Ai “bức tử” các trường đại học ngoài công lập?

13:45 | 13/01/2014

5,438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 20 năm hình thành và phát triển theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập (NCL) Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm nhiều cơ hội được học tập và việc làm cho hàng chục vạn người. Tuy nhiên, bên cạnh những trường có thành tích xuất sắc, có không ít trường không tuyển được thí sinh, bị đình chỉ hoạt động do mâu thuẫn, tranh chấp hay thiếu nhà đầu tư… thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Kỳ 1: 20 năm vẫn chưa khẳng định uy tín

Nguyên nhân của tình trạng này phải kể đến định kiến xã hội khá nặng nề đối với các trường dân lập, tư thục. Về cơ bản, “tâm lý người dân” chuộng những trường công lập với sự ổn định trong đào tạo, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Vì thế, xã hội luôn cho rằng vào trường ĐH NCL là kém chất lượng, không có cơ hội tìm việc làm.

Ngoài một vài trường cố gắng tạo dựng thương hiệu, củng cố đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giảng dạy như Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Thăng Long, Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc tế miền Đông..., hầu hết các trường ĐH, CĐ NCL khác đều không có tên tuổi, yếu kém trong giảng dạy. Các sinh viên xuất thân từ trường này cũng chưa chứng tỏ được khả năng của mình, bằng chứng là có rất hiếm (thậm chí là chưa có) sinh viên đến từ khối ĐH, CĐ NCL nào có tên trên bảng vàng thành tích của nước nhà.

Thậm chí nhiều trường còn “mượn” trường, “thuê” thầy để mời chào thí sinh và “qua mặt” Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Bản thân GS Trần Phương (Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cũng thẳng thắn thừa nhận: “Có trường ở tỉnh Nam Định đặt vấn đề “mượn” giảng viên của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để mở ngành học nhằm qua mặt Bộ GD-ĐT. Lại có trường phải “thuê” một giáo sư chuyên ngành hóa học làm hiệu trưởng dù trường hoàn toàn không đào tạo ngành này. Có trường còn “mượn” sinh viên của trường khác để đào tạo!”.

Trường CĐ ASEAN bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh do sai phạm trong liên thông, liên kết đào tạo.

Cần phải khẳng định, các trường không đầu tư cơ sở vật chất không phải do thiếu tiền. Trên thực tế, tổng số vốn hoạt động của các trường tăng đều đặn hàng năm, trong đó nguồn vốn bổ sung từ lợi nhuận của một vài trường tăng cao nhất với mức 1,8 lần trong ba năm. Nhiều trường sau một thời gian ngắn hoạt động đã có tích lũy, nhưng không đưa vào đầu tư mà đem gửi ngân hàng để thu lãi hằng tháng. Trong khi đó, quy mô tuyển sinh mỗi năm đều tăng, số lượng sinh viên mỗi trường ngày càng nhiều, nhưng cơ sở vật chất trường lớp thì vẫn không được đầu tư tương xứng.

Chạy đua mở ngành ồ ạt

Việc các trường NCL “chạy đua” mở ngành đào tạo, không có quy hoạch cụ thể cũng là một trong những lý do khiến chất lượng đào tạo của các trường NCL không được đảm bảo. Đơn cử như ngành Y, một trong những ngành được coi là “hot” nhất hiện nay. Chưa có bao giờ đào tạo ngành Y - Dược lại bùng nổ như hiện nay. Hiện cả nước có hơn 100 trường đào tạo từ trung cấp đến đại học. Tuy nhiên, đối với ngành Y, việc nở rộ trường như vậy không những không giúp giải quyết được vấn đề số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành, mà còn gây thêm nỗi băn khoăn về chất lượng đào tạo. Bởi, những trường mới mở ngành Y - Dược là những trường ĐH ngoài công lập và đào tạo đa ngành như ĐH Thành Tây, ĐH Tân Tạo, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Trà Vinh, ĐH Tây Đô, ĐH Lạc Hồng, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Đại Nam…

Có thể nhìn thấy ngay về chất lượng “bác sĩ” của những trường này khi ra trường bởi điểm chuẩn xét tuyển đầu vào quá thấp. Cụ thể, ĐH Tây Đô xét tuyển ngành Dược học, Điều dưỡng chỉ ở mức 13-14 điểm; ĐH Tây Đô, ngành Dược học, Điều dưỡng cũng là 13 - 14 điểm. Thậm chí, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển thí sinh ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ của ngành Dược học chỉ là 12 và ngành Điều dưỡng là 13 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn các trường ĐH công lập có bề dày đào tạo ngành Y điểm chuẩn cao “ngất ngưởng”. Điển hình nhất là sự kiện trường ĐH Y Hà Nội, mức điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa là 27,5 điểm; Học viện Quân y với điểm trúng tuyển từ 26-28 điểm, Trường ĐH Y dược TP HCM và ĐH Dược Hà Nội mức điểm trúng tuyển cũng lên tới 27 điểm.

Chính sự chênh lệch quá lớn của điểm chuẩn xét tuyển khiến thí sinh và xã hội khá “e dè” trước chất lượng đào tạo của những khối ngành này. Vì thế, lựa chọn đầu tiên của các thí sinh vẫn là trường công, vì mức học phí rẻ, chất lượng đào tạo đảm bảo và tấm bằng ít nhiều được tin tưởng. Học phí trường công chỉ ở mức 4-8 triệu đồng/năm, trong khi ở các trường tư, rẻ thì cũng 7-8 triệu đồng/năm, nhiều có thể lên tới 90 triệu đồng/năm.

Các trường NCL cũng "ồ ạt" mở ngành Y dược kém chất lượng.

Không chỉ vậy, rất nhiều trường ra đời một cách vội vã, không có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cũng như giáo trình. Chưa hết, cuộc chạy đua mở ngành đã khiến rất nhiều trường đổ xô đào tạo một vài ngành thời thượng, như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh mà chẳng phải đầu tư bao nhiêu… Kết quả là khủng hoảng thừa. Khi đó, chỉ những trường đã khẳng định được chất lượng đào tạo, được xã hội thừa nhận mới có thể tồn tại. 

Không ít người trong cuộc đã phải thốt lên “chưa bao giờ việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập lại khó khăn như hiện nay”. Trước nguy cơ đóng cửa, một số trường đã “làm liều” bằng cách tuyển cả những thí sinh không đủ điều kiện. Lý lẽ mà họ đưa ra là thà chịu phạt để tồn tại, còn hơn phải đóng cửa, tức đồng nghĩa với việc mất hết vốn liếng. Điều này lại càng làm cho định kiến của xã hội về các trường ngoài công lập trở nên xấu hơn.

Bên cạnh đó, những bất ổn từ bên trong các trường ĐH NCL cũng là một trong những lý do khiến các trường này mất ổn định, là căn cơ làm giảm sút uy tín trường ĐH NCL, người học không tìm đến. Có không ít các trường xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết. Ở một số trường các nhà đầu tư tài chính thuần tuý nắm quyền làm chủ hoàn toàn, các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê. Chính vì những sai phạm trong đào tạo, bất cập trong quản lý, rất nhiều trường đã bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh. Có thể nêu ra đây một số cái tên như Trường ĐH Hà Hoa Tiên, Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, Trường ĐH Văn Hiến, CĐ ASEAN…

(Còn tiếp)

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.