Apple “tuýt còi” Wistron: Lời cảnh báo cho Luxshare ở Việt Nam

07:14 | 21/12/2020

226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau vụ bạo loạn tại nhà máy lắp ráp iPhone tại Ấn Độ, Wistron đã bị Apple “tuýt còi” do những sai phạm trong quản lý.

Hàng nghìn công nhân hợp đồng tại Wistron tức giận vì không được trả lương trong vài tháng qua, đã phá hủy tài sản, thiết bị nhà máy gây ra thiệt hại hàng triệu USD cho nhà sản xuất hợp đồng Đài Loan và buộc họ phải đóng cửa nhà máy trong thời gian qua.

Nhà máy của Wistron tại Narasapura, Ấn Độ đã xảy ra bạo loạn khiến thiệt hại lên đến hàng triệu USD.
Nhà máy của Wistron tại Narasapura, Ấn Độ đã xảy ra bạo loạn khiến thiệt hại lên đến hàng triệu USD.

Theo báo cáo của bộ phận nhà máy của Wistron, nguồn nhân lực tại nhà máy lắp ráp một mẫu iPhone và đi vào hoạt động từ đầu năm nay, đã tăng lên 10.500 từ con số 5.000 công nhân trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải từ bộ phận quản lý nhân sự của nhà máy tại đây.

Theo báo cáo từ cuộc thanh tra của chính phủ Ấn Độ cho biết: “Mặc dù có đến hơn 10.500 công nhân đang làm việc trong nhà máy nhưng bộ phận nhân sự vẫn chưa được bố trí đầy đủ với những nhân viên có kiến thức tốt về luật lao động”.

Trên thực tế, Wistron đã tăng các ca làm việc lên đến 12 giờ so với các ca làm việc 8 giờ trước đó tại nhà máy vào tháng 10 nhưng không giải quyết được vấn đề thắc mắc của người lao động về chế độ lương thưởng.

Đồng thời công ty đã thay đổi hệ thống chấm công vào tháng 10. Trong vòng hai tháng qua, họ đã không thể khắc phục được những trục trặc trong việc chấm công khiến rất nhiều công nhân không được ghi nhận thời gian làm việc, dẫn đến việc trả lương không chính xác.

Bên cạnh đó, một số vi phạm khác được nêu rõ trong báo cáo bao gồm trả lương thấp cho nhân viên hợp đồng và nhân viên dọn phòng, và bắt nhân viên nữ làm thêm giờ bất hợp pháp.

Sau đó, nhà sản xuất iPhone đã đưa một số nhân viên của họ và các kiểm toán viên độc lập đến điều tra các vấn đề tại cơ sở Narasapura của Wistron. Tại đây, Apple đã phát hiện ra rằng “Quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp” của Apple đã bị vi phạm tại cơ sở và Wistron đã không thực hiện đúng quy trình quản lý giờ làm việc.

Và cái giá mà Wistron phải trả là việc Apple đã đặt đối tác sản xuất theo hợp đồng này vào “tình trạng thử việc” và sẽ không cung cấp cho công ty Đài Loan này bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào cho đến khi họ thực hiện "các hành động khắc phục hoàn toàn" sau sự cố tại nhà máy ở miền nam Ấn Độ vào đầu tháng này.

Wistron được biết đến như một công ty chuyên lắp ráp các mẫu iPhone cũ hơn tại cơ sở ở Ấn Độ. Trong những năm gần đây, Apple đã mở rộng quan hệ đối tác với những đơn vị khác, bao gồm cả Foxconn để mở rộng năng lực sản xuất iPhone tại thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, nơi hiện tại họ chỉ chiếm khoảng 1% thị phần.

Đáng chú ý, vào tháng 9 năm nay, tại một nhà đối tác lắp rắp sản phẩm quan trọng của Apple tại Việt Nam - Luxshare-ICT Việt Nam tại Bắc Giang. Công ty có khoảng 28.000 công nhân làm việc cũng đã xảy ra sự kiện đình công trên diện rộng do khúc mắc trong vấn đề lương thưởng và chế độ làm việc.

Vào tháng 9, cũng đã xảy ra vụ đình công của hàng nghìn công nhân Luxshare -ICT tại Bắc Giang.
Vào tháng 9, cũng đã xảy ra vụ đình công của hàng nghìn công nhân Luxshare -ICT tại Bắc Giang.

Hàng loạt các quyền lợi không được đảm bảo như: không được trả trợ cấp độc hại, nợ lương trong thời gian nghỉ dịch COVID-19, không trả tiền tăng ca và làm thêm giờ không thỏa đáng … đã khiến hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam đã ngừng việc tập thể.

Mặc dù sau đó đích thân ông Lee Cheng-Ju - TGĐ Công ty Luxshare - ICT Việt Nam đã phát thông báo cam kết giải quyết 18 kiến nghị, bảo đảm quyền lợi của công nhân. Nhưng có thể thấy, việc các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các công ty đối tác của Apple hiện đang gặp nhiều khúc mắc trong vấn đề quyền lợi người lao động.

Theo enternews.vn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps