Bác sĩ "đóng gói" những mẩu chuyện trong khu cách ly

07:30 | 28/03/2020

362 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhìn bác sĩ Bảo cặm cụi trước màn hình máy tính, sửa lại từng câu chữ, mọi người bảo nhau "chắc sắp có thêm câu chuyện nào đó trong khu cách ly rồi".

Câu chuyện hôm nay của bác sĩ Bảo viết về một nữ điều dưỡng làm việc tại khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đống Đa.

"Ngày hôm đó, bạn ấy sốt ruột, tới bữa không ăn cơm mà chỉ ngó nghiêng ra cửa sổ sau khi nhận được cuộc gọi của chồng báo con ốm. Đã hơn một tuần, chúng tôi không trở về nhà, tôi thấy đồng cảm với nỗi nhớ nhung và lo lắng này", bác sĩ Dương Quốc Bảo, 35 tuổi, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, cho biết.

Khi ấy, cô điều dưỡng nhận được cuộc gọi khi trên tay vẫn còn cầm bút và tờ giấy chăm sóc người bệnh viết dở. Dù lo lắng, cô vẫn bình tĩnh trấn an chồng và dặn dò theo dõi sát tình trạng của con.

Bài viết về cô điều dưỡng sau đó được bác sĩ Bảo đăng trên trang cá nhân của mình:

"Chuyện con ốm đau, cô đã khá quen. Đứa con chưa đầy 2 tuổi thi thoảng vẫn hắt hơi sổ mũi. Mỗi lần như vậy cô vẫn ôm con cả đêm hoặc đưa con đến viện để nhờ đồng nghiệp khám giúp... Nhưng lần này, tình trạng có vẻ nặng hơn.

Thời gian trôi qua thật nặng nề, trong khi đồng nghiệp mở những suất cơm đã được chuẩn bị sẵn, cô không tài nào nuốt nổi một miếng, lòng như lửa đốt. Nếu con mình bị viêm ruột thừa, bị lồng ruột... thì sao?

Bao nhiêu chữ "nếu" hiện ra trong đầu làm cô không yên tâm. Cứ ngơi việc, cô không cầm lòng được lại bấm số để gọi về nhà.

May mắn sau khi được đưa lên viện kiểm tra, con cô đã đỡ, có lẽ chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường. Cô cảm thấy như trút được hàng tấn gánh nặng trong lòng.

"Anh cứ theo dõi con cho kỹ, có gì gọi điện cho em nhé!". Buông điện thoại xuống, cô lại tiếp tục công việc của mình, mặc bộ đồ bảo hộ và đi vào vùng tâm dịch, nơi rất nhiều người đang chờ cô giúp đỡ".

Ngoài câu chuyện của đội ngũ nhân viên, bác sĩ Bảo còn chụp lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ của mọi người khi chống dịch. Mọi người nói, sau đợt dịch, bác sĩ lại có thêm nghề tay trái là làm "nhà văn".

"Tôi một phần muốn ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ, phần vì tâm tư luôn thôi thúc phải viết gì đó để cảm ơn sự hy sinh của những người đồng nghiệp, không chỉ ở bệnh viện Đống Đa mà có thể ở các viện khác nữa. Những câu chuyện trong khu cách ly tuy nhỏ bé nhưng rất chân thật", anh nói.

Bác sĩ
Bác sĩ Dương Quốc Bảo tại khu cách ly Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Thùy An

Từ ngày 31/1, tin tức dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, bệnh viện Đống Đa đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch, bắt đầu tiếp nhận trường hợp cách ly. Bệnh viện đã thành lập khu cách ly riêng dành cho người nghi nhiễm.

Hàng ngày, bác sĩ Bảo thăm khám ngoại trú, sàng lọc trường hợp nghi ngờ Covid-19. Khối lượng công việc trải dài từ khám, sàng lọc, điều trị kết hợp trấn an tâm lý, chăm sóc đời sống, ăn, ngủ nghỉ cho bệnh nhân đồng thời tiếp nhận thông tin phản hồi từ người cách ly để hoàn thiện.

Hiện tại, bệnh viện chỉ tiếp nhận, cách ly ca có triệu chứng từ khu cách ly hoặc Trung tâm Y tế Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... Nhờ đó, bác sĩ dễ dàng khoanh vùng, sàng lọc nguy cơ và tư vấn đúng hướng trước khi điều trị.

Đặc biệt, từ ngày 6/3, khi Hà Nội phát hiện ca Covid-19 đầu tiên - "bệnh nhân 17" Nguyễn Hồng Nhung, bệnh nhân cách ly tăng lên theo cấp số nhân. Bệnh viện chuyển toàn bộ người bệnh khoa truyền nhiễm đến khoa phòng phù hợp khác và sắp xếp toàn bộ khoa truyền nhiễm thành khu cách ly riêng.

Trong ngày đầu tiên, bệnh viện tiếp nhận hơn 50 người cách ly. Khoa phòng thành lập đội trực chiến gồm 9 nhân viên y tế tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân đồng thời cách ly luôn tại bệnh viện. Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ phải thực hiện cách ly để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm.

Song với bác sĩ Bảo, anh không gọi những ngày này là "cách ly" vì không có cảm giác cách ly. "Nó cũng chỉ là một trong rất nhiều nhiệm vụ mà các bác sĩ truyền nhiễm cần làm vì bệnh nhân và cộng đồng thôi".

Bác sĩ
Bác sĩ Bảo đang trao đổi, khai thác lại đường dịch tễ và tình trạng sức khỏe bệnh nhân hiện tại. Ảnh: Thùy An

10 năm công tác trong ngành truyền nhiễm, bác sĩ Bảo đối mặt với nhiều đợt dịch lớn nhưng chưa từng thấy có cách ly người khỏe mạnh tại viện như với Covid-19.

"Tập trung chuyên môn nhưng phải thật thận trọng", anh liên tục nhắc nhở mọi người có ý thức phòng hộ vì không chỉ Covid-19 mà mọi bệnh truyền nhiễm đều có tính chất lây lan. Các biện pháp phòng hộ như dùng đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh bề mặt, phun khử khuẩn các bề mặt có nguy cơ cũng được tiến hành theo quy định.

Ngoài ra, mặt bệnh truyền nhiễm đa dạng, không có đáp án chung cho từng bệnh. Nó không tập trung vào một bộ phận bất kỳ như tim mạch, tai, mũi, họng... mà truyền nhiễm có thể gây nhiễm khuẩn tổn thương cho nhiều bộ phận cùng lúc nên không ai được chủ quan.

Hôm 17/3, bác sĩ Bảo nhận được lá thư viết tay của cặp vợ chồng người Anh, từng đi chung chuyến bay với "bệnh nhân 17". Lá thư bày tỏ sự biết ơn đến nhân viên y tế đã chăm sóc, điều trị. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly và lên máy bay về quê hương với tấm giấy chứng nhận về sức khỏe xác định âm tính, hai vợ chồng đã họ dành lời khen cho nhân viên y tế và hứa sẽ trở lại Việt Nam khi dịch bệnh kết thúc.

"Họ gọi chúng tôi là 'người ở tuyến đầu' nhưng tôi nghĩ mình cũng chỉ là cánh tay nối dài trong cuộc chiến cần nhiều người chung tay", bác sĩ Bảo nói. "Cứ mỗi ngày trôi qua thêm một kết quả âm tính là thêm một niềm vui, thêm một người xuất viện là thêm nguồn động lực để mọi người vượt qua cuộc chiến này".

Trở lại phòng làm việc, bác sĩ Bảo xem lại bức ảnh một nhân viên y tế chợp mắt ngủ trong lúc chờ bệnh nhân lúc 12h đêm qua. Khẽ mỉm cười, bác sĩ quay lại màn hình máy tính, bắt đầu những dòng chữ đầu tiên cho câu chuyện mới.

"Chắc đến lúc hết dịch, những mẩu chuyện này sẽ gom lại được thành một cuốn nhật ký chống dịch của nhân viên y tế đấy nhỉ, chắc sẽ thú vị lắm", bác sĩ Bảo trải lòng.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc