Ai âm thầm chiếm lòng đất Châu Phi

14:51 | 07/06/2021

8,452 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các công ty Trung Quốc, được sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, đã và đang áp dụng chiến lược mạnh mẽ nhưng âm thầm nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản ở châu Phi bảo đảm nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất công nghiệp
Ai âm thầm chiếm lòng đất Châu Phi
China Molybdenum chào bán mỏ Kisanfu ở DRC với giá 550 triệu USD

Thâu tóm nguồn tài nguyên

Cuối tháng 12-2020, Tập đoàn Shandong Gold, nhà sản xuất vàng lớn thứ hai ở Trung Quốc, đã hoàn thành hồ sơ tiếp quản Công ty Cardinal Resources của Australia, hiện đang hoạt động tại Ghana trong dự án vàng Namdini. Để có được dự án vàng Namdini của Ghana, Shandong Gold đã phải đấu một trận chiến cam go với gã khổng lồ Nordgold của Nga; liên tục tăng giá thầu, có thời điểm lên tới hơn 400 triệu USD, nhất quyết chiếm được nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược ở châu Phi.

Bên cạnh Shandong Gold, vào tháng 12-2020, Tập đoàn Chifeng Jilong Gold Mining đã triển khai dự án vàng Bibiani sau giao dịch trị giá 105 triệu USD với Công ty Resolute Mining của Australia. Cùng thời gian đó, Công ty China Molybdenum đã mua lại dự án mỏ đồng - coban tại Kisanfu (Congo) từ Công ty Freeport-McMoRan với giá 550 triệu USD.

Để tăng sản lượng coban, China Molybdenum đã xem xét giữa dự án và tài sản của mỏ Tenke Fungurume. Năm 2016, Freeport-McMoRan đã công bố một thỏa thuận bán quyền lợi của mình trong TF Holdings cho China Molybdenum với giá 2,65 tỉ USD, gây ra vụ kiện tụng với Công ty Gécamines của Congo. Năm 2019, China Molybdenum đạt được thỏa thuận với quỹ đầu tư BHR nhằm tăng 80% cổ phần của mình trong mỏ đồng và coban, đạt 1,14 tỉ USD.

Trước đó, Công ty Chinalco có 39,95% cổ phần trong lô 3 và lô 4 của dự án lớn về mỏ quặng sắt Simandou ở Guinea.

Tại Congo, Công ty Ivanhoe Mines của Canada có mối quan hệ thân thiết với đối tác Trung Quốc Zijin Mining trong dự án Kamoa-Kakula. Năm 2015, Zijin Mining đã chi 412 triệu USD để mua lại 49,5% cổ phần của công ty con quản lý dự án...

Năm 2011, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ kiểm soát khoảng 10 dự án khai thác khoáng sản ở châu Phi. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên gần 30 dự án vào năm 2018 và sẽ còn tăng hơn nữa.

Ai âm thầm chiếm lòng đất Châu Phi
Tập đoàn Shandong giành mỏ vàng Bibiani từ gã khổng lồ Nordgold củả Nga

Sự quan tâm của Bắc Kinh đối với tài nguyên khoáng sản của châu Phi được thúc đẩy do sự tăng trưởng mạnh mẽ liên tục trong các lĩnh vực điện, xây dựng, công nghiệp, điện tử, ôtô. Đối với Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu khoảng 4 tỉ USD khoáng sản, quặng và kim loại mỗi tháng, việc xem châu Phi là mục tiêu ưu tiên là điều hiển nhiên, theo Trading Economics.

Châu Phi được biết đến với nguồn khoáng sản dồi dào. Hơn nữa, lục địa đen còn hấp dẫn vì có số lượng lớn nguyên liệu thô chiến lược và cần thiết cho công nghiệp trong tương lai. Nguồn nguyên liệu dồi dào ở châu Phi, cho dù đó là niken, liti, coban hay thậm chí là các kim loại thuộc nhóm bạch kim, đều làm dấy lên “lòng tham” của các quốc gia khác. Lòng đất của châu Phi là một địa điểm lý tưởng, đầy tiềm năng để khám phá, khai thác.

Chiến lược của Trung Quốc

Vài năm trước, sự hiện diện của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở châu Phi chỉ giới hạn ở việc mua lại cổ phần thiểu số của các dự án. Nhưng ngày nay, tình hình đã thay đổi. Các nhà đầu tư Trung Quốc không còn ngần ngại đầu tư hàng trăm triệu USD để nắm quyền kiểm soát các dự án khai thác lớn, kể cả những dự án chưa đến giai đoạn khai thác.

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Ban đầu, chiến lược của các công ty Trung Quốc là tìm kiếm những mỏ có vấn đề hoặc đã đóng cửa, rót vốn vào và cố gắng khởi động lại chúng với chi phí thấp. Nhưng trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã vươn lên tầm cao mới, quan tâm đến những tài sản có giá trị hơn.

Ngoài việc mua lại, các công ty Trung Quốc cũng sử dụng các hình thức thỏa thuận khai thác khác, chẳng hạn như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển quặng, liên doanh, đầu tư gián tiếp hoặc thậm chí là thỏa thuận tài trợ. Chẳng hạn, khi dự án Lithium Manono của Congo được xem như một trong những dự án hứa hẹn nhất, hai công ty Trung Quốc đã nhúng tay vào nhằm độc quyền về sản xuất trong tương lai.

Ai âm thầm chiếm lòng đất Châu Phi
Chinalco sở hữu 40% lô 3 và lô 4 của mỏ quặng sắt Simandou ở Guinea

Vào tháng 3-2021, chủ sở hữu Công ty khoáng sản AVZ Minerals cho biết, họ đã đạt được thỏa thuận bán một phần khâu sản xuất cho tập đoàn Trung Quốc Shenzhen Chengxin Lithium, một trong những nhà sản xuất lithium hydroxit và cacbonat hàng đầu thế giới. Vài tháng trước đó, họ đã ký thỏa thuận tương tự với GFL International, một công ty con của Ganfeng Lithium, nhà sản xuất vật liệu pin điện của Trung Quốc.

Lòng đất châu Phi đã trở thành “chiếc bánh ngon” của các nhà đầu tư Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc không có quy mô lớn bằng những gã khổng lồ phương Tây như BHP Billiton, Rio Tinto hay Glencore..., nhưng họ có lợi thế là được Nhà nước Trung Quốc hỗ trợ. Vì vậy, có thể nói, Chính phủ Trung Quốc mong muốn chinh phục lĩnh vực khai thác mỏ của châu Phi, mục tiêu chính là bảo đảm nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất công nghiệp.

Các quốc gia của lục địa đen dường như tìm thấy nguồn thu lớn trong quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi. Vì có đủ phương tiện tài chính cho tham vọng chinh phục của mình, nên Trung Quốc cũng có thể trở thành chủ sở hữu phần lớn lòng đất châu Phi trong vòng vài năm nữa

S.Phương