14 Bộ nợ thể chế: Tổ công tác của Thủ tướng vào cuộc

21:23 | 17/04/2017

334 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ nay Tổ công tác của Thủ tướng sẽ đốc thúc các Bộ cả về tiến độ xây dựng các thông tư, “văn bản chậm tới 4 năm, 3 tháng, 17 ngày thì không thể được”.
14 bo no the che to cong tac cua thu tuong vao cuoc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP

“Trước đây ít khi chúng ta để ý đến tiến độ ban hành các thông tư, nhưng nay, Thủ tướng Chính phủ giao Tổ công tác đốc thúc cả vấn đề này, vì không có thông tư thì luật không đi được vào cuộc sống”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, nhấn mạnh tại buổi kiểm tra chiều 17/4.

Tại đây, Tổ công tác đã kiểm tra, đôn đốc 14 Bộ, cơ quan về tình hình xây dựng các văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh.

Nêu rõ trách nhiệm từng cơ quan

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, hiện còn 25 văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh (đã có hiệu lực thi hành) bị nợ đọng, gồm 8 nghị định, 1 quyết định và 16 thông tư.

Các cơ quan nợ đọng gồm Bộ Tài chính (4 nghị định và 1 thông tư), Bộ Y tế (1 nghị định và 7 thông tư), Bộ Thông tin và Truyền thông (1 quyết định và 2 thông tư), Bộ Quốc phòng (2 thông tư), Bộ Công Thương (2 thông tư); các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có 1 nghị định, các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư đều có 1 thông tư.

Đây là con số lớn so với thời điểm cuối năm 2016 khi Chính phủ không nợ đọng bất kỳ văn bản nào.

Bên cạnh đó, 17 văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh (có hiệu lực từ 1/6 và 1/7 tới đây) có khả năng sẽ bị chậm trễ, gồm 8 nghị định, 2 quyết định và 7 thông tư. Trước đó, tại buổi kiểm tra ngày 24/3, Tổ công tác của Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng, trình ký ban hành các văn bản này trước ngày 15/5.

Trong số này, có những văn bản đang được dư luận rất quan tâm như dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an xây dựng; dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ô tô do Bộ Công Thương xây dựng.

Tại buổi kiểm tra, đại diện các Bộ đã giải trình, làm rõ về nguyên nhân chậm trễ trong xây dựng các văn bản trên, đồng thời cam kết rõ thời hạn hoàn thành nhiệm vụ.

Các thành viên Tổ công tác như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhận xét, nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ vẫn là do yếu tố chủ quan, nhiều đơn vị chưa quyết liệt. Thêm vào đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan cũng còn nhiều bất cập.

Chính sách phải đi vào lòng dân

Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhắc lại yêu cầu, quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không để khoảng trống pháp lý. Các Bộ trưởng phải dành thời gian tối đa, ưu tiên nguồn lực, tạo điều kiện nhất để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Theo Tổ công tác, nhiều văn bản đã chậm trễ quá lâu, đặc biệt như Thông tư về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự (của Bộ Công an) chậm trễ tới 4 năm, 3 tháng, 17 ngày tính từ khi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực. Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các biểu mẫu báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công chậm tới 2 năm 3 tháng 17 ngày; một thông tư của Bộ Quốc phòng cũng chậm tới gần 2 năm…

“Nếu chậm trễ do chủ quan thì Bộ trưởng phải nhận lỗi trước Thủ tướng. Văn bản chậm tới 4 năm, 3 tháng, 17 ngày thì không thể được, gây khó khăn rất lớn trong thi hành luật”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và cho biết, Thủ tướng đã giao Tổ công tác liên tục kiểm tra, đôn đốc các bộ về vấn đề này.

Quan điểm của Thủ tướng là phải bảo đảm tiến độ, hiệu lực và chất lượng của văn bản, bảo đảm không có lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế và tăng cường sự phối hợp của các bộ ngành.

Qua kiểm tra, trong số 25 văn bản nợ đọng, có 8 nghị định có thể hoàn thành ngay trong tháng 4. Các văn bản còn lại cũng cần khẩn trương hoàn thành dứt điểm.

Cùng với đó, Tổ trưởng Tổ công tác cũng nhấn mạnh, chất lượng các văn bản vẫn là quan trọng nhất. “Các văn bản phải đi vào cuộc sống và nhất là phải đi vào lòng dân, có hiệu quả, được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, đặc biệt đối tượng bị tác động phải thực thi tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Liên quan tới những vướng mắc trong công tác phối hợp, một nguyên nhân dẫn tới chậm trễ ban hành văn bản, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu các Bộ khi được lấy ý kiến cần trả lời có chất lượng và đúng thời gian. “Vừa qua Thủ tướng đã phê bình Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết và cho rằng khi có ý kiến khác nhau thì không gì bằng việc các Bộ trực tiếp ngồi lại tìm cách giải quyết.

Trong trường hợp các bộ có xung đột về quan điểm, VPCP sẽ là cơ quan trung gian, “trọng tài”, cùng làm việc trực tiếp với các Bộ để xử lý, tránh tình trạng văn bản “đẩy đi đẩy lại” giữa các bên. Cùng với đó, trong quá trình xây dựng văn bản, VPCP cũng cử cán bộ tham gia trực tiếp với các Bộ ngay từ đầu.

Đề nghị các bộ thực hiện đúng cam kết tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết kết quả kiểm tra hôm nay sẽ được báo cáo đầy đủ, khách quan với Chính phủ, Thủ tướng. “Về phía VPCP, nếu vụ nào theo dõi thấy các bộ ngành chậm tiến độ mà không báo cáo thì dứt khoát sẽ cắt thi đua”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Hà Chính

baochinhphu.vn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc