5 năm, dấu ấn một chặng đường tiền tệ (Bài 2)
Năm 2011, hệ thống các TCTD ở thời điểm hết sức khó khăn, thanh khoản căng thẳng, một bộ phận không nhỏ các TCTD trong trạng thái mất khả năng chi trả, tiềm ẩn rủi ro rất cao, có nguy cơ đổ vỡ gây mất an toàn hệ thống, thị trường tiền tệ bất ổn, cạnh tranh huy động vốn giữa các TCTD gay gắt, thiếu lành mạnh. Sau một thời kỳ tăng trưởng tín dụng rất nhanh với chất lượng tăng trưởng thấp, nợ xấu của hệ thống các TCTD tích tụ rất lớn nhưng chưa được đánh giá, phân loại đầy đủ, chưa được minh bạch và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 18/10/2011 của Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, từ cuối năm 2011, NHNN đã xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị trình và được Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012). Tiếp đó, NHNN đã xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” (Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013).
Đây là 02 Đề án lớn, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành Ngân hàng trong nhiệm kỳ vừa qua, được tổ chức thực hiện trong điều kiện có nhiều yếu tố không thuận lợi (kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi, kinh tế vĩ mô trong nước kém ổn định, tăng trưởng kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, chậm phục hồi và không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD…).
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm, nỗ lực to lớn của NHNN, trong nhiệm kỳ qua, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc triển khai cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, thanh tra, giám sát hệ thống các TCTD.
![]() |
Sau gần 04 năm tích cực triển khai Đề án 254 đến nay, các định hướng, mục tiêu và giải pháp tại Đề án 254 về cơ bản đã được hoàn thành theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra. Một số kết quả triển khai cụ thể như sau:
Một là, sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và cải thiện; nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống giảm đáng kể, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn, chi trả đầy đủ; nhân dân tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Hai là, môi trường kinh doanh ngân hàng được lành mạnh hóa. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ. Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và ngân hàng được hoàn thiện một bước quan trọng, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Ba là, sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên nguyên tắc tự nguyện được diễn ra mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm tăng quy mô, năng lực cạnh tranh và cơ cấu lại hoạt động. Số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng giảm dần thông qua sáp nhập, hợp nhất, rút giấy phép, đặc biệt là các NHTMCP yếu kém.
NHNN đã kiểm soát được và xử lý kiên quyết các TCTD yếu kém theo phương án cơ cấu lại được phê duyệt. Áp dụng các biện pháp xử lý can thiệp bắt buộc đối với các ngân hàng yếu kém để kiểm soát toàn diện, không để lan truyền rủi ro gây mất an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD và tránh đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước trong bối cảnh chưa áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng.
Bốn là, các giải pháp tái cơ cấu được triển khai đồng bộ, quyết liệt đối với tất cả các nhóm TCTD trên các mặt tài chính, hoạt động, quản trị. Nhờ đó, vai trò, vị trí chi phối của các TCTD Việt Nam trong hệ thống các TCTD được bảo đảm. Các TCTD yếu kém được tái cơ cấu hiệu quả thông qua các hình thức (tự tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập tự nguyện, can thiệp bắt buộc của NHNN); đến nay, nhìn chung, tình hình của các ngân hàng yếu kém đã được cải thiện rõ rệt, nguy cơ đổ vỡ được đẩy lùi, niềm tin của người dân dần được khôi phục.
Các NHTMNN không ngừng củng cố thế và lực, duy trì vị trí chủ đạo, vai trò trụ cột trong việc giữ vững sự ổn định hệ thống các TCTD, luôn đi tiên phong, dẫn dắt thị trường và trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, là lực lượng chủ yếu, tích cực tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN.
Hoạt động của khối NHTMCP từng bước được lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh. Một số NHTMCP đã chủ động mua lại, tham gia cơ cấu lại TCTD phi ngân hàng hoặc sáp nhập với NHTMCP khác để tăng quy mô hoạt động, tái định hướng chiến lược kinh doanh, mở rộng cơ sở khách hàng, gia tăng số lượng và chất lượng dịch vụ.
Các ngân hàng liên doanh (NHLD) tích cực thực hiện Đề án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt, an toàn hoạt động, hiệu quả kinh doanh được cải thiện và duy trì. Công tác tái cơ cấu các TCTD phi ngân hàng đến nay cũng đạt được những kết quả tích cực; một số TCTD phi ngân hàng được các NHTMCP mua lại hoặc nhận sáp nhập, hợp nhất để gia tăng kết nối, cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động của các QTDND; điều hòa nguồn vốn nhàn rỗi, hỗ trợ thanh khoản cho QTDND mở rộng tín dụng, bảo đảm khả năng chi trả và tăng cường tính liên kết hệ thống.
Hệ thống QTDND và các tổ chức tài chính vi mô tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh và phát huy vai trò tích cực trong việc góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xoá đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Năm là, các TCTD tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính theo hướng an toàn, hiệu quả và đổi mới quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Các TCTD đã tập trung nâng cao năng lực quản trị ngân hàng, phát triển các hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.
![]() |
Sáu là, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng; sở hữu của các NHTMCP đã minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý và kiểm soát về cơ bản; các nhóm lợi ích đã giảm dần. NHNN tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng.
Đến nay, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống chỉ còn 3 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm mạnh. Tình trạng một TCTD sở hữu cổ phần tại một số TCTD hoặc một số TCTD sở hữu cổ phần tại một TCTD đã giảm so với thời gian trước đây. Đồng thời, các TCTD đã tích cực thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.
Bảy là, hoàn thiện một bước quan trọng khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và ngân hàng, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, bảo đảm các TCTD hoạt động lành mạnh, an toàn, vững chắc hơn.
Tóm lại, sau gần 04 năm triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi, tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị, về cơ bản mục tiêu Đề án 254 đã đạt được. Kết quả cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững hơn của hệ thống ngân hàng ở giai đoạn tiếp theo.
Quá trình củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hệ thống các TCTD được tiến hành với chi phí thấp nhất. Mọi nỗ lực và giải pháp tái cơ cấu các TCTD được triển khai đến nay, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp can thiệp bắt buộc hay mua lại ngân hàng yếu kém được thực hiện đúng pháp luật không nằm ngoài mục tiêu nhằm bảo vệ tốt nhất tiền, tài sản của Nhà nước, nhân dân và bảo đảm sự an toàn của hệ thống.
Kết quả cơ cấu lại các TCTD có tác dụng không chỉ làm lành mạnh các TCTD mà còn có tác dụng hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường tài chính và đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. Các tổ chức tài chính, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao những nỗ lực và kết quả thực hiện cơ cấu lại các TCTD .
5 năm qua là một chặng đường đầy những “hỉ, nộ, ái, ố” của ngành Ngân hàng. Nỗi lo thì còn nhiều, bởi lẽ, để cho cả một nền kinh tế phát triển bền vững thì đâu chỉ có một mình ngành ngân hàng làm được, mà phải đồng bộ tất cả, từ những doanh nghiệp chỉ có vài mươi người, đến các tập đoàn kinh tế lớn. Bên cạnh đó là hệ thống pháp luật; các chính sách, cơ chế... Nhưng nếu ví cả nền kinh tế là một cơ thể, thì ngành Ngân hàng chính là quả tim.
Chẳng thể nào có một cơ thể khỏe mạnh, nếu như quả tim luôn đập thoi thóp.
Kết quả cơ cấu lại ngân hàng trong 3 năm qua góp phần đưa 11 ngân hàng của Việt Nam được lọt vào danh sách 1000 ngân hàng thế giới năm 2014 do tờ tạp chí The Banker công bố. Trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong Top 10. Tháng 9/2015, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s phát hành báo cáo xếp hạng đối với 9 ngân hàng Việt Nam gồm VietinBank, VIB, BIDV, Sacombank, Techcombank, ACB, MB, VPBank và SHB. Theo bảng xếp hạng này, VIB và VietinBank là hai ngân hàng có chỉ số sức mạnh tài chính (BCA) cao nhất (ở mức b3) trong số 9 ngân hàng được đánh giá và có triển vọng "ổn định". Triển vọng "ổn định" cũng được Moody’s xếp hạng cho BIDV và SHB trong khi các ngân hàng còn lại được đánh giá triển vọng "tích cực". Xét về tiền gửi nội tệ, VietinBank và BIDV có chỉ số cao nhất ở mức B1, tiếp đến là VIB ở mức B2 và các ngân hàng còn lại ở mức B3. Xét theo tiền gửi ngoại tệ, VietinBank, VIB và BIDV được xếp hạng cao nhất ở mức B2. Các ngân hàng còn lại có mức xếp hạng B3. |
Như Thổ
-
Ngành Ngân hàng uyển chuyển vượt sóng gió, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"
-
HoREA đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà được vay gói 120.000 tỷ đồng
-
Các doanh nghiệp đề xuất gì tại hội nghị tín dụng bất động sản và phát triển NƠXH?
-
NHNN sẽ họp cùng các bộ, ngành về thị trường bất động sản
-
Lo tín dụng “lỗi hẹn” mục tiêu
-
Địa phương nào đang dẫn đầu về thu hút vốn FDI?
-
Nga, Trung Quốc muốn ngăn quyền bá chủ của Phương Tây ở Trung Đông
-
Dòng dầu thô của Nga phục hồi trước cuộc họp quan trọng của OPEC+
-
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đến thủ đô Ankara, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ
-
Ì ạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước