25 năm lay lắt vì... quy hoạch "treo"

18:24 | 30/09/2017

5,067 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“An cư lạc nghiệp”, thế mà 25 năm qua hàng nghìn hộ dân sống trong khu quy hoạch treo ở bán đảo Thanh Đa phải chờ đợi mỏi mòn được an cư. Cách đây 2 năm người dân đã được phép xây dựng nhưng phải viết cam kết sẽ không được đền bù nhà xây mới và phần sửa mới khi dự án triển khai. Giờ đây người dân khu vực bán đảo Thanh Đa tiếp tục chờ và đặt câu hỏi: Bao giờ hết quy hoạch “treo”?

Nông thôn thu nhỏ giữa đô thị

Cách đây 5 năm tôi đến khu vực đang bị quy hoạch treo bán đảo Thanh Đa - Bình Quới (phường 28, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Đi sâu vào các ngõ nhỏ trong phường 28 mới thấy đa số người dân sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, nhiều căn nhà cấp 4, 3 gian 2 chái phía trước trồng mướp, bầu, bí, hai bên là những cây dừa cao thẳng tắp, phía sau là những rặng dừa nước to vun vút lên trời cao… Khu vực này lúc ấy như một làng quê thu nhỏ giữa lòng đô thị. Làng quê mát mẻ, trong lành ấy được phối cảnh rất đẹp trong khuôn viên Khu du lịch Bình Quới 1, Bình Quới 2 và Bình Quới 3 thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) ở phường 28, quận Bình Thạnh và là khu du lịch sinh thái rất hút khách, nhất là vào dịp cuối tuần.

Nhớ lại thời điểm cuối năm 2012, khi tôi đến quán nước nhỏ của gia đình ông Quách Văn Huệ ở số nhà 576 đường Bình Quới, (phường 28, quận Bình Thạnh) tôi được nghe ông kể: Gia đình ông có 14 nhân khẩu phải sống trong một căn nhà cấp 4 với diện tích chỉ 133m2. Quá chật chội, nhà cửa lại xuống cấp vì nước ngập thường xuyên, vợ chồng ông phải che thêm phía trước nhà để cho các con có chỗ nghỉ ngơi, chui ra chui vào. Chỉ dựng vài cái cột rồi lợp bạt, lợp tôn chứ cũng chẳng dám xây dựng thêm. Lúc đó nhìn hai đứa cháu ngoại của ông, đứa 1 tuổi và đứa 3 tuổi nằm trên võng dưới tấm nhựa nóng hầm hập mà xót cả lòng.

25 nam lay lat vi quy hoach treo
Không xa bán đảo Thanh Đa, bên kia sông Sài Gòn là những cao ốc, biệt thự

Nhà ông Huệ ở đối diện Khu du lịch Bình Quới 3, trước đó 2 năm (năm 2010), ông xin phép chính quyền nâng nền nhà cao thêm 1m cho đỡ ngập và dấu tích của việc nâng nền vẫn còn nguyên vẹn trên vách tường nhà. Ông Huệ bức xúc: “Người ta nói “an cư lạc nghiệp” mà chúng tôi có an cư được đâu, quanh năm thấp thỏm nên việc làm ăn cũng chẳng ra sao. Gần 20 năm rồi còn gì, chúng tôi quá mòn mỏi vì chờ đợi”. Thời điểm đó, hai con gái của ông cũng chạc tuổi tôi bây giờ, nghĩa là khi bắt đầu quy hoạch khu này họ mới 7, 8 tuổi, thế mà giờ các chị đã lập gia đình và sinh con mà dự án vẫn còn treo.

Cách đây 2 năm chính quyền cho xây nhà rồi. Nhưng trước khi xây người dân phải viết giấy cam kết không đòi tiền đền bù những căn nhà xây mới, sửa mới khi dự án được triển khai, chỉ đền bù đất và nhà trên đất y nguyên hiện trạng cũ trước khi có quy hoạch.

Cách đây một tuần tôi đến bán đảo Thanh Đa - Bình Quới. Con gái ông Huệ cho hay, cách đây 2 năm chính quyền cho xây nhà rồi. Nhưng trước khi xây người dân phải viết giấy cam kết không đòi tiền đền bù những căn nhà xây mới, sửa mới khi dự án được triển khai, chỉ đền bù đất và nhà trên đất y nguyên hiện trạng cũ trước khi có quy hoạch. Chị cho biết thêm, vì cam kết này mà không ai dám xây nhà kiên cố. Vợ chồng chị và 3 anh em chỉ xây nhà cấp 4 bằng tôn để ở. Nói rồi chị chỉ cho tôi xem căn nhà hai vợ chồng làm bằng tôn khoảng 50m2, 1 trệt 1 gác, sau căn nhà sát vách nhà chị là căn nhà của cha mẹ. Chị phân trần thêm: “Xây tạm như vậy để ở, vẫn tốt hơn đi ở trọ, để sau này dự án có làm, nhà bị đập bỏ không được đền bù thì cũng đỡ tiếc của”.

Cô Nga - nhà ở đối diện Khu du lịch Bình Quới 3 cho hay, thật sự là nhờ Khu du lịch Bình Quới mà mấy chục năm rồi gia đình không còn làm nông nghiệp nữa mà chuyển qua bán hàng ăn uống, nhất là hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật khách rất đông. Quán cô Nga bán các loại nước ngọt, nước mía và các món ăn hủ tíu, bò kho, bánh canh, bánh mì ốp la, mì gói trứng.

Cô nhớ lại, năm 1976 gia đình cô chuyển về đây sinh sống và sinh đứa con đầu lòng năm 1977, sống dựa nghề nông. Sau khi có Khu du lịch Bình Quới thì dân quanh khu vực này chuyên làm dịch vụ, buôn bán, còn những hộ dân ở trong xóm Đình (đình Bình Quới Tây, khu phố 3, phường 28) và các xóm lân cận… vẫn còn làm nông đến bây giờ. Căn nhà được xây dựng từ năm 1993, sau đường trước nhà nâng lên quá cao so với nền nhà nên hầu hết các căn nhà trong khu vực đều bị ngập vào mùa mưa. Bán đảo Thanh Đa vốn khá thấp, mùa mưa là ngập thường xuyên nhưng vì vướng quy hoạch treo nên quá trình xây sửa phải xin phép rất vất vả. Sau gia đình cô Nga xin phép chính quyền cho nâng cấp lên cho đỡ ngập nhưng vẫn còn thấp hơn so với mặt đường 1m. Sau nâng cấp giờ mùa mưa không còn ngập như trước, nhưng khi bể bờ bao thì nước sông vẫn tràn vào lai láng.

25 nam lay lat vi quy hoach treo
Một căn nhà tôn được xây dựng cách đây 2 năm trong khu quy hoạch treo

Ông Nguyễn Anh T (55 tuổi) cho hay, căn nhà ông đang ở đã có sổ đỏ. Hồi ông T về làm rể ở đây (1989) thì khu vực này đã có quy hoạch khu đại đô thị được vài năm. Ông về đây ở rể và được cha mẹ vợ cho đất xây nhà từ năm 1995. Cha vợ có 14 người con, khi ra ở riêng được cha mẹ cho của hồi môn, con trai thì được 2,5 công đất và 1 con trâu (tương đương 2.500m2) và con gái là 2 công đất (tương đương 2.000m2). Nhưng đến giờ thì đất ruộng của anh em trong nhà đều bán hết rồi, ông bày tỏ sự tiếc nuối là ngày xưa bán rẻ quá, một công đất bán với giá 3-4 cây vàng, giờ đất ở đây giá đắt hơn nhiều.

Trong khi đó chị Phương Th, nhà ở gần đình Bình Quới Tây vẫn chưa làm được sổ đỏ. Ba mẹ chồng chị có 9 người con và đã làm giấy chia đất cho mỗi đứa con 700m2 nhưng vì vướng quy hoạch treo nên không tách thành từng mảnh nhỏ được. Gia đình anh chồng chị ở kề bên, nhà xây từ năm 2010 nhưng vẫn không thuộc diện đền bù vì xây dựng sau khi có quy hoạch dự án, chỉ đền bù đất. Bản thân vợ chồng chị Th trước ở cùng cha mẹ, sau về đây xây căn nhà cấp 4 kiên cố.

Chị Th kể: “Đất của cha mẹ chồng ở đây, khu vực nhà em trước kia là cái ao. Khi xây nhà tốn xà cừ lắm. Nhà em đóng hết 800 cây xà cừ để làm móng. Chị cứ tính xem 17.000 đồng/cây xà cừ, làm cái móng cũng gần 150 triệu đồng. Xây căn nhà cấp 4 cũng hết 450 triệu đồng”. Tuy nhiên, nếu sau dự án thực hiện thì vợ chồng chị Th đành mất căn nhà vì xây dựng sau khi có quy hoạch và chỉ được đền bù đất.

Mong ước… xa vời

Hỏi cô Nga sau khi các con được xây nhà và ra ở riêng có mừng không. Cô bảo: “Chẳng có gì là mừng vui cả. Họ cho xây nhà mà họ có thông báo đâu. Khi mình đi xin thì họ mới bảo là được phép xây nhà. Ai đến đâu mình đến đó. Tôi chỉ an phận thôi. Tôi không trông mong gì hết. Nếu mai mốt dự án làm và thực hiện tái định cư thì tôi cũng không vô khu vực tái định cư đâu. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Có tiền đền bù tôi sẽ đi mua đất chỗ khác để ở”.

25 nam lay lat vi quy hoach treo

Ông T thì vui vẻ hơn. Ông cho biết: “Gia đình tôi khỏe rồi, nhà kiên cố và đã có sổ đỏ, mai mốt dự án có làm thì được đền bù đầy đủ. Khổ nhất là những nhà bị xuống cấp, hư hỏng mà chưa sửa chữa được, phải làm đơn từ rất nhiêu khê. Muốn sửa chữa trong nhà thì phải làm đơn và mời chính quyền xuống xem kỹ, thẩm định bị hư như thế nào, hết bao nhiêu tiền, mới được sửa chữa…”.

Bán đảo Thanh Đa hiện vẫn như một ốc đảo, miền quê đối lập với những cao ốc chọc trời, khu biệt thự sang trọng chỉ cách một con sông bởi dự án treo 25 năm qua.

Trong khi chị Phương Th thì ước muốn sớm có số nhà, có giấy tờ nhà đàng hoàng. Vì hiện tại chị Th đang dùng chung đồng hồ nước với nhà anh chồng kế bên, còn số điện thì chị phải dùng chung hộ khẩu ghép với nhà mẹ ruột cũng ở trong phường 28. “Có số nhà, có giấy tờ nhà cho an tâm chứ xây nhà bao nhiêu năm mà không có mảnh giấy trong tay, cũng lo lắm. Mấy đứa con đi học phải lấy địa chỉ nhà bà ngoại”, chị Th mong ước.

Không riêng gì gia đình cô Nga, ông T, chị Th… mà hàng nghìn hộ dân ở khu quy hoạch treo đều mong dự án nhanh triển khai, để không phải mòn mỏi chờ đợi và hoang mang vì khu này đã bị treo quy hoạch quá lâu rồi.

Những lần dang dở một đại đô thị sinh thái

Nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, bán đảo Thanh Đa - Bình Quới từ năm 1992 được phê duyệt để làm dự án khu đại đô thị du lịch, sinh thái. Đến năm 2004, thành phố thu hồi và giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Thế nhưng, dự án sau đó vẫn tiếp tục đứng im. Năm 2010, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn bị thu hồi quyết định chủ đầu tư. Sau đó, Tập đoàn Bitexco được thành phố giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của dự án này vào năm 2011. Đến năm 2015, đồ án quy hoạch 1/2000 của Bitexco được chính thức phê duyệt với quy mô dự án là 450ha, dân số khoảng 45.000 người.

Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP Hồ Chí Minh chỉ định là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Theo đó, liên danh sẽ xây dựng khu đô thị mới này theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng diện tích dự án là 426,93ha, gồm toàn bộ phường 28 quận Bình Thạnh, với vốn đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, mới đây nhà đầu tư đến từ Dubai bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi dự án này. Sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Câu hỏi được đặt là là liệu một mình Bitexco có đủ sức để thực hiện dự án tầm cỡ này hay dự án tiếp tục rơi vào tình trạng bị treo?

25 nam lay lat vi quy hoach treo
Một nhà dân trong khu quy hoạch treo phải cơi nới nhà cửa để đáp ứng nhu cầu nhân khẩu ngày càng tăng

Ông bà ta thường nói “an cư lạc nghiệp”, thế nhưng, đã 25 năm trôi qua người dân phường 28, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh luôn trong trạng thái chưa an cư. Họ cứ chờ đợi và đợi chờ. 25 năm tính ra cũng 1/4 đời người, nhiều người đã qua đời và mất trước khi dự án được triển khai; người thì từ thanh niên trai trẻ, lập gia đình, có con cái phải ở chung với cha mẹ trong những căn nhà cấp 4 vừa thấp vừa chật để chờ đợi suốt bao năm qua; người thì có đất mà không được xây phải đi ở trọ, giờ được xây cũng chỉ xây nhà cấp 4 lợp tôn để ở như nhà tạm...

Đã có nhiều chủ đầu tư đến rồi đi. Chỉ có người dân ở đây vẫn canh cánh đợi chờ. Và dự án khu đại đô thị sinh thái Thanh Đa - Bình Quới chưa biết đến bao giờ được thực hiện. Người dân tiếp tục đặt câu hỏi bao giờ mới hết quy hoạch treo?

Khu đô thị sinh thái Thanh Đa - Bình Quới có tổng diện tích 426,93ha (bao gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh) sẽ là khu đô thị với đầy đủ chức năng dành cho số dân khoảng 41.000-50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận. Nơi đây sẽ là khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.

Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa:

- 1992: UBND TP HCM phê duyệt dự án.

- 2004: UBND TP HCM giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng.

- 2010: UBND TP HCM quyết định thu hồi và giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 của khu vực này.

- 2015: UBND TP HCM chỉ định Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) là nhà đầu tư dự án với tổng mức đầu tư dự án hơn 30.000 tỉ đồng.

- 2017: Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi liên danh chủ đầu tư.

Thiên Thanh