Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận khí đốt

14:19 | 29/09/2021

|
(PetroTimes) - Sau gần một năm đàm phán căng thẳng, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận mua bán khí đốt mới, nhằm thay thế cho bản hợp đồng 20 năm đã hết hạn vào tháng 4.
Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận khí đốt

Thay vì một lễ ký kết chung giữa nhà lãnh đạo hai nước, các quan chức Azerbaijan chỉ xác nhận sự tồn tại của một "thỏa thuận mới" qua email. Trong khi đó, phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Dubai hôm 20/9, Thứ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Alpaslan Bayraktar, cũng xác nhận vừa đạt được một thỏa thuận mới, song không thông tin chi tiết.

Sự thận trọng đó khó có thể phản ánh thực trạng mối quan hệ giữa Baku và Ankara chỉ một năm sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ trên diện rộng cho các lực lượng Azerbaijan trong cuộc xung đột leo thang với nước láng giềng Armenia.

Tuy nhiên, thỏa thuận mới đã làm nổi bật sự khác biệt trong các ưu tiên kinh tế giữa hai quốc gia, cũng như mức độ thay đổi của thị trường khí đốt châu Âu kể từ khi hợp đồng ban đầu được ký vào năm 2001 bởi hai tổng thống lúc bấy giờ là Heydar Aliyev của Azerbaijan và Suleyman Demirel của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hợp đồng đó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 6,6 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ mỏ khí đốt Shah Deniz Caspian của Azerbaijan, được cung cấp qua các đường ống Nam Caucasus hoặc Baku-Tbilisi-Erzurum qua Gruzia.

Các cuộc đàm phán gia hạn hợp đồng giữa Công ty Dầu khí nhà nước của Azerbaijan (SOCAR) - Công ty cung cấp khí đốt Azerbaijan (AGSC) - và Công ty Nhập khẩu Khí đốt nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ (BOTAS) được giới quan sát cho là không mang tính hình thức.

Trên thực tế, có nhiều tin đồn về việc bất đồng giá cả, hay Azerbaijan không có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu.

Nhà phân tích năng lượng John Roberts, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nói: "Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn đạt được một thỏa thuận"

Eurasianet dẫn lời ông Roberts cho hay: "Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi trọng sự đa dạng của nguồn cung và Azerbaijan phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ để xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.

Vấn đề gốc rễ đằng sau việc chậm gia hạn thỏa thuận là bởi Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong những vị thế thương lượng rất khác nhau.

Bình An