Ba Lan sẽ xây dựng đường ống dẫn khí Baltic Pipe

15:25 | 05/06/2018

158 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phần dưới nước của đường ống dẫn khí Baltic Pipe chạy xuyên biển Baltic sẽ bắt đầu được khởi công xây dựng vào mùa xuân năm 2020 và hoàn tất sau 2 năm.
ba lan se xay dung duong ong dan khi baltic pipe
Sơ đồ Baltic Pipe tương lai trong tương quan với đường ống Nord Stream hiện hữu

Ngày 4/6/2018, đại diện Ủy ban cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược của Chính phủ Ba Lan, ông P. Naimsky cho biết, phía Ba Lan rất hài lòng về sự hợp tác với các đối tác từ Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Đức.

Ông P. Naimsky cũng cho biết cụ thể, Ba Lan đã nhận được một bộ giấy phép từ các quốc gia này và kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí này không còn phải chịu áp lực từ bất cứ mối đe dọa nào.

Theo ông P. Naimsky, vào tháng 6/2018 quyết định cuối cùng về vị trí chính xác của đường ống dẫn khí Baltic Pipe sẽ được công bố. Sau đó, Ba Lan sẽ có thể chuyển sang thiết kế kỹ thuật.

Baltic Pipe là một dự án đường ống dẫn khí đốt liên kết các mỏ khí trên thềm lục địa Na Uy ở Biển Bắc đi ngang qua Đan Mạch để tới Ba Lan.

Dự án gồm có 3 giai đoạn: kết nối hệ thống truyền dẫn khí của Na Uy và Đan Mạch; mở rộng cơ sở hạ tầng của Đan Mạch; xây dựng đường ống Baltic Pipe, kết nối Ba Lan với Đan Mạch dọc theo đáy biển Baltic.

Công suất dự kiến của đường ống dẫn khí này là 10 tỷ m3/năm. Chiều dài của phần đường ống dẫn khí Baltic Pipe đi dọc theo đáy biển Baltic là 230 km.

Chi phí ước tính của dự án xây dựng đường ống dẫn khí này sẽ là 1,7 tỷ euro hoặc 8,3 triệu USD/km và chỉ số đó được coi là khá cao.

Được biết, hồi tháng 6/2017, Đan Mạch và Ba Lan cuối cùng đã đạt được đồng thuận về việc xây dựng đường ống Baltic Pipe.

Ba Lan, mặc dù có được nhiều lợi ích kinh tế trong hợp tác với Gazprom, từ lâu đã muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Vào ngày 26/3/2018, đại sứ Ba Lan tại Nga nói rằng Warsaw có kế hoạch thay thế khí đốt của Nga bằng cách nhập nhiên liệu từ Na Uy hoặc Mỹ.

Theo nhà ngoại giao này, phía Ba Lan đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, khi được hỏi rằng liệu Ba Lan có thể sẽ từ chối hoàn toàn việc nhập khẩu khí từ Nga hay không thì ông trả lời rằng điều này là rất khó, nhưng dù sao Ba Lan cũng sẽ cố gắng đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cho nhu cầu nội địa.

Vị đại sứ cũng nhấn mạnh, trong trường hợp giá của khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Hoa Kỳ quá cao, Ba Lan sẽ có thể tìm kiếm sự thay thế ở các nhà cung cấp khác.

Trong quý I năm 2018, Tổng công ty dầu khí quốc gia Ba Lan (PGNiG) đã kéo giảm tỷ trọng khí đốt của Nga trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu, chỉ còn 78%, so với 84% của cùng kỳ năm 2017.

Đồng thời, nhập khẩu khí đốt của PGNiG trong quý I năm nay tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, lên đến 3,84 tỷ m3. Tuy nhiên, theo giải thích của công ty, sở dĩ tổng lượng khí đốt nhập khẩu tăng chủ yếu là vì lượng LNG nhập khẩu đã tăng đáng kể.

Bá Thủy

RT

  • el-2024