Xung quanh việc cổ phần hóa Rosneft

07:20 | 19/09/2016

420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tập đoàn Rosneft là tập đoàn sản xuất dầu lớn nhất thế giới, có cơ sở khai thác ở nhiều nước. Năm 2013 Rosneft đã được cổ phần hóa khi bán lại 19,75% cổ phần cho Công ty BP và trở thành công ty đại chúng lớn nhất thế giới trong ngành sản xuất dầu mỏ xét về sản lượng với cổ phần lớn nhất vẫn thuộc Chính phủ Nga.
xung quanh viec co phan hoa rosneft

Cổ đông chính của Rosneft gồm: Jsc Rosneftegaz (thuộc Chính phủ LB Nga) - 69,5%; BP Russian Investment Limited - 19,75% và Trung tâm lưu ký chứng khoán Quốc gia - 10,36%.

Hiện nay Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc bán 19,5% cổ phẩn Rosneft cho Oil & Natural Gas (ONGC) của Ấn Độ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) của Trung Quốc để có tiền đáp ứng các cam kết ngân sách vào thời điểm chưa đầy hai năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.

Việc bán lại 19,5% dự kiến sẽ đem lại cho Nga 700 tỉ rup (tương đương với 11 tỉ USD và sẽ là một kỷ lục mới về thoái vốn chính phủ ở Nga giúp nước Nga giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách, vốn được dự kiến sẽ lên tới gần 22 tỉ USD trong năm 2016. Trung Quốc và Ấn Độ đều từng công khai bày tỏ sự quan tâm trong việc mua bán cổ phần của Rosneft, tuy nhiên chưa bên nào từng tiết lộ về một thỏa thuận chung cũng như thỏa thuận riêng đang được xem xét.

Các quỹ đầu tư của Nga như Letter One Group và Công ty Dầu khí Surgutneftegaz đang quan tâm đến việc mua lại cổ phần của Rosneft. Ngoài ra, không loại trừ phương án lãnh đạo của Rosneft tự động mua gói cổ phần vì cho rằng tài sản của công ty bị đánh giá thấp. Bất kỳ nhà đầu tư nào muốn mua lại cổ phần của Rosneft cũng sẽ phải ký cam kết không được bán lại số cổ phần đó ít nhất trong vòng 3 năm tiếp theo và không có quyền phủ quyết đối với trường hợp bầu cổ đông từ phía chính phủ.

Ngày 1-8-2016, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa đã được Rosneftegaz trình lên Chính phủ Nga. Việc Cổ phần hóa Rosneft đã được Tổng thống giao cho Cơ quan Quản lý tài sản quốc gia LB Nga, tuy nhiên cơ quan này đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức.

Chiến lược năng lượng của Nga đã nghiêng về phía châu Á kể từ khi lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến Nga không thể tiếp cận được nguồn vốn và nhu cầu ở châu Âu. Trọng tâm của Nga hiện nay là tăng cường bán dầu thô và khí đốt cho Trung Quốc - nước không chỉ là thị trường lớn nhất ở châu Á mà còn là nhà cung cấp tài chính quan trọng cho Rosneft trong bối cảnh bị trừng phạt. Trong một thập niên qua, Trung Quốc đã cung cấp cho Rosneft và các công ty khác của Nga hơn 100 tỉ USD vốn vay và tiền trả trước để mua dầu. Năm 2014 Rosneft và CNPC ký hợp đồng 25 năm trị giá 270 tỉ USD. Theo đó, tập đoàn Nga sẽ cung cấp 360,3 triệu tấn dầu thô cho Trung Quốc.

Giao dịch dầu khí của Nga với Ấn Độ vẫn ở mức thấp, nhưng đã bắt đầu tăng lên khi Ấn Độ dần thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm của tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Trong năm nay, Ấn Độ được dự báo sẽ tiêu thụ 4,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, vượt qua mức 4,1 triệu của Nhật Bản. Tới năm 2040, mức tiêu thụ của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng thêm 6 triệu thùng/ngày, so với mức tăng 4,8 triệu của Trung Quốc. Ngoài ra, tháng 5-2016 ONGC (Ấn Độ) nhất trí trả Rosneft 1,27 tỉ USD để mua lại 15% cổ phần của Vankor, một trong những mỏ dầu lớn nhất của Nga. Hôm thứ Sáu tuần trước, Rosneft bán thêm 23,9% cổ phần của dự án này cho ba công ty khác của Ấn Độ, thu về số tiền khoảng hơn 2 tỉ USD.

Ngoài ra, Rosneft hiện vẫn đang rất quan tâm đến việc mua lại cổ phần của Công ty Bashneft cũng nằm trong danh sách các công ty của Nga dự kiến cổ phần hóa trong thời gian tới. Về quy mô hoạt động thì Công ty Basneft không phải là một công ty lớn (chiếm 4% dầu khai thác tại LB Nga) với tốc độ phát triển nhanh chóng về sản lượng khai thác trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Basneft sở hữu các mỏ nằm ở phần châu Âu của LB Nga, vì vậy việc khai thác cũng như tiêu thụ sẽ rất thuận tiện và dễ dàng.

Việc Rosneft bày tỏ ý định mua lại cổ phần của Basneft gây nhiều tranh cãi tại Nga, vì theo luật về cổ phần hóa và chỉ đạo của Tổng thống Nga Putin thì các công ty nhà nước không được quyền tham gia cổ phần hóa Basneft, tuy nhiên trên thực tế Rosneft không hẳn là công ty nhà nước vì vậy Rosneft vẫn có cơ hội tham gia mua lại cổ phần của Basneft.

Trong tình hình nỗ lực lấp đầy lỗ hổng ngân sách do doanh thu dầu mỏ sụt giảm, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một bước cần thiết, tuy nhiên theo đánh giá thì việc cổ phần hóa Rosneft cũng như Bashneft sẽ khó thực hiện trong thời gian tới vì những tranh cãi trong Chính phủ cũng như trong nội bộ các công ty.

Bất kỳ nhà đầu tư nào muốn mua lại cổ phần của Rosneft cũng sẽ phải ký cam kết không được bán lại số cổ phần đó ít nhất trong vòng 3 năm tiếp theo và không có quyền phủ quyết đối với trường hợp bầu cổ đông từ phía chính phủ.

Lan Thu - Tú Mai

Năng lượng Mới 556

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc