Alexis Tsipras “hồi sinh” từ tro tàn

10:39 | 21/09/2015

1,102 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Alexis Tsipras đã tái đắc cử Thủ tướng Hy Lạp sau cuộc bầu cử trước thời hạn hôm qua. Ngoài việc không có đối thủ nặng ký, sự trở lại của ông Tsipras là có thể hiểu được bởi những gì ông đã cống hiến cho Hy Lạp nhiệm kỳ trước.
alexis tsipras hoi sinh tu tro tan
Alexis Tsipras phát biểu sau cuộc bầu cử hôm 20/9

Theo Ủy ban bầu cử Hy Lạp, kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra hôm 20/9 cho thấy đảng cánh tả Syriza của nhà lãnh đạo Alexis Tsipras đã giành chiến thắng với 35,54% phiếu bầu so với 28,07% mà đảng đối lập Tân Dân chủ bảo thủ giành được.

Mặc dù vậy, đảng Syriza vẫn không đủ số phiếu đa số để thành lập chính phủ mà phải liên minh với đảng khác. Ngay sau khi kết quả chính thức được công bố, ông Tsipras thông báo đảng này đang tìm cách liên minh với đảng Người Hy Lạp Độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc.

Lãnh đạo đảng ANEL, Panos Kammenos, cũng thừa nhận sẽ gặp ông Tsipras để thảo luận về việc này.

Như vậy gần như chắc chắn ông Tsipras sẽ trở lại chiếc ghế thủ tướng Hy Lạp sau hơn một tháng từ bỏ.

Trước đó, ngày 20/8, ông Tsipras đã từ chức Thủ tướng và kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Việc ông Tsipras từ chức và kêu gọi bầu cử sớm nhằm dẹp một cuộc nổi loạn chính trị nội bộ của các thành viên đảng Syriza, tức giận với quyết định của ông Tsipras đảo ngược chủ trương và chấp nhận những điều kiện của châu Âu để đổi lấy thêm ngân khoản cứu nguy.

Ngày 19/8, các thành viên trong đảng Syriza tuyên bố tách ra thành lập một đảng mới. 25 thành viên này nói việc rời khỏi hàng ngũ Syriza là kết quả sự thất vọng của họ đối với việc ông Tsipras đi ngược lại lời hứa không thực thi các biện pháp khắc khổ mới để đổi lấy kế hoạch cứu nguy của Liên minh châu Âu. Ông Tsipras sau đó tuyên bố từ chức và nói ông đã gắng hết sức tranh đấu để giữ lời hứa và đã đồng ý với thỏa thuận tốt nhất mà ông có được.

Ông Tsipras lên nắm quyền vào tháng 1/2015 nhờ cương lĩnh tranh cử là chống đối những khoản cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mà những chủ nợ châu Âu của Hy Lạp đòi hỏi để đổi lấy thêm tiền cứu trợ - một gói ngân khoản kéo dài ba năm trị giá 98 tỉ USD.

Nhưng sau một loạt những cuộc đàm phán gay gắt với những phái viên châu Âu, ông Tsipras từ bỏ hầu hết những đòi hỏi, nói rằng Hy Lạp phải đối mặt với việc chắc chắn bị phá sản và rời khỏi nền kinh tế chung của khối 19 nước sử dụng đồng euro nếu không thuận theo những yêu cầu của chủ nợ.

Phát biểu trước đám đông reo hò ở trung tâm thủ đô Athens khuya hôm qua, Tsipras nói rằng ông cảm thấy mình được "chứng minh là đúng" và nói thêm đảng Syriza của ông sẽ nỗ lực tuân theo "một chỉ thị rõ ràng của cử tri" là xây dựng lại nền kinh tế Hy Lạp và "nâng cao niềm kiêu hãnh của đất nước".

Có thể nói sự “hồi sinh” của ông Tsipras là điều có thể dự báo bởi lẽ chính trường Hy Lạp hiện không có đối thủ nào đủ khả năng đánh bại ông. Phe đối lập là đảng Tân Dân chủ trong suốt cuộc đối đầu với EU vừa qua gần như không có tiếng nói gì mới cho đường hướng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại nước này.

Trên tất cả các mặt trận, ông Tsipras gần như tả xung hữu đột với các chủ nợ quốc tế, tới mức mà người ta có cảm giác một mình ông như đang chống lại cả châu Âu. Khi bị dồn vào thế buộc phải lựa chọn để cứu đất nước trước nguy cơ vỡ nợ, ông Tsipras đã chấp thuận hy sinh chức vụ thủ tướng của mình để bảo về con thuyền Hy Lạp cặp bến an toàn.

Mặc dù con thuyền đó trở lại điểm xuất phát 8 tháng trước, nhưng những gì ông Tsipras làm đáng để người dân Hy Lạp trao cho ông chức thuyền trưởng một lần nữa.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới