Âm ngữ trị liệu: Hy vọng mới cho trẻ tự kỷ

23:40 | 11/08/2014

4,456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Áp dụng âm ngữ trị liệu trong quá trình điều trị cho trẻ bị tự kỷ đã trực tiếp giải quyết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ khá hiệu quả. Liệu pháp này đang được kỳ vọng là phương pháp hữu hiệu trong điều trị tự kỷ.

Từ phòng luyện… ngữ âm

Bị kết luận mắc chứng tự kỷ khi còn khá sớm nhưng phải đến 6 tuổi bé T. H. T (Đống Đa, Hà Nội) mới được mẹ đưa đến Phòng Âm ngữ trị liệu của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương để điều trị. Theo lời kể của phụ huynh bé Trang thì chứng tự kỷ ở bé khá nặng, biểu hiện qua những hành động không thể kiểm soát như: Không giao tiếp với bất kỳ ai, không đáp ứng lại với mọi người, liên tục cởi quần áo quăng lung tung, chạy vào toa lét vục nước trong bồn cầu, nhổ nước bọt tung tóe… và xé tất cả những mẩu giấy lọt vào tay. Gia đình thực sự đã phải “bó tay” trước thảm cảnh này. Mặc dù phụ huynh cũng đưa bé đến học tại một trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ nhưng hiệu quả không mấy khả quan. Bởi cứ ở lớp thì bé nghe lời cô giáo nhưng về đến nhà thì tất cả lại đâu đóng đấy.

Tìm đến phòng điều trị âm ngữ trị liệu chỉ là phương pháp “cứu cánh” cuối cùng nhưng kết quả không ngờ rằng chỉ sau 3 ngày can thiệp theo lộ trình, bé Trang đã có những tiến bộ rõ rệt. Hiện bé đã giảm nhiều những hành động cởi quần áo vô thức, nhổ nước bọt lung tung… và đã có thể dùng tranh có in ảnh đồ vật, hoạt động để người thân làm theo ý bé cần.

Chuyên gia về âm ngữ trị liệu đang tư vấn cho bà mẹ có con bị tử kỷ

Tương tự, hơn chục bé mắc chứng tự kỷ đang được can thiệp theo phương pháp âm ngữ trị liệu tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cũng đều có những tiến bộ rõ rệt. Điều này giúp các phụ huynh có thêm niềm tin tưởng, âm ngữ trị liệu sẽ là phương pháp hữu hiệu cho việc điều trị chứng tự kỷ.

Theo BS Nguyễn Hoàng Oanh, Chuyên gia Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương thì: “Tự kỷ không phải là một căn bệnh và hiện chưa có thuốc chữa trị. Hiện tại, để can thiệp cho trẻ mắc chứng tự kỷ phải can thiệp trên nhiều lĩnh vực mà rối loạn về ngôn ngữ là hiện tượng điển hình hay gặp ở trẻ mắc chứng tự kỷ, cần phải được điều trị kịp thời. Và âm ngữ trị liệu can thiệp hiệu quả trên lĩnh vực đó”.

Lộ trình điều trị theo phương pháp âm ngữ trị liệu khá phức tạp, mỗi trẻ sẽ phải trải qua một lộ trình khác nhau bởi với trẻ tự kỷ có những rối loạn và mức độ bệnh hoàn toàn khác. Như trường hợp của bé T.H.T, BS. Nguyễn Hoàng Oanh đã phải cất công soạn thảo một chương trình bằng hình ảnh dựa trên sở thích của bé để thu hút bé tập trung chú ý. Lý giải nguyên nhân trẻ tự kỷ hay có những hành động bất thường là do các bé liên tục có nhu cầu tìm kiếm cảm xúc nên mới có hành động khó kiểm soát như đã thấy. Vậy nên chỉ khi được hướng đến một hành động khác thuộc về sở thích mà bé đặc biệt quan tâm và được đáp ứng thì mới mong không còn bị rơi vào trạng thái buồn chán, bực bội…

Từ đó, những hành vi không kiểm soát được hành động sẽ giảm hoặc không còn nữa. Và quả nhiên, biện pháp đã có tác dụng rõ rệt đến bé Trang khi em tự biết nhặt ra hình chiếc dép và bật lên được thành tiếng để tỏ ý muốn đi ra ngoài hay bé nhặt hình chiếc bánh đưa cho mẹ để diễn đạt ý muốn ăn bánh… Những tiến bộ rõ rệt của bé T.H.T. là một thành công của phương pháp âm ngữ trị liệu mà ít có biện pháp điều trị nào đạt được kết quả khả quan nhanh đến thế.

