Bác sĩ Trung Quốc thực chất là… người giúp việc

15:58 | 18/07/2012

439 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, bác sỹ đông y giỏi thực sự của Trung Quốc không bao giờ sang Việt Nam hành nghề khám chữa bệnh đông y. “Theo tìm hiểu thực tế của tôi, những người sang Việt Nam hành nghề "bác sỹ đông y" đều là lao động tự do chứ không phải chuyên gia. Thực chất, họ sang Việt Nam và làm thuê cho người Việt Nam” ông Hướng nói.

Người giúp việc bác sĩ hô “biến” thành bác sĩ

Qua trường hợp tử vong của chị Nguyễn Thu P. tại phòng khám Maria (65-67 Thái Thịnh – Hà Nội) rõ ràng cho thấy sự bất cập trong quản lý đối với các phòng khám quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Sau khi cơ quan công an vào cuộc mới thấy rõ, hai bác sĩ Trung Quốc tham gia khám và điều trị cho chị P được phòng khám này thuê với chức danh “người giúp việc bác sĩ” chứ không phải là bác sĩ điều trị.

Người giúp việc đến từ Trung Quốc

Theo giải thích của phía Sở Y tế Hà Nội, dưới danh nghĩa “người giúp việc” thì họ không được trực tiếp khám, kê đơn, thực hiện thủ thuật mà chỉ giúp những công việc như ghi chép sổ sách, thay băng, cắt chỉ, đo nhiệt độ, huyết áp… Vậy mà những “người giúp việc này” ngang nhiên khám, kê đơn, chỉ định thuốc điều trị gây ra ca tử vong của chị P. (sinh năm 1978) tối ngày 14/7.

BS Lưu Thị Liên, PGĐ Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Hai người Trung Quốc được cấp phép với chức danh giúp việc bác sĩ là LEI HONG (Lôi Hồng, nữ, 24 tuổi) và HUANG DINGLI (Hoàng Đình Lập, nam). Ngoài ra, Sở chưa từng cấp phép cho bác sĩ người Trung Quốc nào làm việc tại đây. Vì thế, nếu có bác sĩ Trung Quốc trực tiếp khám, kê đơn cho bệnh nhân tại phòng khám này là sai luật, là hoạt động chui. Cơ quan điều tra cũng đã tìm rõ danh tính của 4 bác sĩ người Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh cho chị P.

Trước đó, ngày 27/6, cũng chính bắt nguồn từ việc người giúp việc làm thay bác sĩ, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của bệnh nhân Kim Quý (35 tuổi, ở Q.Đống Đa, Hà Nội) về việc chị đi khám đặt vòng tránh thai nhưng phòng khám này kết luận chị bị sùi mào gà, có dấu hiệu ung thư. Chị Quý đã đến kiểm tra vòng tránh thai tại đây sau khi xem quảng cáo trên truyền hình. Một “bác sĩ” người Trung Quốc tên là Lôi Hồng sau khi khám, xem các kết quả xét nghiệm dịch âm đạo, nước tiểu, siêu âm, nhóm máu đã kết luận bệnh của chị phải điều trị ngay, nếu không sẽ dẫn đến ung thư rất nhanh. Chị Quý còn chần chừ thì ngay tối đó, một người xưng là nhân viên của phòng khám này gọi điện thoại cho chị tư vấn và giải thích thêm tình trạng bệnh. Nhân viên này còn cho biết “bác sỹ nói chị còn bị mắc thêm bệnh sùi mào gà, nếu không chữa sẽ lây sang chồng và các con” nên chị đã đồng ý điều trị.

Chị Quý đã điều trị 4 ngày với chi phí gần 24 triệu đồng và được cho biết sẽ còn phải điều trị ít nhất thêm 15 ngày nữa. Do không có đủ tiền nên chị đã ngừng điều trị, vào một cơ sở y tế công lập để kiểm tra và điều trị tiếp. Tại đây, chị được các bác sỹ cho biết không bị bệnh gì, sức khỏe hoàn toàn bình thường!

Quản lý cấp phép lỏng lẻo

Theo nhận định của ông Hướng, hiện nay quy trình cấp phép, quản lý hành nghề đối với bác sỹ đông y Trung Quốc của Việt Nam rất lỏng lẻo. “Họ chỉ cần mang bằng cấp, giấy tờ được phô tô đến lãnh sự quán của ta ở Quảng Tây để hợp pháp hóa là được. Trong khi đó, lãnh sự quán cũng không thể thẩm định giấy tờ họ mang đến là thật hay giả, ngành y tế của ta cũng không thẩm định được giấy tờ vì tất cả đều là bản phô tô”, ông Hướng cho hay. Ngoài chuyện bằng cấp, ông Hướng cho rằng chúng ta không thông qua Bộ Ngoại giao để thẩm định nhân thân của những người này, do đó không thể biết thực sự họ có nhu cầu và đủ trình độ sang Việt Nam chữa bệnh hay không.

Theo BS Lưu Thị Liên – PGĐ Sở Y tế Hà Nội, để tăng cường quản lý các phòng khám tư nhân, Sở Y tế Hà Nội có kế hoạch thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm. Bà Liên cũng khẳng định, chắc chắn phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn. Ngoài kế hoạch thanh kiểm tra thường xuyên, sẽ có kiểm tra đột xuất. Thời gian tới sẽ chấn chỉnh những quy định về việc đeo thẻ, biển ở các phòng khám. Khi cấp phép, quy định rõ, bác sĩ đeo đúng biển, đúng tên là bác sĩ, điều dưỡng đúng biển điều dưỡng, không được phép đeo khác đi, không đúng chức năng của mình.

Hiện cơ quan công an đang chờ kết quả giám định pháp y quân đội để xem xét tình tiết vụ việc có khả năng khởi tố vụ án. Nguyên nhân về cái chết của chị P hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng nhưng theo nhận định ban đầu của giới chuyên môn có thể chị P tử vong do sốc thuốc kháng sinh. Theo hồ sơ bệnh án, chị P. được nhóm “người giúp việc bác sĩ” Trung Quốc tại phòng khám Maria chẩn đoán: viêm lộ tuyến cổ tử cung. Chỉ định đốt và truyền kháng sinh toàn thân. Sau đó vài giờ, chị P. tử vong. Theo y kiến của bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh hay gặp ở phụ nữ sau khi sinh, với bệnh này chỉ cần điều trị kháng viêm kết hợp với xét nghiệm tế bào. Việc truyền kháng sinh toàn thân rất nguy hiểm và có thể đây cũng là nguyên nhân cái chết của chị P.

Khánh Vân