An Giang: Nguy cơ sạt lở bờ sông vào mùa mưa lũ

17:27 | 25/08/2011

939 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Sở TN&MT An Giang, toàn tỉnh hiện có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở đất có cung trượt dao động từ 0,480 0,979. Trong đó, có 8 đoạn được cảnh báo mức độ rất nguy hiểm, 38 đoạn ở mức độ nguy hiểm và 10 đoạn ở mức độ trung bình.

Hiện trường vụ sạt lở nhà máy nước đá Thanh Bình, TP Long Xuyên

Theo đó, dọc sông Tiền có 16 đoạn có nguy cơ sạt lở thuộc địa bàn các xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân An, phường Long Châu, Long Sơn, thị xã Tân Châu; xã Phú Thọ, Phú An, Phú Mỹ, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân; xã Kiến An, Long Điền A, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Trên sông Hậu có 29 đoạn thuộc địa bàn các xã Khánh An, Quốc Thái, Phú Hữu, cồn Phước Hưng, Vĩnh Lộc, Vĩnh Trường, huyện An Phú; xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; xã Phú Hiệp, Hòa Lạc, Phú Bình, huyện Phú Tân; xã Vĩnh Thạnh Trung, thị trấn Cái Dầu, Bình Mỹ, Bình Thủy, huyện Châu Phú; xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành; phường Mỹ Phước, Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên; xã Hòa Bình, An Thạnh Trung, Nhơn Mỹ, Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới.

Điển hình, lúc 6h30, ngày 25/5 tại nhà máy nước đá Thanh Bình, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát địa chất của Sở TN&MT tỉnh An Giang, hiện trường vụ sạt lở có chiều dài trên 70m, ăn vào đất liền gần 10m và tạo nên một xoáy nước sâu khoảng 20m. Vụ sạt lở làm toàn bộ nhà giàn sản xuất nước đá của cơ sở này và một chiếc ghe đậu gần đó bị chìm xuống sông, thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng… Về dự báo ngắn hạn và dài hạn cho phòng, chống sạt lở bờ sông, hiện Sở TN&MT An Giang đảm bảo cả nhân lực lẫn máy móc. Vấn đề là sau khi có dự báo, người dân và chính quyền địa phương vùng nguy cơ sạt lở đã có những phản ứng như thế nào và các biện pháp cụ thể thật sự quyết liệt trước các tác nhân gây ra sạt lở là điều cần thiết trong phòng, chống sạt lở bờ sông tại An Giang.

Theo ông Trần Anh Thư – Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang, sạt lở do 4 yếu tố: Dòng chủ lưu áp sát bờ gây hố xoáy, vực sâu; cấu trúc nền địa chất yếu; giảm đột ngột chiều rộng mặt cắt ướt hay tăng đột ngột hố xoáy (xuất phát từ việc khai thác cát sông trái phép); tải trọng công trình trên bề mặt, công trình giao thông, nhà ở. Trong đó, yếu tố thủy lực dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo là những yếu tố thuộc về tự nhiên, cần có khảo sát thường xuyên để chỉnh trị dòng chảy, còn hoạt động KT-XH (giao thông thủy, khai thác cát, xây nhà lấn chiếm bờ sông…) chính là nguyên nhân do con người gây ra.

Theo các nghiên cứu về địa chất cho thấy, một số vùng ven sông Tiền là vùng đất rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh. Những tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy hay hiện tượng cồn bãi do cát bồi lắng không nạo vét thường xuyên làm giảm mặt cắt ướt đột ngột dẫn đến sạt lở đất ven sông. Điển hình cho các nguyên nhân trên là hiện tượng sạt lở diễn ra tại thị xã Tân Châu, huyện Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú thời gian qua. Ngoài yếu tố tự nhiên, yếu tố con người cũng góp phần làm cho tốc độ sạt lở gia tăng, như: giao thông thủy, khai thác cát trái phép gần bờ…

Để ứng phó với sạt lở, có rất nhiều biện pháp, kể cả giải pháp chấp thuận cho khai thác cát sông ở những khu vực cần thiết giúp chỉnh trị dòng chảy, nạo vét đáy sông, giúp dòng chủ lưu không áp sát bờ gây hố xoáy hay giảm đột ngột mặt cắt ướt. Đây chính là giải pháp phi công trình, vừa rẻ, vừa khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Việc khai thác cát hợp lý, khoa học sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở đất. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vấn đề khai thác cát mà không có sự quản lý chặt chẽ thì chắc chắn, lợi bất cập hại là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, công tác quản lý Nhà nước trong định hướng chiến lược, quy hoạch cụ thể và chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với việc khai thác cát sông chính là yếu tố rất cần trong công tác ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông.

Một giải pháp khác để ứng phó chính là xây dựng hệ thống bờ kè chống sạt lở. Đây là giải pháp mà các nước trên thế giới đã ứng dụng hiệu quả, riêng An Giang đã thành công tại thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên. Tuy nhiên, để có 1km bờ kè phải đầu tư vài chục tỷ đồng là quá cao đối với nguồn ngân sách. Hơn nữa, với hàng chục điểm nguy cơ sạt lở cao tại An Giang thì không thể xây dựng kè ở tất cả các điểm. Việc bố trí tái định cư cho người dân vào các cụm, tuyến dân cư vượt lũ cần được tiếp tục triển khai nhanh, đồng bộ hơn nữa. Bên cạnh đó, việc chống sạt lở đất bằng các biện pháp khác như: Trồng cây, cỏ chắn sóng, lục bình… cũng cần được các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu, ứng dụng nhiều hơn nữa.

Ngày hôm nay (25/8), Hội thảo khoa học quốc tế về chống sạt lở đường ven sông trên đất yếu ở An Giang được Sở Xây dựng An Giang phối hợp Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật Bản-JICA tổ chức. Hội thảo nhằm công bố chính thức các kết quả nghiên cứu của đề tài chống sạt lở đường ven sông trên đất yếu ở An Giang đến cộng đồng nhằm góp phần làm giảm tổn thất do sạt lở gây ra. Đồng thời, giúp các nhà quản lý và tư vấn xây dựng có thêm thông tin về đầu tư, lựa chọn giải pháp hợp lý và hiệu quả. Đặc biệt, ứng dụng các thành quả nghiên cứu để xử lý chống sạt lở bảo vệ cột mốc biên giới số 246 ở Long Bình (huyện An Phú) và tiếp tục nghiên cứu những vấn đề quy mô lớn hơn như thiết lập hệ thống cảnh báo sớm từ xa tự động để giải quyết tình trạng sạt lở.

Minh Sơn