100 năm kênh đào Panama

07:00 | 27/08/2014

3,823 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kênh đào Panama vừa tròn 100 tuổi. Ðây là một trong những con kênh quan trọng đặc biệt tại châu Mỹ và là một trong những địa điểm chứa đựng nhiều thăng trầm lịch sử mà giờ đây nhìn lại vẫn còn soi rọi được nhiều điều…

Năng lượng Mới số 351

Kế hoạch

Khi lê bước trong những cánh rừng rậm tại eo đất Panama vào năm 1513, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Vasco Nunez de Balboa chỉ nghĩ đến chuyện giành mảnh đất ven biển này cho Tây Ban Nha và qua đó hy vọng duy trì ghế toàn quyền tại khu vực Caribê. Balboa không thành công trong tham vọng này. Tuy nhiên, Balboa cũng được lưu danh vào lịch sử vì có công khám phá eo đất Panama. Hai thập niên sau, vua Tây Ban Nha Charles I cho người khảo sát lại eo đất trên với hy vọng tìm được con đường tắt cho những cuộc hải hành. Báo cáo gửi về: Không thể được.

Chuyện lập một con kênh đào nối Thái Bình Dương và Ðại Tây Dương bị bỏ xó suốt nhiều năm, cho đến thế kỷ XIX. Pháp hâm nóng vấn đề này vào năm 1878, khi một ủy ban thuộc Hội Ðịa lý Paris ký một hiệp ước với Colombia (khi đó, Panama là một tỉnh của Colombia) để xây một kênh đào từ Vịnh Limon đến Panama City. Ý đồ của Pháp bị chết yểu ngay từ đầu vì Ferdinand de Lesseps - người xây con kênh đào Suez năm 1869 - cho rằng muốn xây con kênh cần phải khoét một đường hầm dài 7.720m tại Culebra. Ngoài ra, các nhà thầu xây dựng cũng lo sợ khi nghĩ đến mối đe dọa bệnh sốt rét và sốt vàng da.

100 năm kênh đào Panama

Mỗi năm, kênh đào Panama đón hơn 14.000 con tàu chở hơn 203 triệu tấn hàng

Tuy thế, Pháp không từ bỏ ý định. 10 năm sau, với ít nhất 20.000 người chết vì bệnh, Pháp giơ tay đầu hàng. Năm 1894, Lucien N.B. Wyse - viên Ðại úy Hải quân Pháp, người từng giám sát công trình và đứng ra thương lượng với Chính phủ Colombia - lại cố lần nữa. Công ty của Wyse thiếu vốn và cuối cùng cũng buông tay. Ðến lượt Mỹ. Năm 1869, Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant - từng quan tâm đến chuyện đào con kênh nối liền hai đại dương từ năm 1852 khi ông đến eo đất Panama hồi còn là một đại úy quân đội Mỹ - đã ra lệnh khảo sát kế hoạch đào kênh.

Tiến trình khảo sát tập trung ba khu vực, trong đó có Panama và Nicaragua. Kế hoạch Ulysses S. Grant, một lần nữa, không đi đến đâu. Năm 1898, Lucien N.B. Wyse đề nghị bán công ty mình nhưng Mỹ không quan tâm. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ William McKinley ra lệnh một ủy ban nghiên cứu mới khảo sát những tuyến khả thi. Tuyến chạy ngang Nicaragua được xem là sự chọn lựa cuối cùng. Tuy nhiên, lịch sử đã can thiệp...

McKinley bị ám sát chết năm 1901. Tổng thống kế nhiệm Theodore Roosevelt chọn tuyến chạy ngang Panama, với sự góp ý của thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Ohio Mark Hanna - người bị xúi bẩy từ phía Pháp (do Pháp đã đầu tư nhiều ở Panama chứ không phải ở Nicaragua). Khi Chính phủ Colombia từ chối bán quyền đào con kênh, Theodore Roosevelt kích động một phong trào phản loạn ở Panama đứng lên giành quyền độc lập, tách ra khỏi Colombia. Năm 1903, Panama tuyên bố độc lập, tất nhiên có sự ủng hộ của Mỹ. Roosevelt khơi lại vấn đề kênh đào với tân Chính phủ Panama và giành quyền xây con kênh, đồng thời lập ra Vùng Kênh đào (Canal Zone) bề ngang rộng 10 dặm như một khu vực dành riêng cho Mỹ.

Toàn bộ thiết bị đào xới của Pháp đều được Mỹ mua lại. Công trình xây đầu chốt cho con kênh được bắt đầu vào năm 1904. Rút kinh nghiệm từ Pháp, Mỹ làm rất hệ thống. Ðại tá quân y William Gorgas được phái đến Panama để giúp đối phó với sốt rét. Khi Gorgas tiêu trừ được bệnh sốt vàng da và giảm thiểu các trường hợp bệnh sốt rét, xem như hai chướng ngại lớn nhất đã được tháo bỏ. Chướng ngại thứ ba là địa hình. Cuối cùng, sau 10 năm, với 70.000 người trực tiếp thực hiện, tốn 400 triệu USD và thiệt mạng 5.600 người, kênh đào Panama hoàn thành và chính thức mở cổng vào ngày 15-8-1914, chỉ ít lâu sau khi Thế chiến I bùng nổ...

Tham vọng Washington

Con kênh ra đời đem lại nhiều rắc rối khác. Nước Cộng hòa non trẻ Panama đối diện nhiều vấn đề rối rắm ngay từ những ngày đầu. Những người thuộc thành phần ái quốc oán giận vì cho rằng Mỹ đã chia cắt nước họ làm đôi qua hai bờ kênh. Mỹ còn can dự vào những cuộc bầu cử cũng như dính dáng vào loạt cuộc biến động giữa thập niên 20 của thế kỷ trước. Cuối cùng, dưới đám mây khủng hoảng kinh tế, một cuộc đảo chính đẫm máu đã xảy ra năm 1931, do Arnulfo Arias Madrid chủ xướng, với kết quả trong kỳ bầu cử tổng thống năm sau, người anh của Arnulfo Arias - Harmodio - đắc cử.

Trong chuyện này, Mỹ không can thiệp. Tuy nhiên, sự hiện diện của Mỹ tiếp tục châm ngòi cho ngọn lửa ái quốc, trong khi tình hình chính trường Panama càng lúc càng rối ren. Năm 1940, Arnulfo Arias đắc cử tổng thống nhưng cuối năm sau lại bị chính quân đội mình lật đổ, khi nảy ra cuộc tranh cãi rằng có nên hay không cho Mỹ thiết lập căn cứ quân sự tại Panama nhằm chuẩn bị Thế chiến thứ hai. Tổng thống kế nhiệm Ricardo de la Guardia chuẩn thuận nhưng không phải 999 năm như Mỹ yêu cầu mà phải rút hết ngay sau khi chiến tranh chấm dứt. Khi Mỹ phản đối và đòi tái thương lượng, hàng ngàn người Panama đã biểu tình rầm rộ, yêu cầu Chính phủ Panama không thương thảo gì thêm với Mỹ. Thế rồi…

Ngay sau chiến tranh, Chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia Jose Antonio Remon đắc cử tổng thống. Remon đề nghị Mỹ tăng phần trách nhiệm giám sát kênh đào. Nhưng một biến cố nữa lại xảy ra. Remon - nhiều năm từng thao túng chính trường Panama và tạo ra lắm kẻ thù - bị ám sát vào năm 1953, 2 năm trước khi hiệp ước vừa nói có hiệu lực. Sự kiện quốc hữu hóa kênh đào Suez ở Ai Cập năm 1956 và sự kiện Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles tuyên bố rằng Mỹ “có quyền cai quản” ở Vùng Kênh đã khiến quan hệ Mỹ - Panama trở nên thêm căng thẳng. Sinh viên Panama biểu tình rầm rộ vào thập niên 50.

100 năm kênh đào Panama

Công trình kênh đào Panama là một trong những công trình xây dựng quy mô nhất đầu thế kỷ XX

Khi Panama đe dọa một cuộc “xâm chiếm hòa bình” vào Vùng Kênh, Mỹ lập tức phái quân đến Panama và sau đó xây hàng rào quanh khu vực này. Quan hệ hai nước trở nên cực xấu vào tháng 1-1964, khi học sinh Mỹ tại Trường trung học Balboa ở Vùng Kênh nhất định không chịu treo cờ Panama cùng cờ Mỹ. Một vụ biến động 3 ngày xảy ra khi học sinh Panama diễu hành vào địa phận Vùng Kênh, tay cầm cờ nước mình. Kết quả, 23 người Panama và 4 lính Mỹ bị giết chết. Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ một thời gian ngắn. Sau đó, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đồng ý thương thảo một hiệp ước hoàn toàn mới. Tuy nhiên, một hiệp ước như thế không bao giờ ra đời. Năm 1968, Arnulfo Arias tái đắc cử tổng thống. Arnulfo Arias lập tức đòi chuyển giao tức thì Vùng Kênh cho Panama. Chuyện này cũng không thể xảy ra vì Arnulfo Arias bị lật đổ vào 11 ngày sau, bởi cuộc đảo chính của tướng Omar Torrijos Herrera.

Các cuộc thương lượng về số phận Vùng Kênh được tái lập năm 1971, do Liên Hiệp Quốc chủ xướng nhưng vụ Watergate ở Mỹ làm gián đoạn các cuộc đàm phán năm 1974 rồi lại bị cắt ngang bởi chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 1976. Khi đắc cử, tân Tổng thống Jimmy Carter đưa vụ kênh đào Panama lên hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự. Ngày 7-9-1977, Jimmy Carter cùng Tổng thống Omar Torrijos Herrera ký hai hiệp ước mới. Một, nêu rằng việc giám sát Vùng Kênh của Mỹ sẽ kết thúc vào ngày 31-12-1999; hai, nêu rằng cả hai nước sẽ đảm bảo tính trung lập của Vùng Kênh trong thời bình lẫn thời chiến.

Tưởng rằng như vậy đã ổn nhưng… Năm 1981, Omar Torrijos Herrerra chết trong một tai nạn máy bay. Ðại tá Manuel Noriega - cựu Giám đốc Sở cảnh sát mật từng được CIA đào tạo - nổi lên như một nhân vật cai trị đất nước, cho đến khi thành phần đối lập buộc ông tội buôn lậu ma túy. Một phiên tòa liên bang ở Mỹ cũng kết án Noriega năm 1988. Sau khi Noriega thoát chết trong một cuộc đảo chính đẫm máu năm 1989, Tổng thống Mỹ George H. Bush bất ngờ tung ra cuộc tấn công vào Panama, nhằm truy bắt trùm ma túy Noriega. 2 tuần sau, cuộc xâm chiếm chấm dứt và Noriega đứng sau song sắt một nhà tù tại Miami. Cuộc xâm chiếm năm 1989 được xem như là sự kết thúc cai quản bằng quân sự của Mỹ ở Panama.

Giữa trưa ngày 31-12-1999, Panama chính thức nhận lại quyền kiểm soát con kênh đào Panama sau 85 năm con kênh nằm dưới sự giám sát của Mỹ. Vụ trao trả cuối cùng của thế kỷ này là kết quả từ một hiệp ước được ký vào tháng 9-1977 giữa Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tổng thống Panama Omar Torrijos. Với nhiều người trong số 3 triệu dân Panama, sự kiện trên đánh dấu một chương mới với nền độc lập thực sự.

Giá trị kinh tế

Cần nhắc lại, một tàu hàng đi từ New York đến San Francisco qua kênh đào Panama sẽ chỉ phải vượt 9.500km so với 22.500km khi đi bằng đường vòng quanh Cape Horn. Từ khi mở cửa đến nay, kênh đào Panama đã đóng góp đáng kể cho mậu dịch toàn cầu và tiếp tục là một trong những tuyến đường quốc tế thông dụng nhất.

Mỗi năm, kênh đào Panama đón hơn 14.000 con tàu chở hơn 203 triệu tấn hàng (trong khi đó, năm 1934, người ta dự báo lượng hàng tối đa chở qua con kênh chỉ khoảng 80 triệu tấn/năm). Kênh đào Panama trở nên đặc biệt hữu dụng đối với khu vực đang phát triển cực mạnh như châu Á. Ðến năm 2011, 37% tàu container đã trở nên quá to đối với kênh đào Panama và do đó việc mở rộng con kênh là điều không thể không làm.

Chính phủ (tổng thống) Martin Torrijos (con của Omar Torrijos, người ký Hiệp ước với Tổng thống Jimmy Carter năm 1977) tin rằng kế hoạch mở rộng con kênh không chỉ có giá trị tương lai cho mậu dịch thế giới mà còn đối với kinh tế quốc gia thời điểm trước mắt. Công trình mở rộng gấp đôi con kênh sẽ cần chừng 40.000 công nhân tại đất nước mà hiện có 40% người sống trong tình trạng nghèo khổ và tỉ lệ thất nghiệp lên đến 9,5%. Tuyến thứ ba của con kênh (song song hai tuyến hiện thời) sẽ có khả năng cho thông qua các tàu khổng lồ (dài 366m, rộng 49m). Hiện nay, Mỹ vẫn là nước sử dụng con kênh nhiều nhất với 136,5 triệu tấn hàng, kế đến là Trung Quốc (35,1 triệu tấn) và Nhật (32,2 triệu tấn). 

Cao Minh

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps