Ấn tượng ngành điện 2013

08:09 | 29/01/2014

681 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, tháng 11/2012, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Là một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, lại được xem là công cụ quan trọng để Đảng, Chính phủ thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ý thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tính đến cuối tháng 11/2013, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành.

Năng lượng Mới số Xuân Giáp Ngọ

Bắt đầu có lãi

Mục tiêu và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của EVN là đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; Sản xuất và kinh doanh có lãi; Tập trung đầu tư các công trình nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và theo Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các công trình cấp bách cấp điện cho miền Nam... Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà Đảng, Chính phủ giao cho ngành điện. Và theo đánh giá chung của EVN, mặc dù vẫn còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tập đoàn đã đáp ứng đủ nhu cầu điện của đất nước, đặc biệt là 55 ngày cắt điện đường dây 500kV Bắc - Nam, trong đó có 2 ngày cắt điện cả 2 đường dây, EVN vẫn đảm bảo cung ứng đủ điện cho miền Nam, không thực hiện tiết giảm điện.

Số liệu thống kê của EVN cho thấy, tính đến hết tháng 11/2013, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư toàn Tập đoàn ước đạt 91.674 tỉ đồng, trong đó giá trị giải ngân đạt 71.528 tỉ đồng. Riêng phần đầu tư lưới điện của các tổng công ty điện lực đạt kết quả cao hơn hẳn so với các năm trước, tính chung tới cuối tháng 11 đã đạt trên 90% kế hoạch năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN cho biết: Ngay từ những tháng đầu năm 2013, ý thức rõ những khó khăn, thách thức mà Tập đoàn phải đối diện, Tập đoàn đã yêu cầu các ban quản lý dự án đôn đốc, giám sát chặt chẽ các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị, nghiệm thu nhanh khối lượng, thanh toán kịp thời cho các nhà thầu. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ từ các bộ, ngành để tập trung hơn nữa thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư. EVN cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên tổ chức giao ban tại công trường để kiểm điểm đánh giá thực hiện kế hoạch tiến độ và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại hiện trường.

Đặc biệt, để giải quyết bài toán vốn đầu tư, EVN đã tập trung, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, các công trình có thể hoàn thành dứt điểm trong năm để đưa vào khai thác phát huy ngay hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng theo thiết kế và hợp đồng; chú trọng công tác lập kế hoạch, nghiệm thu để giải ngân nhanh các nguồn vốn. Ngoài ra, Tập đoàn cũng tích cực làm việc và triển khai các hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Nhà nước theo sự chỉ đạo của Chính phủ cho các dự án điện, phát hành trái phiếu trong nước để huy động vốn, đẩy nhanh quá trình giải ngân các nguồn vốn ODA một cách hiệu quả nhất để khởi động các khoản vay ODA mới.

Một điểm đáng chú ý, sau nhiều năm có thể nói là kinh doanh thua lỗ, năm 2013, EVN bắt đầu có lãi, đảm bảo được lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Tập đoàn cũng như từng đơn vị thành viên.

Người dân và ngành điện cùng tiết kiệm điện

Để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ hàng năm của nền kinh tế, sản lượng điện phải tăng 15-17% và đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành điện. Để giải quyết được bài toán này, bên cạnh sự hỗ trợ từ chính sách, ngành điện rất cần sự chung tay góp sức của nền kinh tế, của cộng đồng xã hội. Tiết kiệm điện (TKĐ) để giảm tải áp lực gia tăng sản lượng điện tiêu thụ là một trong số những giải pháp ngành điện mong muốn nền kinh tế, xã hội vào cuộc triển khai thực hiện. Ví như nhóm đối tượng là các nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn… nếu triệt để thực hiện TKĐ thì nhu cầu tiêu thụ điện của toàn nền kinh tế cũng sẽ giảm tới 9-12%. Nói như vậy để thấy rằng, TKĐ rất cần và mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho ngành điện mà cho chính đối tượng sử dụng điện.

Thực tế những năm qua, đặc biệt là năm 2013, để nhận được sự chia sẻ và đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các giải pháp TKĐ, ngành điện đã thực hiện nhiều chương trình, chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân TKĐ. Thông qua các phong trào như tuyến phố TKĐ, gia đình TKĐ, tòa nhà TKĐ... người dân đã hiểu và đồng hành cùng ngành điện TKĐ và góp phần không nhỏ giảm áp lực phát triển hệ thống lưới điện, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nhiều tuyến phố, nhiều thôn làng, nhiều tòa nhà TKĐ cũng mọc lên từ đó, con số 2,431 tỉ kWh điện tiết kiệm được tính đến hết tháng 11-2013, bằng 2,34% sản lượng điện thương phẩm, vượt xa con số mục tiêu 2% mà EVN đề ra trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh đầu năm 2013 đã nói lên điều đó.

Ngành điện đã trở thành bạn, thành người đồng hành cùng người dân, cùng nền kinh tế!

Thanh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps