến nhà xin lỗi công khai.

Còn ông Nguyễn Thành Thơ - Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng nhấn mạnh, bên công an đưa công văn qua thừa nhận bắt oan sai thì tới lượt tòa án sẽ xin lỗi và bồi thường theo pháp luật.

Sau khi được chủ tịch tỉnh tiếp, chị Phụng cũng chưa dám tin rằng, việc khiếu kiện của mình đã được giải quyết. 14 năm, mỗi lần được một cơ quan tiếp nhận hồ sơ, chuyển giúp đơn thư, được hỏi thăm là mỗi lần chị Phụng hy vọng. Và thời gian qua, bao nhiêu lần hy vọng là bấy nhiêu lần thất vọng, nhưng vẫn cứ phải tiếp tục hy vọng. Và lần này chị được nghe đích thân lãnh đạo tỉnh thừa nhận Phụng đúng, hứa hẹn sửa sai.

Hai ngày sau, theo lệnh của chủ tịch tỉnh, đoàn cán bộ liên ngành, liên cấp xã - huyện - tỉnh mang thước dây, máy phóng cùng rất nhiều giấy tờ đến xã Trường Xuân tiến hành xác định lại những cột mốc, đo đạc lại diện tích thửa đất của bố chị Phụng là ông Bảy Bình. Thật là một sự kiện vui mừng làm xôn xao cả xã.

Thì ra năm 2006 chính ông Lê Minh Hoan khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký một công văn trả lời khiếu nại của gia đình chị Phụng, khẳng định việc thu hồi đất của huyện Tháp Mười là đúng và yêu cầu gia đình “nghiêm chỉnh chấp hành”. Nhắc đến việc này, ông Hoan nói, khi đó cũng chỉ coi qua báo cáo ở dưới đưa lên. “Việc này khiến tôi rất day dứt và quyết tâm sửa sai. Câu chuyện của chị Phụng nhất định sẽ được chúng tôi đưa ra để làm một bài học, trước hết là bài học cho chính tôi”.

Tuy nhiên, những bài hoc kiểu này lại ít được các chủ tịch tỉnh tham khảo. Chẳng hạn ở tỉnh Phú Yên có một vụ kiện liên quan việc xử phạt vi phạm hành chính giữa bà Nguyễn Thị Hương (37 tuổi, trú thị xã An Khê, Gia Lai) và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.

Theo hồ sơ vụ việc, bà Nguyễn Thị Hương là chủ một xe ôtô dùng để kinh doanh vận tải hàng hóa. Bà Hương thuê ông Nguyễn Văn Lớn làm lái xe, thỏa thuận không được dùng xe chở hàng bất hợp pháp.

Ngày 24/11/2010, lái xe Lớn tự ý dùng ôtô của bà Hương để vận chuyển trái phép 142 khúc gỗ cà te và bị Hạt Kiểm lâm thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) bắt giữ, lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 6/1/2011, Chủ tịch tỉnh Phú Yên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt ông Nguyễn Văn Lớn 75 triệu đồng và tịch thu 142 khúc gỗ, sung công quỹ. Đồng thời, tạm giữ xe ôtô để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt hành chính này. Không chịu việc xét xử này, bà Hương đâm đơn kháng án.

Phải đến lượt TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên phúc thẩm xét xử mới ngã ngũ. Tòa tuyên hủy Điều 3, Quyết định số 21 ngày 6/1/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên do không đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp cũng như kế sinh nhai của bà Hương. Tòa buộc UBND tỉnh trả lại ôtô và giấy tờ liên quan đến xe cho bà Hương. Vậy chủ tịnh tỉnh thua kiện do ra quyết định sai mà không chịu sửa. Đúng là bài học của người đứng đầu!

Minh Nghĩa

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc