Bắc Giang: Chính quyền giữ sổ đỏ của dân để... vòi thêm tiền

08:00 | 03/06/2016

5,070 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần trăm hộ dân nghèo ở thôn Đông Lâm (xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang đứng ngồi không yên khi nhận thông báo từ chính quyền địa phương về việc, họ phải nộp hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy theo diện tích mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
chinh quyen ban dat kieu lua daoPhó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo làm rõ việc thu hồi đất ở Hiệp Hòa, Bắc Giang
chinh quyen ban dat kieu lua dao"Cường hào mới" ở Hiệp Hòa, Bắc Giang: Muôn kiểu ép dân!
chinh quyen ban dat kieu lua daoMột kiểu “lấy dân làm… thớt”!

Vừa qua, Báo Năng lượng Mới - PetroTimes nhận được đơn cầu cứu của người dân thôn Đông Lâm về việc, họ bị chính quyền địa phương "lừa" mua đất ở.

Cụ thể, cuối 2015, họ nhận được thông báo lên trụ sở UBND xã Hương Lâm nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất của gia đình đang ở. Tuy nhiên, khi thấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều người dân đều té ngửa vì khoản phí phải trả để được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá lớn.

“Chính quyền xã chỉ cho chúng tôi nhìn thấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ không cho mang về, giống như nhử mồi. Diện tích nhà tôi hơn 300m2 đất, phải nộp 138,8 triệu đồng thì UBND xã mới trả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thấy khoản tiền lớn và vô lý nên tôi không nộp, UBND xã vẫn giữ giấy tờ sử dụng đất nhà tôi” - ông Đồng Văn Tú (45 tuổi, ở thôn Đông Lâm) nói.

chinh quyen ban dat kieu lua dao
Biên bản giao đất cho người dân.

Theo lời ông Tú, tháng 12/1996, gia đình ông đã bỏ ra số tiền 7,5 triệu đồng để mua 308,5m2 đất theo chủ trương bán đất lấy tiền xây dựng hạ tầng đường điện cơ sở của UBND xã Hương Lâm. Sau khi trả tiền và được bàn giao đất, gia đình ông Tú xây nhà và ở ổn định từ đó đến nay. Hàng năm, gia đình ông Tú đều nộp phí sử dụng đất đầy đủ.

Tuy nhiên, dù đã đề đạt với chính quyền địa phương về nguyện vọng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều lần, nhưng không được đáp ứng. Đến tháng 12/2015, ông Tú được mời ra UBND xã Hương Lâm nhận giấy tờ đất và được biết phải nộp gần 140 triệu đồng mới được trả sổ đỏ.

"Cả gia đình tôi làm nông, một khoản tiền lớn như vậy thì kiếm đâu ra mà nộp cho chính quyền để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi đã đề xuất với chính quyền là cho mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cầm cố ngân hàng lấy tiền nộp nhưng họ không đồng ý" - ông Tú nói.

Cùng giống trường hợp gia đình ông Tú, ở thôn Đông Lâm còn có hàng trăm hộ dân khác. Điểm khác nhau duy nhất giữa các hộ dân là số tiền phải nộp để được chính quyền xã trả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì diện tích đất khác nhau.

Nhà ai diện tích đất rộng thì phải trả nhiều, hẹp trả ít. Trung bình khoảng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nếu tính tổng cộng số tiền mà gần một trăm hộ dân phải nộp để được UBND xã Hương Lâm trả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên đến cả chục tỉ đồng. Thấy vô lý nên người dân không nộp.

chinh quyen ban dat kieu lua dao
Phiếu thu tiền mua đất của các hộ dân từ năm 1996.

"Với kinh tế chủ yếu là nông nghiệp cấy lúa, trồng ngô thì dân chúng tôi lấy đâu ra hàng trăm triệu đồng nộp cho UBND xã để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - ông Đồng Viết Thắng (57 tuổi) than thở.

Theo ông Thắng, hộ ít nhất là gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên, với 60,6m2 phải nộp 27,3 triệu đồng. Hộ nhiều nhất là ông Ngô Quang Giảng với 620,1m2 đất, phải nộp 270 triệu đồng. Gia đình ông Thắng phải nộp 135 triệu đồng để được nhận sổ đỏ mảnh đất rộng 302m2.

Công thức chung để tính ra được mức tiền phải nộp của mỗi hộ kể trên đều là tổng diện tích mảnh đất nhân với giá đất hiện thời, UBND xã áp giá 1,5 triệu đồng/m2. Ra kết quả bao nhiêu sẽ nhân tiếp với 30% thì được kết quả chính là khoản nộp vô lý mà dân phải đóng nếu muốn mang sổ đỏ về. Ví dụ nhà tôi có 308,5m2 x 1,5 triệu đồng = 462,75 triệu đồng. Ngoài ra  x 30% = 138,8 triệu đồng (khoản tiền nộp thêm).

Ông Thắng cho hay, ngoài tiền mua đất, gần trăm hộ dân ở thôn Đông Lâm chúng tôi đã chung nhau nộp 3 triệu đồng gọi là tiền quy hoạch và tiền cấp sổ đỏ cho UBND xã Hương Lâm. Người trực tiếp thu, có ghi lại phiếu là ông Đồng Minh Hội, khi đó làm Trưởng thôn Đông Lâm.

"Gần một trăm hộ dân ở thôn Đông Lâm chúng tôi mua đất theo chủ trương bán của chính quyền địa phương và đã nộp tiền làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của UBND xã Hương Lâm. Nay cũng chính UBND xã Hương Lâm lại yêu cầu nộp tiền để cấp sổ đỏ lần 2 mà không rõ căn cứ vào quy định nào”.

Cũng theo phản ánh của người dân, sau khi nhận được thông báo nộp tiền mới được cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về, hầu hết các hộ dân đều ngậm đắng nuốt cay bất lực. Nhiều gia đình muốn sửa chữa nhà cửa xuống cấp, hoặc xây mới đều bị chính quyền đến ngăn cản.

"Khi người dân xây nhà, chính quyền xã huy động lực lượng ngăn cản, phá bỏ những chỗ xây mới với lý do chưa đóng tiền. Mặc dù họ đến không có bất kỳ một văn bản, hay quyết định nào về việc cưỡng chế xây dựng sai phép" - một người dân bức xúc nói.

Qua tìm hiểu được biết, các trường hợp ở thôn Đông Lâm phải nộp cả trăm triệu đồng để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đất mua năm 1996 thuộc loại giao trái thẩm quyền nhưng...vẫn đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Quyết định số 191/2012/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang. Công thức chung để tính khoản tiền các hộ dân phải nộp cũng được áp dụng từ chính quyết định này.

Nhiều người dân ở thôn Đông Lâm cũng phản ánh, tình trạng bất công bằng cũng xảy ra khi cùng mua đất như nhau nhưng có một số ít hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp thêm tiền. Những hộ không nộp tiền để lấy giấy chứng nhận thì UBND xã Hương Lâm không cho phép xây dựng nhà ở trên chính mảnh đất mà mình bỏ tiền ra mua cách đây 20 năm.

Để làm rõ vấn đề này, Báo Năng lượng Mới - PetroTimes đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Hoa - Bí thư Huyện ủy Hiệp Hòa nhưng chỉ nhận được câu trả lời: "Tôi đang họp sẽ gọi lại nhà báo sau".

Một số chuyên gia pháp lý nhận định, qua xem xét, nghiên cứu vụ việc cho thấy, ngày 26/8/2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định số 1271/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định số 191/2012/QĐ-UBND ngày 27/6/2012, có hiệu lực từ ngày ký.

“Như vậy, UBND huyện Hiệp Hòa đã ép người dân phải nộp tiền phí Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật đã bị bãi bỏ. Đồng thời, theo quy định của pháp luật thì việc UBND xã Hương Lâm buộc gần một trăm hộ dân thôn Đông Lâm phải nộp cả chục tỉ đồng là bất hợp lý".

Thiên Minh