Ấn Độ và cuộc chạy đua với “người khổng lồ” Trung Quốc

06:46 | 02/09/2011

528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là 2 quốc gia đứng đầu thế giới về dân số, Trung Quốc và Ấn Độ đang gồng mình trong cuộc chạy đua soán ngôi cường quốc kinh tế hùng mạnh nhất trong thế kỷ 21. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc chạy đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc là cuộc chạy đua giữa “Rùa và Thỏ”. Nhưng sự thật có phải vậy?

Tại một diễn đàn kinh tế trong nước mới đây, một Bộ trưởng Chính phủ nước này đã nhấn mạnh với lãnh đạo các doanh nghiệp về những giải thưởng lớn của quốc gia dành cho họ khi nền kinh tế Ấn Độ phát triển nhanh hơn Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Palaniappan Chidambaram và hiện là người đứng đầu cơ quan giám sát an ninh quốc gia nói: “Vượt qua Trung Quốc, đó không phải là điều không thể”.

Nền kinh tế Ấn Độ gần đây có nhiều dấu hiệu tăng trưởng khả quan

Báo chí Ấn Độ gần đây có nhiều bài viết đề cập đến việc coi Trung Quốc là một khuôn mẫu để phát triển. Quan chức chính phủ nước này cũng có nhiều bài phát biểu trong đó coi Bắc Kinh như một mô hình, một đối tác, thậm chí là một sự đe dọa lớn đối với nền kinh tế đất nước.

Dường như đã quá lâu để có được một cuộc cạnh tranh giữa 2 quốc gia này. Trước tiên, do mức độ phụ thuộc vào thương mại thế giới của Trung Quốc quá cao. Trung Quốc chịu sự hạn chế vô thường của thị trường thế giới. Trong 10 năm tiếp theo, sự suy thoái dài hạn có thể gây ra những tổn thương với Trung Quốc nhiều hơn so với Ấn Độ.

Ngoài ra, từ giữa những năm 90 của thế kỷ 20, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trung Quốc cũng liên tục phát triển, mở rộng tỷ lệ đầu tư, khiến những sự chuyển giao công nghệ trở thành khả năng, thúc đẩy Trung Quốc trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả những điều này đã khiến Trung Quốc bước gần hơn vào con đường phát triển toàn cầu.

Tuy nhiên, từ hiện tại cho thấy, dấu hiệu lợi nhuận giảm dần đã bắt đầu xuất hiện. Tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nội địa và sự sáng tạo trong nước. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Cuối cùng, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một xã hội có dân số già, nguyên nhân là do chính sách kế hoạch hóa gia đình, chỉ sinh một con, sự thay đổi về dân số sẽ làm tăng tỉ lệ phụng dưỡng và chi phí xã hội.

Trung Quốc và Ấn Độ là những cường quốc tương lai quan trọng của thế giới. Cả hai quốc gia đều đưa ra mô hình phát triển cạnh tranh. Mặc dù, nhiều người tin rằng những số liệu kinh tế cho thấy Trung Quốc đang tiến nhanh. Thành ngữ “mức gia tăng kinh tế của Hindu” được sử dụng để chê bai khả năng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ chậm hơn mức gia tăng dân số. Đấy là vấn nạn đã qua nhưng khi đề cập đến những con số về tổng sản lượng quốc gia (GDP) và những đề mục hàng đầu khác thì Ấn Độ vẫn không sánh bằng Trung Quốc.

Tuy nhiên, những con số thống kê kinh tế chỉ nói lên được phần nào câu chuyện kinh tế vĩ mô. Ở cấp vi mô thì mọi việc khác hoàn toàn. Cũng như Trung Quốc, kinh tế Ấn Độ rất năng động. Thật vậy, Ấn Độ không lệ thuộc vào nguồn đầu tư trực tiếp của ngoại quốc như Trung Quốc mà đã chọn con đường đi khác. Bằng cách dựa trên sự phát triển tự nhiên, Ấn Độ đang sử dụng tài nguyên quốc gia một cách hữu hiệu hơn và chọn con đường có thể đưa đến sự phát triển bền vững của kinh tế. “Ấn Độ có thể vượt trội hơn Trung Quốc?” không còn là một câu hỏi ngớ ngẩn nữa. Nếu Ấn Độ thật sự đã làm một tính toán khôn ngoan hơn, sức tăng trưởng kinh tế tương lai với những liên hệ của nó sẽ rất to tát.

Xem ra hiện tại, Ấn Độ đang trong một tình thế có lợi hơn. Có được điều này là do mức độ phụ thuộc vào nhu cầu nội địa khá cao, văn hóa doanh nghiệp tràn đầy sức sống và dân số trẻ. Điều này cũng có thể giúp Ấn Độ đuổi kịp hay vượt qua Trung Quốc.

Xem xét các yếu tố lợi thế tiềm ẩn của Ấn Độ so với Trung Quốc, có 4 yếu tố nổi bật có thể là chiếc chìa khóa đưa Ấn Độ đến thành công sớm hơn so với người Trung Quốc, đó là: di sản của hệ thống pháp luật Anh quốc, nền dân chủ, Anh ngữ và sự phát triển nhân khẩu học.

Ở Ấn Độ, quyền tư hữu được bảo đảm và tòa án luôn độc lập, điều đó có nghĩa là với một nhà nước pháp quyền như hiện nay, Ấn Độ có những điều kiện thể chế hóa không thể thiếu để phát triển kinh tế. Chưa kể đến sự can thiệp chính trị của Ấn Độ còn diễn ra trong báo giới và các phương tiện truyền thông một cách rõ ràng, công khai và minh bạch, điều này cũng là một lợi thế tiềm tàng.