Cha mẹ luyện tập với con

Thực tế, âm ngữ trị liệu cũng đã được sử dụng trong điều trị cho trẻ tự kỷ ở nước ta từ lâu nhưng liệu pháp này lại không được đề cao và quan tâm đúng mực. Kéo theo các chiến lược điều trị cho trẻ bị tự kỷ cũng bị đơn giản hóa, biến tấu dẫn tới không hiệu quả. Chỉ khi, tổ chức y tế của Australia là Trinh Foundition phối hợp với Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, trực tiếp đào tạo khóa học âm ngữ trị liệu cho các y, bác sĩ của Việt Nam thì thuật ngữ âm ngữ trị liệu mới được nhắc đến nhiều hơn. Hiện nay, cả nước đã có hai khóa chuyên gia được đào tạo chính quy, bài bản chuyên về ngành âm ngữ trị liệu nhưng thực tế thì chuyên ngành này vẫn chưa được biết đến nhiều trong khi hội chứng tự kỷ ở trẻ thì ngày một gia tăng.

Một trong những chiến lược của phương pháp âm ngữ trị liệu là “đánh” trực diện vào vấn đề cốt yếu nhất khi hầu hết trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn về giao tiếp, ngôn ngữ, tương tác nhưng khả năng nhận biết về hình ảnh lại khá tốt. Âm ngữ trị liệu tận dụng tối đa đặc điểm này để thiết lập những chiến lược can thiệp cho trẻ. Tuy nhiên, để thực hiện được chiến lược, kỹ thuật này lại không hề dễ dàng. Thực tế, âm ngữ trị liệu can thiệp vào lộ trình điều trị ngôn ngữ cho trẻ. Tưởng tượng như khi ai muốn nói một điều gì đó mà lại bị nhét đầy rẻ vào miệng, buộc tay chân không làm được gì… thì sẽ thấy nó đúng như người bị tự kỷ. Vì thế chúng ta nên dạy cho bé các kỹ năng giao tiếp, tất nhiên không nhất thiết bằng lời mà là ngôn ngữ không lời- tiền ngôn ngữ như ánh mắt, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ cơ thể... Để điều trị có hiệu quả thì đó là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì của cả bác sĩ và gia đình.

Tại phòng âm ngữ trị liệu của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, mỗi giờ BS Nguyễn Hoàng Oanh chỉ điều trị được cho một bé với một giáo trình can thiệp riêng: “Tự kỷ là hội chứng rối loạn phổ nên không thể tìm được trẻ nào giống trẻ nào. Thành thử mỗi chuyên gia âm ngữ trị liệu đều phải quan sát hành động cũng như biểu hiện của bé từng tý một để hiểu được điều mà các em muốn biểu đạt. Và cái hay của phương pháp âm ngữ trị liệu nằm ở chỗ, người quan trọng thực hiện lộ trình này cho các bé lại không ở các chuyên gia mà nhân tố quyết định lại chính gia đình các bé. Nghĩa là sau khi được điều trị theo quy trình tại các lớp luyện âm ngữ thì việc thực hành có hiệu quả hay không chủ yếu là từ gia đình tác động đến trẻ. Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là trong khi bệnh tự kỷ đang dần tăng lên như một căn bệnh của thời đại thì việc trang bị kiến thức về bệnh tự kỷ trong mỗi gia đình ở xứ ta lại không hề có. Mặc dù âm ngữ trị liệu bước đầu đã có những tín hiệu khả quan nhưng tác dụng của phương pháp này cũng chưa được đánh giá đúng mực.

Theo BS Nguyễn Hoàng Oanh: “Tình trạng trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng nhiều nhưng nhiều bậc phụ huynh lại né tránh. Thực sự, tự kỷ vẫn đang là một nỗi ác mộng đối với mỗi gia đình. Cũng chính từ việc không hiểu rõ về tự kỷ nên việc điều trị cũng gặp bất đồng, không tìm được tiếng nói chung giữa gia đình với các bác sĩ, các chuyên gia”.

Dẫn chứng BS Oanh kể về trường hợp trẻ 8 tuổi mà không biết cách đi vệ sinh nên bé cứ đứng giữa nhà đái tự do hay đọc chữ cái vanh vách mà không hiểu gì… Nhưng khi tìm đến liệu pháp âm ngữ trị liệu, bác sĩ muốn can thiệp tình trạng đó trước thì phụ huynh của bé lại không đồng ý mà chỉ yêu cầu can thiệp về mặt tiếp thu kiến thức. Nhất quyết không nghe theo tư vấn của bác sĩ, phụ huynh làm mình làm mẩy đưa con về và kết quả là bé ngày càng có nhiều hành động khó kiểm soát, khi quay lại thì can thiệp càng khó. Vậy mới nói, phương pháp từ các y bác sĩ là một chuyện nhưng đã đến lúc cộng đồng cần phải nhìn nhận đúng đắn về chứng tự kỷ rằng: Tự kỷ không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai nên để điều trị đạt hiệu quả cao thì điều đầu tiên đòi hỏi các bậc phụ huynh phải tin tưởng, kiên trì, quan sát kỹ và luyện tập với con từng ngày.

Huyền Anh