Yêu nước thì không như thế!

08:28 | 16/08/2013

1,145 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sống giữa đất nước Việt Nam mà đi khắp thị thành đến ngõ xóm, nhan nhản những biển hiệu dùng ngôn ngữ nước ngoài; đôi khi có cảm giác như lạc vào một phố Tây.

Nếu như những năm kháng chiến cứu nước, lý tưởng, lẽ sống của thế hệ trẻ rất rõ ràng, cụ thể thì hôm nay, nó mờ nhạt, thậm chí còn lệch lạc. Không ít người bị cuốn theo ma lực của tiền tài, địa vị bằng mọi giá. Họ lãng quên lịch sử hào hùng và vẻ vang của dân tộc đến mức hàng năm có hàng nghìn học sinh bị điểm 0 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sống giữa đất nước độc lập, tự do, thành quả do lớp lớp cha ông mang lại nhưng không cần hiểu biết cội nguồn. Thế còn gì là yêu nước?

Có những thanh niên vừa ra nước ngoài sinh sống đã bỏ tên, họ Việt để mang tên Tây. Người Tây có con nuôi Việt Nam lại có nguyện vọng cho con học tiếng Việt để lúc chúng lớn lên còn đưa chúng về thăm lại quê hương, biết nói tiếng mẹ đẻ. Nghĩa là người nước ngoài rất trân trọng cội nguồn và ngôn ngữ gốc của những đứa con nuôi của họ. Đó là một nghịch lý!

Một cửa hiệu ở Việt Nam nhưng lại có đến 6 biển quảng cáo viết 100% bằng tiếng Nga

Lại có những người mới đi làm ăn ở nước ngoài mấy năm về thăm quê, cái gì cũng bị họ chê là cổ hủ, lạc hậu, không thể chấp nhận. Nhưng cái tinh hoa của nước ngoài thì họ chẳng học được mà chỉ thấy cách ăn mặc, ứng xử đều lố lăng, dởm dít, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của người Việt. Chưa có cống hiến gì cho gia đình, quê hương, đất nước mà còn phủ nhận tất cả xã hội, con người nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Đó không phải là người yêu nước!

Tầng lớp trung lưu và thanh thiếu niên ở Việt Nam bây giờ khoái khẩu với những món ăn nhanh của Tây: nào là hăm bơ gơ, bit tết, gà rán kiểu Mỹ, mì kiểu Ý, pizza… Tuy những món đó cũng ngon nhưng có nên thường xuyên kéo nhau tới những nhà hàng, siêu thị để ăn những món ấy? Ngoài lý do được thưởng thức các món ăn lạ trên thế giới, còn có lý do nào khác hay phải ăn món Tây mới là người sành điệu? Nhà nước kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Dùng hàng Việt Nam là yêu nước”.

Thực tế hiện nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam sản xuất theo công nghệ và dây chuyền nhập ngoại đã đạt chất lượng và giá trị tương đương, thậm chí rẻ hơn và tốt hơn hàng nước ngoài. Song, chạy theo tư tưởng sùng ngoại, nhiều người vẫn cứ say mê săn lùng và xài hàng ngoại; nhỏ là mớ rau, con cá; lớn là cái xe máy, xe hơi. Người giàu có đã đành, người nghèo khó, thu nhập chưa cao cũng sính ngoại mới là điều đáng chê trách.

Mấy tháng nay rộ lên trong dư luận về những biển hiệu và biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài. Đó cũng là cái mốt sĩ diện hão và lối sành điệu rởm! Sống giữa đất nước Việt Nam mà đi khắp thị thành đến ngõ xóm, nhan nhản những biển hiệu dùng ngôn ngữ nước ngoài; đôi khi có cảm giác như lạc vào một phố Tây. Những ngõ hẻm, những đường làng không bao giờ có bóng dáng người nước ngoài qua lại mà cửa hiệu cắt tóc, mát xa cũng đề biển tiếng Anh “hair cut, massage”.

Một ông từng làm giám đốc doanh nghiệp nhà nước về hưu, cùng con cái mở nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội. Từ biển hiệu đến thực đơn trong nhà hàng của ông đều in mấy thứ tiếng nước ngoài. Nhưng trớ trêu thay, nhà hàng, khách sạn của ông phần lớn lại là khách người Việt chứ chẳng mấy khi có khách nước ngoài. Khi có người thắc mắc thì ông chủ còn cao giọng giải thích rằng: “Nước ta lạc hậu quá lâu rồi, bây giờ hội nhập thế giới thì phải thế, không làm thế thì sao dân ta chịu học ngoại ngữ”. Lối tư duy rất khiên cưỡng!

Hội nhập và đổi mới là tất yếu. Mấy chục năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã có những bước tiến mạnh mẽ, có những lĩnh vực đạt thành tựu lớn trong việc “đi tắt, đón đầu”. Nhưng không thể hội nhập mà ngay ở đất nước mình lại phũ phàng phủ nhận tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt là niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Vậy biển hiệu, hàng hóa và biển quảng cáo cần phải dùng tiếng Việt bên trên, tiếng nước ngoài bên dưới bởi tỷ lệ người Việt biết ngoại ngữ còn thấp. Đừng biến những người dân Việt biết chữ trở thành mù chữ ngay trên đất nước mình!

Mấy năm gần đây, mỗi khi có mâu thuẫn giữa ngư dân Việt Nam và Trung Quốc trên biển là nhiều người, trong đó có một số nhân sĩ, trí thức tổ chức biểu tình, phản đối Trung Quốc. Số người này coi đây là hành động thể hiện lòng yêu nước, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Mặc dù chưa gây ra hậu quả gì nghiêm trọng nhưng cũng ảnh hưởng đến trật tự an ninh đô thị, đặc biệt là ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao qua suy nghĩ và cách nhìn nhận của bạn bè quốc tế. Hội nhập có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức tinh tế và nhạy cảm, nhất là đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước. Ở tầm vĩ mô, Đảng và Nhà nước có trách nhiệm giải quyết và xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh. Còn trách nhiệm công dân là thực hiện đúng đường lối, chính sách, cống hiến nhiều nhất trên lĩnh vực hoạt động của mình, góp phần dựng xây đất nước. Đó là thể hiện lòng yêu nước chứ không phải cứ xuống đường, tập trung đông người và hô vang khẩu hiệu mới là yêu nước!

Yêu nước và không yêu nước, còn nhiều khía cạnh đáng phải bàn.

Minh Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc