Ai đã “cướp” sân chơi của trẻ?

14:04 | 06/05/2015

2,088 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nói thiếu chỗ vui chơi ở một nơi được xem là trung tâm văn hóa của cả nước như Thủ đô Hà Nội thì quả là nghịch lý. Nhưng thực tế này lại đang diễn ra và ngày càng trở nên trầm trọng.

>> Xem bức ảnh này mà không biết xấu hổ thì... nguy!

Trẻ em: Đối tượng đang bị… lãng quên?

“Hiện tượng” xấu xí: Bố mẹ bế con vượt hàng rào để được vào tắm miễn phí ở Công viên nước Hồ Tây thời gian vừa qua đã bị cộng đồng chỉ trích. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng: Đó là hệ lụy của việc Hà Nội thiếu trầm trọng các địa điểm vui chơi dành cho trẻ.

Điều này càng được minh chứng trước tấm ảnh cả chục trẻ phải xếp hàng chờ đến lượt để được chơi trò xích đu ở Công viên Nghĩa Đô.

"Góc miễn phí" dành cho trẻ ở công viên Nghĩa Đô

Đáng buồn thay, đây không còn là hiện tượng mà đã trở thành hình ảnh thường thấy ở công viên này. Trên một khuôn viên nhỏ, chỉ khoảng 300m2 mà Công viên Nghĩa Đô đã dành làm “Khu vui chơi miễn phí dành cho thiếu nhi” dường như ngày nào cũng ở tình trạng quá tải.

Theo ghi nhận tại công viên này, dù không ở giờ cao điểm nhưng để được tham gia trò chơi thì đứa trẻ nào cũng đều phải… xếp hàng. Đông đúc là thế, nhưng đã có nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn đây là điểm đến sau khi đã “nghĩ nát óc” mà không biết cho con chơi ở đâu.

Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội cũng là một trong số ít những địa điểm vui chơi dành được tình yêu của trẻ em thủ đô. Dù có diện tích không hề rộng, nhưng vì nằm ở khu vực trung tâm, lại không có sự “lựa chọn” nào khác nên việc đưa con đến nơi này vui chơi đã trở thành quen thuộc của nhiều bậc phụ huynh. Đương nhiên, Cung lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Hiện tượng này cũng lặp lại ở các địa điểm khác như: Công viên Lê Nin, vườn hoa Lý Thái Tổ…

Từ đó để thấy, sân chơi dành cho trẻ thiếu trầm trọng đến mức nào.

Nhiều phụ huynh đã phải đi cả chục km để đưa con đến công viên Nghĩa Đô

Cứ thử nhìn lại 5-6 năm về trước, Công viên Nghĩa Đô không hề nằm trong “danh sách đầu bảng” được lựa chọn. Thay vào đó, nó được nhắc đến là công viên dành cho các cặp tình nhân nhiều hơn là cho trẻ em. Thế nhưng, hiện tại thì đây là lựa chọn hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh, có người còn kỳ công đi cả vài chục cây số để đưa con đến đây chơi.

Vấn đề đặt ra là: Trước nay chúng ta vẫn hô hào tất cả vì trẻ em. Thế nhưng với thực trạng như hiện tại, phải chăng trẻ em lại chính là đối tượng đang bị lãng quên? Bởi trong khi quá thiếu những địa điểm vui chơi, thì ngay những địa điểm đã trở thành quen thuộc cũng không được quan tâm, đầu tư tử tế.

Điển hình là Công viên Thủ Lệ. Với diện tích khoảng hơn 20 hecta, lại tọa lạc trên khu vực đẹp khi nằm giữa trung tâm thành phố, có hồ nước bao quanh, nhiều cây xanh và cả trăm cá thể các loài động vật quý hiếm… Công viên Thủ Lệ từng là điểm đến lý tưởng để vui chơi không chỉ riêng của trẻ em ở Thủ đô, mà còn nhiều trẻ em ở các địa phương lân cận vào mỗi dịp nghỉ lễ.

Trẻ phải chờ ngay cả khi không phải giờ cao điểm 

Tuy nhiên những năm gần đây, Công viên Thủ Lệ chỉ là lựa chọn “bất đắc dĩ” của các bậc phụ huynh. Khi hàng loạt mô hình đồ chơi đang dần bị đắp chiếu, nhiều chuồng trại đang ở tình trạng… trống không. Chưa hết, những ngày hè nóng nực, không khí trong công viên này nồng nặc mùi xú uế. Thử hỏi với một môi trường như vậy thì khi đến đây trẻ được vui chơi hay là hành xác?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Nói thiếu chỗ vui chơi ở một nơi được xem là trung tâm văn hóa của cả nước như Thủ đô Hà Nội thì quả là nghịch lý. Nhưng thực tế này lại đang diễn ra và ngày càng trở nên trầm trọng.

Trong khi các khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân được đầu tư xây dựng ồ ạt thì quỹ không gian công cộng dành cho thiếu nhi vui chơi tại trung tâm và các quận huyện của thủ đô Hà Nội lại ngày càng bị thu hẹp hoặc… “biến mất”.

Điển hình, các công viên vốn là chỗ vui chơi lý tưởng thì không phải công viên nào cũng nghĩ đến việc “dành khu vực riêng” cho trẻ mà chủ yếu là “mạnh ai, nấy hưởng”.

Hình ảnh không đẹp tại các công viên

Thêm nữa, ở nhiều công viên người lớn đến thăm quan, vui chơi còn nhiều hơn cả trẻ em. Gốc cây, ghế đá… trở thành nơi hẹn hò lý tưởng của các cặp đôi. Lố bịch hơn, không ít “người lớn” còn vô duyên chiếm dụng khu vui chơi của trẻ làm nơi chụp ảnh, rồi ngang nhiên thể hiện tình cảm không chút ngại ngần. Nhiều địa điểm còn là ẩn họa của những ổ ma túy, mại dâm. Điều này khiến không ít phụ huynh phải ái ngại, nên thay vì cho con đến những nơi này thì họ lại chọn phương án “nhốt” con trong nhà.

Còn trên địa bàn các khu dân cư: Thông thường ở mỗi khu dân cư đều có sân chơi riêng dành cho trẻ, thế nhưng những năm gần đây các sân chơi này vì nhiều lý do đều bị chiếm dụng. Khảo sát ở một số khu đô thị như Mỹ Đình, các khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính, Lê Văn Lương, Thanh Xuân… mỗi nơi đều có khu vực dành cho thiếu nhi nhưng diện tích rất hạn hẹp. Các dụng cụ đồ chơi để ngoài trời không được bảo quản thường xuyên nên xuống cấp nhanh chóng.

Ngay cả các nhà văn hóa vốn được xây dựng với mục đích là nơi vui chơi giải trí cho người dân, đặc biệt là trẻ em thì lại không thấy bóng dáng trẻ em ở đâu. Thay vào đó là sân nhà văn hóa biến thành bãi gửi xe ô tô, sân tổ chức đám cưới… Các sân chơi tập thể còn bị trưng dụng làm nơi phơi quần áo, cắt tóc… Thậm chí là kinh doanh, bán đồ ăn.

Một sân chơi ở khu tập thể bị biến thành nơi kinh doanh

Vậy là từ việc quá thiếu chỗ vui chơi, nhiều trẻ em đã vô tư chơi các trò chơi ngoài vỉa hè, lòng đường dù biết rằng nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Không thể phủ nhận, Hà Nội đang phát triển đến chóng mặt, những khu chung cư cao cấp, khách sạn, nhà hàng… thậm chí khu vui chơi giải trí chất lượng cao, resort mọc lên như nấm. Thế nhưng không phải trẻ em nào cũng được hưởng những dịch vụ với giá "cắt cổ" này.

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Nguyễn Trọng An, Chuyên viên cao cấp chăm sóc bảo vệ trẻ em cho rằng: Chúng ta chưa nhận thức được quyền của trẻ em, cũng như tầm quan trọng của việc vui chơi giải trí đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Tầm quan trọng ở đây chính là việc nhận thức một cách đúng đắn đầu tư cho trẻ là đầu tư bền vững vào tương lai.

Thực tế, Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị số 03/2000/CT-TTg Về việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Chỉ thị này nêu rõ, khi quy hoạch khu dân cư, đất tập thể… phải có một phần diện tích dành cho đầu tư, xây dựng  khu vui chơi giải trí. Thế nhưng nhiều địa phương đã không thực hiện tốt chỉ thị này, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng từng có chỉ thị tăng cường các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho trẻ em. Thế nhưng việc này cũng chưa được thực hiện. Trong khi đó, các khu vui chơi lại liên tục bị lấn chiếm. “Điều này thể hiện việc chấp hành luật phát của lãnh đạo nói chung còn quá kém” - ông Nguyễn Trọng An bày tỏ.

Đặt ra một thực tế, trẻ em hiện nay cũng chúng ta không đòi hỏi quá cao, ví dụ như các khu vui chơi ở công cộng như hiện này chỉ cần vài cái lốp xe làm xích đu là cũng có thể thu hút được trẻ… nên không nhất thiết chúng ta cứ phải xây dựng những công trình hạng sang.

Vậy tại sao đáp ứng được vấn đề đơn giản là tạo được khu vui chơi cho trẻ lại khó đến vậy? Ông Nguyễn Trọng An nhận định: Việc này cần truy cứu trách nhiệm giải trình đối với các cơ quan nhà nước và lãnh đạo địa phương. Liệu rằng có vấn đề lợi ích nhóm trong việc xây dựng các khu vui chơi, giải trí công cộng? Điển hình như vụ việc ở bán đảo Hoàng Cầu, trước đây nó là một khu vui chơi dành cho nhân dân, thì nay nghiễm nhiên lại thuộc quản lý của tư nhân và trở thành trung tâm ăn uống, vui chơi cao cấp là một ví dụ?!

Khẳng định, không gian công cộng phản chiếu không gian văn hóa nên thay vì xây dựng những khu vui chơi đắt tiền, thậm chí là xa hoa, ông Nguyễn Trọng An mong muốn: Hà Nội cần xây dựng thêm những khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng ở các phường, quận cho phù hợp, để mỗi trẻ em của Thủ đô đều có điều kiện vui chơi đúng với những gì trẻ xứng đáng được hưởng.

Huyền Anh (Năng lượng Mới)

>> Xem bức ảnh này mà không biết xấu hổ thì... nguy!

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc