Ai "ém" con số vụ tai nạn lao động?

13:43 | 04/03/2014

2,576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013, cả nước xảy ra hơn 550 vụ tai nạn lao động gây chết người, nhưng cuối năm chỉ nhận được 175 biên bản điều tra. Nhiều người đặt câu hỏi, đang có chuyện gì khuất tất đằng sau những con số? Hay Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (Bộ LĐTB&XH) làm chưa hết trách nhiệm?

Những con số này được đưa ra trong cuộc họp báo về Tuần lễ Quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ được tổ chức vừa qua. Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTB&XH), năm 2013 cả nước xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động, làm chết 627 người và 6260 người bị thương. So với những năm trước, mặc dù tổng vụ tai nạn lao động có giảm nhưng số vụ có người chết và số người chết đều tăng 10% - 21%. Đồng Nai dẫn đầu danh sách số vụ tai nạn lao động với gần 1.700 vụ, TP Hồ Chí Minh có số người chết nhiều nhất là 92 người.

Một vụ tai nạn lao động khi sập hầm lò than ở Quảng Ninh

Lý giải về điều này, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng cục An toàn Lao động phân trần rằng, hiện nay, toàn quốc chỉ có hơn 400 nhân viên thanh kiểm tra hàng ngàn cơ sở lao động. Chính vì vậy, việc thanh kiểm không xuể.

Một chi tiết mà nhiều người đặc biệt chú ý là: chỉ có 175 bản báo cáo điều tra về tai nạn lao động trong khi trong năm có 550 vụ tai nạn lao động chết người (trong gần 6.700 vụ). Đang có chuyện gì khuất tất đằng sau những con số? Hay Bộ LĐTB&XH làm chưa hết trách nhiệm?

Lý giải về vấn đề này, ông Thắng cho hay hiện nay có hai loại báo cáo. Khi xảy ra một vụ tai nạn lao động nào đó, sẽ có báo cáo nhanh của cơ sở và báo cáo định kì. Với báo cáo nhanh thì các doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ vẫn cố tình giấu giếm, hoặc cố tình làm sai lệch thông tin. Còn đối với báo cáo định kì của các địa phương thì lại chưa đầy đủ, cần phải có các yếu tố phân tích. Việc phối hợp giữa các cấp chưa tốt nên tiến độ điều tra các vụ tai nạn lao động chết người vẫn còn rất chậm so với quy định. Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn xảy ra trong khai thác khoáng sản tư nhân, trong các công trình xây dựng nhà ở của dân thì chẳng có ai đứng ra tiến hành điều tra, thống kê và báo cáo.

Để khắc phục vấn đề này, Bộ LĐTB&XH đang nghiên cứu và ban hành các thông tư mới để các doanh nghiệp, các cơ sở lao động thuận tiện hơn trong việc báo cáo tình hình an toàn lao động.

Đặt vấn đề trách nhiệm của địa phương trong việc xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, ông Thắng cũng cho biết thêm rằng, hiện nay chưa có chế tài nào quy định nhắc nhở địa phương. Tuy trong Chỉ thị của Ban Bí thư có nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra nhiều tai nạn lao động nhưng trách nhiệm như thế nào vẫn còn chưa được quy định cụ thể.

Tiến - Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc