Áp lực mất giá VND vẫn hiện hữu

11:28 | 01/10/2011

485 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối tuần trước, tỉ giá liên ngân hàng vẫn ở mức 20.628 đồng/USD, còn tại Sở Giao dịch Hà Nội, giá trần công bố vẫn là 20.600 đồng/USD thu mua và 20.834 đồng/USD bán ra. Vietcombank và Vietinbank vẫn cố định mua bán ở mức 20.83020.834 đồng/USD.

Tuy nhiên, thị trường tự do, USD bất ngờ tăng mạnh, nhiều điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) thông báo mua bán ở 21.100-21.150 đồng/USD, tăng 50 đồng chiều mua và 70 đồng chiều bán so với ngày hôm trước.

Tại cuộc hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức cuối tuần trước, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, những ngày đầu tháng 8 thị trường ngoại hối và tỉ giá biến động tăng chủ yếu do tác động của giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh, giá vàng trong nước cũng tăng theo và xuất hiện trạng thái cao hơn hẳn so với giá thế giới quy đổi. Giải pháp NHNN đưa ra là nhanh chóng cấp hạn ngạch để các doanh nghiệp đầu mối nhập vàng về bình ổn thị trường.

“Do vậy, cầu ngoại tệ để nhập vàng là tác nhân chính đẩy tỉ giá tăng, đẩy giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại trở lại trạng thái kịch trần biên độ cho phép và tiếp tục duy trì như vậy cho đến nay”, đại diện NHNN nhấn mạnh.

Kiểm soát chặt chẽ thị trường tín dụng ngoại tệ sẽ giảm thiểu rủi ro tỉ giá

Mặc dù cũng đồng ý với lý giải của đại diện NHNN nhưng theo các chuyên gia kinh tế, một nguyên nhân khác khiến tỉ giá biến động đó là một số doanh nghiệp bắt đầu mua ngoại tệ trả trước các khoản vay bởi họ lo ngại rằng tỉ giá có thể biến động vào cuối năm khi các doanh nghiệp bắt đầu hoàn trả các khoản vay ngoại tệ đầu năm. Đặc biệt, nếu nhìn vào chênh lệch giữa huy động và tiền gửi ngoại tệ tính đến cuối tháng 8 vẫn trong khoảng 150.000 tỉ đồng tương đương 7,5 tỉ USD, cụ thể huy động ngoại tệ quy đổi là 450 nghìn tỉ đồng và cho vay là 600 nghìn tỉ đồng cho thấy đây là một con số có thể gây áp lực rất lớn tới tỉ giá hối đoái trong những tháng cuối năm.

“Thời điểm cuối năm 2010, mức chênh lệch giữa huy động và cho vay vào khoảng 45.000 tỉ đồng, xấp xỉ 23 tỉ USD đã làm cho tỉ giá hối đoái trở nên rất căng thẳng và kéo dài đến tận quý I/2011 khiến NHNN lần đầu tiên phải thay đổi tỉ giá lên mức cao nhất trong lịch sử là 9,3%”, một chuyên gia ngân hàng lý giải.

Bên cạnh đó, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều đồng ý quan điểm tỉ giá sẽ lên cao trong những tháng cuối năm bởi VND đang mất giá, lạm phát vẫn chưa có chiều hướng giảm, bội chi ngân sách cao và nhập siêu vẫn chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, những cấu trúc cơ bản của nền kinh tế, cụ thể là tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào mở rộng đầu tư, trong khi đầu tư của khu vực công lại tràn lan thiếu hiệu quả và vẫn chưa có thay đổi nhiều. Nghĩa là, cơ sở để tỉ giá ổn định chưa được thiết lập một cách hoàn hảo.

TS Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng: “Việc ghìm giữ tỉ giá nhằm ổn định thị trường trong một giai đoạn, hoàn cảnh kinh tế xã hội nhất định để tạo ra một giá trị cao cho VND là cần thiết nhưng không thể kéo dài. Tôi có nhiều lo ngại không giữ được biến động tỉ giá trong phạm vi 1% bởi từ nay đến cuối năm nền kinh tế vẫn tiếp tục biến động”. Có vẻ như thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục biến động với nhiều lý do để tin rằng, sự ổn định gần đây của VND chỉ là tạm thời, trước khi lại rơi vào tình trạng bất ổn.

Thời gian từ giờ đến cuối năm không còn nhiều, chỉ còn 3 tháng nữa nhưng các chuyên gia kinh tế đều khuyến nghị NHNN phương thức để giải tỏa áp lực đối với tỉ giá hối đoái, nghĩa là “còn nước còn tát”. Thứ nhất, NHNN nên tăng dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ. Hiện chênh lệch lãi suất giữa cho vay bằng VND và bằng ngoại tệ vẫn ở khoảng cách trên 12% là quá lớn, chỉ nên ở mức 8%. Thứ hai, NHNN trong ngắn hạn có thể sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để can thiệp vào tỉ giá hối đoái, đồng thời ngừng việc hoán đổi ngoại tệ giữa NHNN và NHTM. Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với tín dụng ngoại tệ. Đặc biệt các nhóm hàng, đối tượng được cấp tín dụng ngoại tệ. Quan trọng hơn cả là NHNN phải đồng thời áp dụng các biện pháp nói trên với liều lượng và thời gian hợp lý, tùy thuộc vào diễn biến của thị trường.

Nhưng, điều đặc biệt quan trọng đó là câu chuyện lạm phát và tỉ giá, “con gà và quả trứng”, trong đó quả trứng là lạm phát còn con gà là tỉ giá. Chúng ta muốn con gà có trước quả trứng nghĩa là muốn kiềm giữ lạm phát ổn định trong khi nguyên nhân cho sự biến động tỉ giá lại đặt đằng sau. Điều này có thể đi ngược với thực tế và vấn đề chính là làm sao để quả trứng phải có trước con gà. Chỉ số lạm phát cần được đẩy xuống để ổn định tỉ giá. Cho đến lúc nào mà sự chênh lệch giữa quả trứng và con gà như hiện nay quá lớn thì việc neo giữ là rất khó khăn.

“Trừ trường hợp NHNN có một lượng dự trữ ngoại tệ lớn và sử dụng mọi biện pháp hành chính để quản lý thị trường ngoại hối. Để cho thị trường tự vận hành thay vì các biện pháp hành chính không những đúng cho thị trường ngoại hối, lãi suất và còn nhiều thị trường khác về lâu dài có hiệu quả và bền vững”, TS Hiếu nói.

An Thu