Album nhạc Việt - đường đến chuyên nghiệp còn xa!

09:30 | 10/09/2012

857 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với quan niệm: “Album là thứ trang sức quý giá nhất của một người ca sĩ”, nhiều ca sĩ trẻ đã không ngại bỏ tiền tỉ và rất nhiều công sức ra để đầu tư làm album cá nhân. Điều đáng tiếc là không phải album tiền tỉ nào cũng có chất lượng cao và để lại ấn tượng cho công chúng yêu nhạc!

Thừa tiền và chịu chơi…

Theo thống kê của Phòng Ca múa nhạc thuộc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM thì mỗi ngày trung bình có 3-4 ca sĩ trẻ nộp poster album lên Sở xin duyệt để phát hành album cá nhân. Có thể nói, đây là một con số khá cao trong thời buổi kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao, nhà nhà, người người đều thắt chặt chi tiêu như hiện nay. Con số này cũng cho thấy, việc ra một album ca nhạc cá nhân hiện nay đối với các ca sĩ đã trở thành “dễ như trở bàn tay”. Ngay cả một ca sĩ trẻ vừa đi hát được vài ba tháng cũng đã có thể ra album đầu tay để khoe với “xóm làng”. Thế mới có chuyện có ca sĩ cứ đều đặn ra đến 4, 5 album mỗi năm như “gà đẻ trứng” - điều rất hiếm thấy ở các thị trường âm nhạc nước ngoài.

Đáng chú ý, trong số các album ra lò mỗi ngày đó, không ít album được đầu tư rất nhiều công sức với một số tiền không nhỏ đến hàng chục ngàn đôla cho các khâu từ chọn diễn viên hạng sao đến các clip quay cảnh ở nước ngoài; từ kỹ xảo, công nghệ thu âm, in ấn hiện đại nhất đến những chiêu tiếp thị quảng bá rầm rộ, rộng khắp. Công chúng hẳn chưa quên hồi năm 2011, thị trường băng đĩa nhạc liên tiếp bị “khủng bố” bởi những album “khủng” của các ca sĩ hàng “sao” như Mr Đàm, Hồ Ngọc Hà, Sỹ Luân, Tùng Dương, Dương Triệu Vũ… Và gần đây nhất là các album của Thu Thủy, Phan Anh, Vy Oanh…

Đặc biệt, trong số này phải kể đến “Special” kỷ niệm 15 năm ca hát của chàng ca sĩ trẻ Nguyên Vũ. Theo tiết lộ của chủ nhân thì đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có ca sĩ “chơi sang” đến mức, dùng cả những viên đá ruby nặng đến 1 carat đính lên bìa album. Thêm vào đó, toàn bộ cảnh quay trong album đều được thực hiện tại xứ sở Hoa anh đào. Chưa bàn đến chất lượng của các sản phẩm âm nhạc này thế nào, chỉ nhìn vào mức đầu tư cũng đủ thấy sự “thừa tiền” và “chịu chơi” của giới ca sĩ nước ta.

Có một điều cần phải ghi nhận là, hầu hết các ca sĩ của ta bỏ công, bỏ của ra làm album nhưng hoàn toàn không với mục đích thu lợi nhuận. Đàm Vĩnh Hưng làm album đầu tư khổng lồ vì sở thích khác người; Nguyên Vũ bán mỗi đĩa chỉ hơn nửa giá trị so với vốn bỏ ra; Sỹ Luân ngay từ khi bắt tay vào thực hiện đã xác định “tặng kèm” chứ không mong thu hồi vốn... Tất cả họ đều coi việc làm album như một việc không thể không làm khi đã theo đuổi nghiệp ca hát. Với người này là để đánh một dấu mốc kỷ niệm, với người kia, để thể hiện sự ngông, sự giàu, để quảng bá tên tuổi và thể hiện đẳng cấp của mình. Dù với mục đích gì thì họ cũng đã góp phần làm cho thị trường âm nhạc phong phú, sôi động hơn.

Chỉ thiếu… tính chuyên nghiệp!

Những tưởng tiền đầu tư không tiếc lại thêm công nghệ hỗ trợ ngày một hiện đại thì thị trường nhạc Việt sẽ có thêm nhiều sản phẩm nghệ thuật, chất lượng. Nhưng không, album càng ra nhiều, càng lộ rõ tính thiếu chuyên nghiệp trong cách làm album của ta. Dù tràn ngập trên thị trường, trong các cửa hàng băng đĩa với đủ thể loại, đủ màu sắc và kiểu dáng nhưng công chúng yêu nhạc lại không dễ để tìm được một album ca nhạc ưng ý và có chất lượng cao. Một số album thậm chí còn bị lên án gay gắt vì để tồn tại những lỗi không thể chấp nhận như hát gọng, hát sai nhạc, bìa album in sai tên tác giả…

Âm nhạc cũng giống như tất cả mọi thứ khác ở một điểm: Chất lượng thường rất khó đi đôi với số lượng. Ở nước ngoài, dù các ca sĩ có thừa năng lực để ra hàng chục album một năm đi nữa thì họ vẫn không làm, vì họ không muốn công chúng bị “loạn” khi chưa kịp nhớ album này, đã thấy “lòi” ra album khác! Cả ca sĩ cũng như các hãng phát hành đều nhận thức rõ một điều: Thà làm ít nhưng chất lượng còn hơn làm nhiều để người ta dễ quên. Cần phải có thời gian cho khán giả cảm nhận, đánh giá, thẩm định chất lượng, phong cách của mỗi album, mỗi ca sĩ. Mỗi album ca nhạc của nước ngoài cũng thường chỉ được làm theo một phong cách nhất định, hoặc pop, hoặc rock, hoặc jazz…

Còn ở ta, nhiều ca sĩ chưa để ý đến điều này. Hầu hết các album nhạc Việt chưa thực sự có dấu ấn, chưa định hình được phong cách, thường được làm theo phong trào, theo thời thượng. Ít ai chú ý đến việc phải có một phong cách đồng nhất và những ý tưởng thật sáng tạo. Có đĩa nhạc đang theo xu hướng dance chẳng hạn thì người ta lại cho ít hip-hop vào, đang dòng dân ca lại thêm một bài nhạc nhẹ. Ca sĩ chẳng quan tâm đâu là thế mạnh của mình hoặc biết thừa thể loại đó không phải là thế mạnh nhưng vẫn làm để chiều lòng nhiều đối tượng khán giả, theo họ thế mới là… mốt! Nhưng rõ ràng, khi không đủ yêu thích, không đủ năng lực thì khó mà làm cho tốt và thuyết phục người nghe được.

Ở nước ngoài, sau khi làm xong album, người ta còn đưa tới phòng kỹ thuật để chỉnh lại âm thanh sao cho phù hợp với từng môi trường nghe nhạc, ví dụ nghe nhạc trong ôtô, trên sân khấu hay trong căn hộ… Và họ cũng đầu tư rất nhiều tiền cho khâu cuối này. Ở nước ta thì đa số vẫn nghĩ theo lối, chỉ cần đầu tư cho một vài bài, đẩy nó lên thành bài “hit”, thế là đã thành công và như vậy đã có thể kiếm tiền bằng việc hát đi hát lại bài “hit” này trên sân khấu rồi. Còn những khâu khác, những bài khác không cần quan tâm. Ở nước ngoài, các ca sĩ chỉ ra album sau khi đã có được những thành công nhất định trên sân khấu với mục đích kéo dài lợi nhuận. Còn ở ta, ca sĩ ra album để cho “bằng anh bằng chị”, để biếu tặng, để hâm nóng tên tuổi với báo giới và khoe mẽ với công chúng là chính. Mà sự “cho không” thường không bao giờ tạo được hứng thú hay kích thích được sự cạnh tranh cả, càng không kích thích được sự đam mê, sáng tạo của người nghệ sĩ. Thế nên, chất lượng của album có “lởm khởm” cũng là điều dễ hiểu! Tuy rằng, các ca sĩ làm như vậy là có lý do của họ khi mà tình hình đĩa lậu tràn lan như hiện nay nhưng vô hình trung họ đã tự hạ thấp mình, đồng thời kéo theo trình độ chuyên môn của cả hệ thống ngày một “xuống hạng”.

Và thế là, những album ca nhạc của chúng ta vẫn cứ mãi ở cách cái đích “chuyên nghiệp” một khoảng rất xa!

Liên Nhi

(Năng lượng Mới số 153, ra thứ Sáu ngày 7/9/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.