Không nên coi dân chủ là một yếu tố động lực hay kìm hãm sự phát triển. Các công trình nghiên cứu kinh tế cho thấy không có sự khác biệt rõ rệt giữa dân chủ và chế độ độc tài đối với tốc độ phát triển đất nước.

Tiếng Anh – thứ ngôn ngữ của kinh tế và khoa học kỹ thuật hiện đại, chìa khóa đến với hội nhập toàn cầu, xét trên phương diện này, thì Ấn Độ hiển nhiên có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc, do quốc gia này từng là thuộc địa của Anh. Trong khi đó, ở Trung Quốc, ngay cả các giáo sư giảng dạy về kinh tế và khoa học xã hộ, sự hiểu biết về tiếng Anh cũng có những giới hạn nhất định.

Lực lượng lao lao động trẻ có thể coi là “con chủ bài” của Ấn Độ trong cuộc chiến với Trung Quốc. Trong khi ở Trung Quốc, dân số đang già hóa một cách nhanh chóng, và chính sách 1 con cũng ảnh hưởng phần nào đến xã hội. Bởi người Trung Quốc trước khi trở nên giàu có thì đầu đã 2 thứ tóc và có tới 80 triệu đàn ông Trung Quốc sẽ không thể xây dựng gia đình do tình trạng thiếu phụ nữ ở nước này.

Đến cuối thập niên này dân số Ấn Độ sẽ cao hơn dân số Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là nước đông dân nhất thế giới. Một số nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng về lâu dài Ấn Độ có cơ hội vượt Trung Quốc chủ yếu nhờ tăng trưởng dân số.

Jagdish Bhagwati giáo sư kinh tế tại đại học Princeton cho rằng, trong nhiều năm Trung Quốc đã có thể sử dụng đội quân thất nghiệp đông đảo theo kiểu Karl Marx để nhanh chóng đạt tăng trưởng, nhưng giờ đây lực lượng lao động trở nên khan hiếm và tiền lương tăng lên, trong khi đó nguồn lao động của Ấn Độ vô cùng phong phú.

Tuy nhiên theo Bhagwati để đạt được thành tựu kinh tế lớn hơn Ấn Độ phải thực hiện cải cách: tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và thực hiện tự do hóa một cách toàn diện.

Trong ba chục năm qua Trung Quốc có tốc độ phát triển nhanh hơn Ấn Độ. Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc tăng gần 8 lần, thì ở Ấn Độ con số đó chỉ đạt khoảng 2 lần. Tại Ấn Độ có khoảng 10 triệu chỗ làm việc phục vụ công nghiệp xuất khẩu trong khi đó ở Trung Quôc con số này là trên 100 triệu.

Ấn Độ tiến hành cải cách theo hướng kinh tế thị trường sau Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng hơn là trong nhiều năm liên tục Trung Quốc đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 10% một năm, mãi đến những năm gần đây Ấn Độ mới đạt được mức tăng trưởng này.

Để có được sự tăng trưởng như Trung Quốc, Ấn Độ phải nhanh chóng khắc phục những yếu kém về hạ tầng cơ sở. Nhưng nhà nước Ấn Độ lại đang ở trong tình trạng cạn kiệt về ngân sách, không chỉ nhà nước trung ương mà cả các bang, các địa phương.

Ấn Độ đều lâm vào tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ nần. Về nguyên tắc thì việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở có thể dựa vào nguồn vốn của nước ngoài, nhưng để làm được việc đó thì Ấn Độ còn phải khẩn trương thay đổi cả về chính sách cũng như giảm tệ quan liêu.

Có nhiều ý kiến đánh giá sự đặc biệt của nền kinh tế Trung Quốc, và trong tương quan so sánh, quốc gia này xứng đáng với “tầm cỡ” các đại gia như Mỹ hoặc Anh. Hiện tại, Trung Quốc đang là đối thủ đáng gờm của người khổng lồ Mỹ, trong khi Ấn Độ vẫn đang xếp thứ 9 trong nền kinh tế thế giới. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, nhưng phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc lại có mặt trên thị trường Hoa Kỳ.

Trung Quốc đang tiến rất gần đến vị trí kinh tế hàng đầu thế giới

Cũng giống như Ấn Độ, Trung Quốc là một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc có những bài học lịch sử về kinh tế rất quan trọng, như dưới thời Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình.

Theo thống kê, hàng ngày trên tờ báo được coi là cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có 24 bài báo đề cập đến Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm nay, nhưng ngược lại trên tờ The Times của Ấn Độ – tờ báo tiếng Anh lưu thông rộng rãi trên cả nước có tới 57 bài báo đề cập đến Trung Quốc.

Đặc biệt, hồi đầu tháng Bảy vừa qua, tờ The Times của Ấn Độ chạy một title lớn mang tên: “Lý do những thành công của Trung Quốc, tại sao Ấn Độ không bao giờ có?”

Trong năm 2009, hơn 160.000 khách du lịch Ấn Độ đến thăm Trung Quốc đại lục, theo chính phủ Trung Quốc. Chỉ 100.000 du khách Trung Quốc thực hiện chuyến đi ngược lại, theo chính phủ Ấn Độ.

Thay cho lời kết, xin dẫn lời một sinh viên 21 tuổi của Viện Công nghệ quốc gia ở Bombay, Ấn Độ, anh Shrayank Gupta, chia sẻ: “Chắc chắn cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ diễn ra, có điều cuộc cạnh tranh này hoàn toàn tự nhiên và lành mạnh. Và có lẽ, thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào cả 2 đất nước…”.

Hương Mai (Tổng hợp)