CMCN 4.0 và những vấn đề đặt ra với nền công nghiệp Việt Nam

Bài 3: Cần đổi mới, hoàn thiện thể chế để bắt kịp CMCN 4.0

07:00 | 27/01/2019

354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong những năm tới cần tập trung vào tạo khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho những ngành, lĩnh vực mới, những tổ chức, phương thức sản xuất, kinh doanh mới, những thị trường sản phẩm mới, đưa vào sử dụng những loại vật liệu mới, những sản phẩm mới. Có vậy mới có thể đưa Việt Nam lên “con tàu cao tốc” của CMCN 4.0

Bàn về tính cấp thiết về thay đổi thể chế, PGS-TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, cần phải có những cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, các sản phẩm công nghệ cao, đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mặt khác, tập trung phát triển nền công nghiệp thông minh, nông nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh, thúc đẩy việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

bai 3 can doi moi hoan thien the che de bat kip cmcn 40
Cần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Việc đổi mới, hoàn thiện thể chế phải thúc đẩy hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển những ý tưởng sáng tạo mới thành sản phẩm cung cấp cho thị trường. Trong đó, cần thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, hình thành những tập đoàn kinh tế lớn tham gia, có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng ta cũng cần thu hút có chọn lọc FDI, ưu tiên thu hút những dự án đầu tư có công nghệ cao ở những lĩnh vực mũi nhọn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận, tiếp thu những thành tựu mới của khoa học - công nghệ, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc đổi mới, hoàn thiện thể chế phải tạo ra và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho việc đổi mới cơ chế quản lý phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội vào phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Nên thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Để từ đó, hoạt động của thị trường sản phẩm khoa học - công nghệ, nhất là đối với những sản phẩm mới do cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ tư tạo ra, đi đôi với việc tập trung bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo.

PGS-TS Nguyễn Văn Thạo nhấn mạnh, việc đổi mới, hoàn thiện thể chế cần phải có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, định hướng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào những lĩnh vực khoa học, những công nghệ mũi nhọn, đặc trưng của CMCN 4.0. Việc định hướng đào tạo vào đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới cũng cần phải có cơ chế khuyến khích, đãi ngộ thỏa đáng đối với các chuyên gia, cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ cao, những người có kết quả nghiên cứu, sáng tạo có giá trị cao. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học - công nghệ trẻ, có tiềm năng ở trong và ngoài nước, thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài về cống hiến cho đất nước…

bai 3 can doi moi hoan thien the che de bat kip cmcn 40
Khoa học công nghệ là động lực phát triển nền công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Văn Thạo cho rằng, đổi mới quản trị nhà nước thì vấn đề trực tiếp nhất, quan trọng nhất là đổi mới quản trị của chính phủ, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ quản trị thông minh.

Để làm được điều này, có rất nhiều công việc phải thực hiện, nhưng có thể tổng hợp lại gồm 3 bước. Thứ nhất, cần nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện được hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng kết nối chính phủ tới tất cả các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, thậm chí tới từng hộ gia đình, từng người dân. Cần xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về từng người dân, từng hộ gia đình, từng cơ quan, đơn vị, tới tất cả các ngành, các địa phương. Tất cả các văn bản chỉ đạo, các báo cáo, số liệu về tình hình của các cấp, các ngành, các địa phương…

Thứ hai, cần đổi mới tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước tinh gọn, hợp lý, phù hợp với yêu cầu, chức năng, quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và với điều kiện hệ thống quản lý đã được tin học hóa, được trang bị những thiết bị thông tin, hệ thống mạng hoàn chỉnh, hiện đại cho phép mở rộng khả năng theo dõi, nắm bắt tình hình, phân tích, đánh giá thông tin.

bai 3 can doi moi hoan thien the che de bat kip cmcn 40
Đại diện PV GAS tham gia đoàn doanh nhân tiếp kiến Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ.

Cuối cùng, Chính phủ cần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cơ quan quản lý nhà nước có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý cao. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, công chức, viên chức phải làm chủ được các công cụ, phương tiện hiện đại trong hoạt động quản lý. Đặc biệt là phải nhạy bén với cái mới, ủng hộ cái mới và có ý tưởng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của mình.