10 sự kiện tiêu biểu ngành Tài chính năm 2011

09:28 | 29/12/2011

403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù năm 2011 đánh dấu nhiều biến động của nền kinh tế, nhưng với nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, ngành Tài chính đã xuất sắc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế – xã hội mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Dưới đây, Petrotimes xin gửi tới bạn đọc 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tài chính được Văn phòng Bộ Tài chính và các cơ quan báo chí bình chọn trong năm 2011.

GS. TS Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng Bộ Tài chính là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tài chính 2011.

1. GS.TS Vương Đình Huệ được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính

Ngày 03/08/2011 tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã phê chuẩn các thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình. Theo đó, Giáo sư – Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng được bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.

2. Thu ngân sách Nhà nước đạt 674.000 tỉ đồng

Năm 2011, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chúng ta vừa phải kiềm chế lạm phát, đồng thời phải ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh như vậy, cán bộ, công chức toàn ngành Tài chính đã nỗ lực cố gắng thu nộp ngân sách Nhà nước với tổng số thu ước đạt 674.500 tỉ đồng, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao.

3. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính được mở rộng trên nhiều bình diện

Năm 2011 là một năm ghi đậm những dấu ấn trong hoạt động đối ngoại của ngành Tài chính. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính diễn ra hầu khắp các bình diện, cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả chất và lượng. Từ hợp tác song phương, đến hợp tác đa phương; từ châu Á tới châu Âu; từ quốc gia đến khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã tham dự trực tiếp các diễn đàn tài chính lớn để tăng cường và thúc đẩy hợp tác về tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính các nước ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế APEC; Đối thoại tại Nghị viện châu Âu; gặp gỡ trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Tài chính của các cường quốc kinh tế như: Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Bỉ, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Vương quốc Anh; gặp gỡ và trao đổi nhằm nâng cao sự hợp tác với các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển châu Á…

Thông qua các hoạt động này, lĩnh vực hợp tác quốc tế của Bộ Tài chính Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới, sâu sắc và toàn diện, đóng góp quan trọng vào việc hội nhập toàn diện của Việt Nam với khu vực và thế giới.

4. Quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội

Nghị quyết 11 là chủ trương và giải pháp lớn của Chính phủ trong quản lý, điều hành kinh tế – xã hội trong giai đoạn khó khăn. Với trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đã cùng với các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách; kiên quyết cắt giảm đầu tư công; bố trí nguồn vốn cho các công trình, các dự án cấp bách theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện và đôn đốc thực hiện việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên.

Trong năm 2011 đã cắt giảm, ngừng khởi công mới, điều chuyển vốn đầu tư các dự án, công trình với số vốn là 51.644,2 tỉ đồng. Cũng trong năm 2011, ngành Tài chính đã xuất hơn 70.000 tấn gạo và nhiều phương tiện, vật tư khác giúp đỡ đồng bào lũ lụt khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, đã góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tài Hội thảo về "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay.

5. Công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành giá

Cuộc hội thảo về “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” do Bộ Tài chính chủ trì diễn ra vào cuối tháng 9/2011 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội bởi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, là đầu vào của những ngành sản xuất tác động trực tiếp tới đời sống của người dân. Cũng từ chính Hội thảo này, thái độ rõ ràng, quyết tâm làm công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của Lãnh đạo Bộ Tài chính đối với lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này đã được ghi nhận.

Vai trò quản lý của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu được thể hiện rõ khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã dứt khoát tỏ thái độ và quan điểm quản lý và điều hành của mình qua câu nói “Việc quản lý và kinh doanh xăng dầu không chỉ vì lợi ích của 11 doanh nghiệp đầu mối mà còn vì lợi ích của quốc gia, của hơn 80 triệu dân Việt Nam”. Và quan điểm đó một lần nữa lại được Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII khi ông cho rằng: “Công khai, minh bạch” là giải pháp căn cơ và đột phá trong quản lý, điều hành giá.

6. Ngành Hải quan công bố “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng”

Không chỉ cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, ngành Hải quan còn tỏ rõ quyết tâm nâng cao hình ảnh thân thiện của mình đối với doanh nghiệp và người dân. Ngày 9/2/2011, Tổng cục Hải quan đã công bố tuyên ngôn phục vụ khách hàng là “chuyên nghiệp – minh bạch – hiệu quả”. Với tuyên ngôn này, ngành Hải quan hướng tới mục đích vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, vừa là người bạn đồng hành để giúp doanh nghiệp, người dân thuận tiện trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là năm ngành Hải quan lần đầu tiên “cán mốc” số thu nộp NSNN trên 200.000 tỉ đồng; công bố kim ngạch xuất nhập nhập khẩu của Việt Nam đạt 200 tỉ USD.

7. Trên 400 nghìn doanh nghiệp thực hiện tự chủ về hóa đơn

Thực hiện Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 53 của Bộ Tài chính, hơn 400.000 doanh nghiệp đã hoàn toàn tự chủ về việc in và đặt in hóa đơn để sử dụng. Đây được coi là một trong những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế trong năm 2011

8. Tiếp tục triển khai thành công Dự án hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) tại 11 tỉnh, thành phố

Qua 11 đợt triển khai liên tục, đến hết năm 2011 hệ thống Tabmis đã được triển khai và vận thành tại 46 tỉnh, thành phố và 15 bộ, ngành, góp phần tích cực thực hiện lộ trình hiện đại hóa ngành Kho bạc Nhà nước.

9. Xây dựng Đề án Tái cấu trúc DNNN, tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán, các tổ chức kinh doanh bảo hiểm

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế mà Quốc hội và Chính phủ đã thông qua, ngày 21/11/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2799/QĐ-BTC thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Tái cấu trúc DNNN. Ban Chỉ đạo Đề án có nhiệm vụ xây dựng Đề án Tái cấu trúc DNNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án được phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Đồng thời, ngành Tài chính đã chủ động, tích cực xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách và thể chế cho thị trường chứng khoán; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán và thị trường bảo hiểm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

10. Xây dựng, tôn tạo, nâng cấp Khu hành lễ nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức ngành Tài chính tự nguyện góp công, góp của và cùng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tiến hành tôn tạo, nâng cấp, xây dựng Khu hành lễ nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 khang trang hơn. Đây là tâm nguyện của các thế hệ cán bộ công chức trong toàn ngành Tài chính nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thanh Ngọc