30 tuổi trở thành tỉ phú nhờ… xét nghiệm máu

16:00 | 01/03/2015

1,596 lượt xem
|
Trung tuần tháng 9/2014, tại hội trường của Cung Mỹ thuật San Francisco - Palace of the Fine Arts, San Francisco - tôi được mời tham dự một buổi nói chuyện của cô Elizabeth Holmes, đại diện cho Công ty Theranos. Nội dung buổi nói chuyện xoay quanh một chủ đề duy nhất: Xét nghiệm máu…

1. Năm nay 30 tuổi, Elizabeth Holmes hiện là Giám đốc điều hành (CEO) đồng thời là Chủ tịch của Công ty Theranos - có trụ sở ở Thung lũng Silicon, bang California, Mỹ. Trong một bài bình luận đăng trên tờ The New Yorker, số ra ngày 15/12/2014, nhà báo Ken Auletta viết: "Theranos đang làm đảo lộn kỹ thuật xét nghiệm máu - là một ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ".

Tiến sĩ Georgia J. Daytona, giảng viên bộ môn Cận lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y khoa John Hopkins nói rằng: "Xét nghiệm máu là một công đoạn không thể thiếu trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh tật. Nó cho biết tình trạng sức khỏe của bạn qua các thông số như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết cầu tố, cholesteron, axit uric, đường, các chỉ số về gan, thận, tế bào ung thư…".

Thông thường khi xét nghiệm máu, kỹ thuật viên dùng một bơm tiêm, chọc vào tĩnh mạch và tùy theo yêu cầu xét nghiệm gì, lượng máu hút ra có thể là 5, 10 hay 20ml. Thời gian cho kết quả từ 30 phút đến vài ngày nếu cấy máu làm kháng sinh đồ. Về chi phí, lấy thí dụ cứ mỗi xét nghiệm đo lường thành phần cholesteron trong máu, bảo hiểm y tế hoặc người bệnh phải trả 50USD. Ở Mỹ, hai "đại gia" trong ngành xét nghiệm máu là Công ty Quest và Laboratory Corporation of America nắm giữ khoảng 80% thị phần, lợi nhuận ước đạt 75 tỉ USD mỗi năm.

Elizabeth Holmes được tạp chí Fortune công nhận là nữ tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới.

 

Thế nhưng giờ đây, hai "đại gia" này đang đứng trước một thách thức to lớn. Theo cô Elizabeth Holmes, xét nghiệm máu có thể thực hiện nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn bởi lẽ với phát minh của Công ty Theranos, chỉ cần lấy 2 giọt máu ở đầu ngón tay rồi trong vài phút hoặc chậm nhất là 2 tiếng đồng hồ, nó sẽ cho ra kết quả chẳng khác gì nếu thực hiện với phương pháp cũ. Do đó, nó sẽ giúp cứu sống thêm nhiều người. Hơn nữa, xét nghiệm cholesteron do Công ty Theranos thực hiện chẳng hạn, chỉ tốn… 2,99USD!

2. Elizabeth Holmes thành lập Công ty Theranos khi cô đang học ngành Hóa ở Đại học Stanford. Theo lời Elizabeth Holmes, khi còn bé, cô đã chứng kiến việc bà ngoại và mẹ cô ngất xỉu khi nhìn thấy máu được một y tá rút ra từ cánh tay cô khi cô bị ốm. Cô kể: "Năm thứ 2 ở Đại học Satnford, tôi được mời tham gia dự án nghiên cứu của giáo sư Channing Robertson về những loại dụng cụ có thể kiểm soát lượng thuốc đưa vào cơ thể con người".

Mùa đông năm ấy, khi bệnh SARS bùng nổ ở Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khiến nhiều người tử vong, Elizabeth Holmes được giao nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu về bệnh này. Cô nói: "Việc xét nghiệm vẫn làm theo lối cổ điển, nghĩa là rút máu vào bơm tiêm, lấy nước mũi của người bệnh để tìm virus. Khi ấy, tôi tự hỏi tại sao lại không áp dụng kỹ thuật "xét nghiệm bằng cách sử dụng chip điện từ - lab on a chip technology". Nó chỉ cần một lượng máu rất nhỏ, một chút nước mũi rồi để microchip xử lý.

Chìa khóa chính đem lại thành công cho Elizabeth Holmes là nhờ Sunny Balwani, một kỹ sư phần mềm máy tính. Elizabeth Holmes gặp Balwani khi ông đang học chương trình MBA ở Đại học Berkeley. Đã từng làm việc cho các công ty điện toán lớn như Lotus, Microsolf. Balwani được xem như một thiên tài về viết phần mềm.

Trong các buổi gặp gỡ, Balwani và Elizabeth Holmes thường hay thảo luận với nhau, rằng nếu Holmes có thể phân tích thành phần các chất trong máu chỉ bằng 2 giọt máu thì Balwani không thể không viết ra được phần mềm, giúp cô thực hiện việc này.

Sau khi Balwani viết xong, Elizabeth Holmes ứng dụng bằng cách làm nhiều xét nghiệm khác nhau với cùng một giọt máu mẫu. Sau đó, cô gửi kết quả đến một vài bệnh viện để họ so sánh. Lúc biết rằng độ chính xác của những xét nghiệm "lab on a chip technology" lên đến 97%, Elizabeth Holmes gửi đơn xin cấp bằng sáng chế. Trong đơn cô viết: "…

Ngoài chuyện tốn tiền, việc lấy máu còn phải được thực hiện ở bệnh viện hoặc các phòng xét nghiệm. Theo các khảo sát của tôi, có đến 40% người bệnh khám ở các phòng mạch tư - phần lớn là thanh thiếu niên lẩn tránh việc xét nghiệm máu trong lúc khá nhiều chứng bệnh như tiểu đường, sốt rét, sốt xuất huyết, gout, các bệnh nhiễm khuẩn… có thể chẩn đoán ra ngay nếu kỹ thuật xét nghiệm máu được thực hiện dễ dàng và không phải lệ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất…".

Tháng 11/2007, Elizabeth Holmes được Cục Sở hữu trí tuệ Liên bang Mỹ cấp bằng sáng chế, đồng thời được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép thực hiện rộng rãi kỹ thuật xét nghiệm với 2 giọt máu trên bệnh nhân. Kết quả là Công ty Theranos  -  kết hợp từ hai chữ "therapy" và "diagnosis" - nghĩa là trị liệu và chẩn đoán, ra đời. 48 bang ở Mỹ đồng ý cho Theranos hoạt động. Hai bang còn lại đang xem xét thủ tục cấp phép.

Khi đó, Elizabeth Holmes thuyết phục giáo sư Robertson dành ra mỗi tuần một ngày để làm cố vấn kỹ thuật cho cô nhưng cuối cùng thì chính ông lại xin nghỉ dạy tại Đại học Stanford để trở thành ủy viên đầu tiên của Hội đồng Quản trị Công ty Theranos.

Chỉ một thời gian ngắn, Theranos thu hút  khá nhiều những nhân vật tiếng tăm về làm việc. Trong Hội đồng Quản trị của công ty, người ta thấy có ông George P. Shultz - Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Gerald Ford, Henry Kissinger - Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Nixon, cố vấn an ninh cho Tổng thống Nixon và Tổng thống Gerald Ford.

Một trong những phòng xét nghiệm của Công ty Theranos

 

Sam Nunn - Thượng nghị sĩ bang Georgia, tiến sĩ William H. Foege - cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tiến sĩ Delos M. Cosgrove - Tổng giám đốc Bệnh viện Cleveland Clinic - ông William J Perry cựu Bộ trưởng Quốc phòng và ông Richard Kovacevich - cựu Chủ tịch Ngân hàng Wells Fargo. Theo tiến sĩ Delos: "Tôi cho rằng thiết bị xét nghiệm máu của Công ty Theranos là một đột phá trong lĩnh vực y tế. Nó thể hiện sự thay đổi quan trọng về việc chăm lo sức khỏe cho người dân".

Năm 2009, kỹ sư phần mềm Balwani gia nhập Công ty Theranos và trở thành Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật. Ông nói: "Mục tiêu hoạt động của chúng tôi là  tự động hóa chu trình xét nghiệm máu từ đầu đến cuối". Việc tự động hóa được thực hiện với 5 tiêu chí: Lấy máu không cần bơm tiêm, chẩn đoán chỉ bằng vài giọt máu, xét nghiệm bằng phần mềm để tránh nhầm lẫn, xét nghiệm nhanh, kết quả nhanh và ít tốn tiền.

Hiện tại, nhiều bệnh viện ở Mỹ đã áp dụng phương pháp xét nghiệm máu đơn giản của Công ty Theranos. Elizabeth Holmes  nói rằng: "Bạn chỉ cần xuất trình thẻ căn cước, thẻ bảo hiểm y tế, hoặc giấy giới thiệu của bác sĩ là bạn sẽ được xét nghiệm ngay tức khắc và ít tốn kém. Máu trích ra từ ngón tay, gửi đến Công ty Theranos để phân tích theo tiêu chuẩn Medicare đặt ra với độ chính xác 97%. Kết quả sẽ được thông báo cho bạn qua email hoặc tin nhắn trên điện thoại".

Trong buổi thuyết trình tại hội trường của Cung Mỹ thuật San Francisco, Elizabeth Holmes giải thích: "Vấn đề tôi muốn thực hiện khi lập ra Công ty Theranos là nhằm định nghĩa lại cơ cấu của việc chẩn đoán. Tôi muốn mọi người đều có thể hiểu về căn bệnh đang mang trong người mà không nhất thiết phải có nhiều tiền".

Theo tiến sĩ William H. Foege, cựu Giám đốc Trung tâm CDC, sắp tới đây việc xét nghiệm máu để phát hiện các chỉ số thành phần trong máu có nguy cơ gây ra bệnh tật như cholesteron, lipid, đường, axit uric… sẽ do bệnh nhân tự thực hiện chứ không cần đến sự chỉ định của bác sĩ. Người ta chỉ việc ghé vào cửa hàng dược phẩm của CVC, Walgreens hay Walmart là làm được. Do thuận tiện và dễ dàng như vậy nên nó sẽ tạo ảnh hưởng rất lớn trong ngành y.

3. Hiện tại, Theranos có 700 nhân viên và cơ sở rộng hơn 20 hécta chuyên sản xuất thiết bị thử máu và 4.000 ôtô chuyên đi lấy mẫu máu. Phần lớn lợi nhuận công ty kiếm được là từ việc kết hợp với những "đại gia" trong ngành chế tạo dược phẩm như Pfizer, GlaxoSmithKline. Họ dùng kết quả xét nghiệm của Theranos để thử nghiệm các loại thuốc mới, chưa kể Theranos còn cộng tác và cung cấp những thiết bị xét nghiệm cho quân đội Mỹ. 

Năm 2013, Theranos công bố việc hợp tác lâu dài với hệ thống phân phối dược phẩm Walgreens, dẫn đến việc thành lập các điểm xét nghiệm máu tại 8.200 cửa hàng Walgreens ở nhiều bang trên nước Mỹ.

Elizabeth Holmes nói: "Năm 2015, chúng tôi dự tính sẽ ký tiếp hợp đồng với hệ thống phân phối dược phẩm CVS - là đối thủ cạnh tranh của Walgreens. CVS có khoảng 7.800 cửa hàng".

Theo Sunny Balwani, Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Theranos, các phòng thí nghiệm của hai "đại gia" chuyên về xét nghiệm máu ở Mỹ là Quest và  Laboratory Corporation of America đều được trang bị bằng máy móc do các công ty khác cung cấp, chẳng hạn như Siemens hay Roche Diagnostics.

Trước khi các trang thiết bị ấy được bán cho phòng thí nghiệm,  Siemens, Roche Diagnostics đều phải được sự chấp thuận của FDA nên vì vậy, kỹ thuật xét nghiệm rất dễ dàng bị lộ ra ngoài. "Nhưng với Công ty Theranos thì khác…” - Sunny Balwani nói - Chúng tôi làm bằng máy móc của riêng nên không cần sự chấp thuận của FDA cho đến khi nào chúng tôi bán phòng thí nghiệm hoặc máy móc thiết bị cho công ty khác. Do đó, chúng tôi giữ được bí mật về kỹ thuật xét nghiệm".

Tuy nhiên, theo ông Eric Topol, Giám đốc Viện Khoa học Scripps Translationl Science Institute ở La Jolla, California, nếu Công ty Theranos công khai nói rõ kỹ thuật xét nghiệm của mình thì hẳn là đồng nghiệp trong ngành sẽ cảm thấy thoải mái hơn, và không coi Theranos như một mối đe dọa đến "nồi cơm" của họ!

Theo các nhà đầu tư, ước tính giá trị của Công ty Theranos vào khoảng 9 tỉ USD, trong đó Elizabeth Holmes nắm giữ hơn 50% cổ phần. Cả hai tạp chí chuyên về lĩnh vực tài chính là Fortune và Forbes  đều công nhận Elizabeth Holmes là nữ tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới, khởi đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Tạp chí Fortune cho biết thị trường xét nghiệm máu hiện đang ở mức 75 tỉ USD, có thể tăng lên đến 200 tỉ USD nếu người dân được tự ý đi thẳng đến các cửa hàng dược phẩm làm xét nghiệm máu.

Tuy nhiên, xét nghiệm máu không cần giấy giới thiệu của bác sĩ khiến nảy sinh câu hỏi: "Liệu công ty bảo hiểm có chịu trả tiền chi phí xét nghiệm do bệnh nhân tự ý thực hiện hay không?". Bác sĩ Bruce Deitchman, chuyên gia của Hiệp hội Y khoa Mỹ khẳng định các công ty bảo hiểm phải trả tiền theo tiêu chuẩn do  Medicare ấn định…

Theo ANTG

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc