Xung quanh chuyến thăm đầu tiên của Quốc vương Arập Xêút tới Nga

19:11 | 06/10/2017

1,811 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chuyến thăm đầu tiên của Quốc vương Arập Xêút tới Nga mang ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Những thay đổi thời cuộc đang khiến Arập Xêút xích lại gần Nga hơn. Moskva không quá kỳ vọng sẽ có một đồng minh mới ở Trung Đông mà chỉ coi đây là cơ hội tốt cho những giao thương kinh tế.  
xung quanh chuyen tham dau tien cua quoc vuong arap xeut toi nga
Tổng thống Putin tiếp đón Quốc vương Arập Xêút, Salmane ben Abdelaziz Al Saoud tại Điện Kremlin ngày 5/10

Ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Quốc vương Arập Xêút, Salmane ben Abdelaziz Al Saoud tại điện Kremlin. Chính quyền cả hai nước đều đánh giá chuyến thăm này là lịch sử. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu vương quốc Arập đến thăm chính thức Moskva. Cả hai nước chưa bao giờ có mối quan hệ thân cận và khủng hoảng Syria còn làm mối quan hệ đó thêm xấu đi.

Nga và Arập Xêút nối lại quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Từ khi Nga trở lại Trung Đông qua cuộc chiến ở Syria, Arập Xêút, nước có tham vọng lãnh đạo khu vực Trung Đông tự nhiên trở thành đối thủ của Moskva trong rất nhiều vấn đề, từ Syria cho tới các vấn đề về dầu mỏ và cả Iran. Trong cuộc xung đột Syria, Nga và Arập Xêút mỗi bên ủng hộ một phe khác nhau. Nếu Tổng thống Putin muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho xung đột Syria thì Nga cần đến sự ủng hộ của Arập Xêút. Nhưng kỳ tích đó chưa thể đạt được một sớm một chiều. Điều trước mắt là hai bên đã và đang tiếp tục tìm được tiếng nói chung trong vấn đề dầu mỏ.

Từ khi giá dầu tuột dốc không phanh cách đây hơn 2 năm, cả Nga và Arập Xêút đều điêu đứng vì ngân sách quốc gia chủ yếu dựa vào tiền bán dầu. Nhưng đến nay, nếu như kinh tế Nga dường như thoát khủng hoảng thì Arập Xêút vẫn trong vùng xám.

Theo báo cáo của Cơ quan thống kê Arập Xêút công bố ngày 1/10/2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vương quốc này trong quý II/2017 giảm xuống còn 2,3% so với mức 3,7% của quý I. Đây là kỳ giảm thứ hai liên tiếp. Nếu xu hướng giảm tiếp tục thì năm 2017 sẽ là năm đầu tiên nền kinh tế của Arập Xêút suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Arập Xêút trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 0,1%.

Theo giải thích từ phía Cơ quan thống kê Arập Xêút, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm là do giá dầu vẫn ở mức thấp và trong thời gian qua Arập Xêút phải cắt giảm sản lượng dầu khí để tuân thủ thỏa thuận cắt giảm ký kết giữa các nước trong và ngoài OPEC, có hiệu lực từ đầu năm 2016 đến nay. Arập Xêút là quốc gia đứng đầu OPEC, nên việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm là điều kiện để giữ uy tín cho Vương quốc này.

Từ một nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng đến giữa năm 2014, Arập Xêút đã phải áp dụng hàng loạt các biện pháp tiết kiệm chi tiêu do doanh thu từ dầu mỏ, chiếm hơn 90% tổng thu ngân sách của chính phủ, giảm mạnh do dầu mất giá. Trong 3 năm qua, ngân sách Arập Xêút đã bị thâm hụt hơn 200 tỷ USD và dự báo mức thâm hụt ngân sách trong năm 2017 là 53 tỷ USD. Để bù đắp cho những thiếu hụt này, Ryad đã vay mượn từ các thị trường quốc tế và trong nước, cũng như phải rút khoảng 245 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Bình luận về lý do của chuyến thăm này, chuyên gia về Trung Đông Yuri Barmin của Hội đồng Đối ngoại Nga, trong một bài viết đăng trên Moscow Times tuần trước cho rằng, Quốc vương Arập Xêút sang Nga là tìm kiếm sự hỗ trợ của Moskva để kéo dài thời gian thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đến khi nào giá dầu ổn định trở lại như trước năm 2014.

Hôm 4/10, Tổng thống Nga tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục chính sách này cho đến cuối năm 2018. Thực ra trong vấn đề này, ông Barmin cho rằng, Nga cũng cần duy trì thỏa thuận trên để giữ dầu giá cao nhưng Ryad cần điều đó hơn Moskva. Thực tế từ hơn 2 năm qua, Arập Xêút có kế hoạch giảm bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Để có tiền chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Arập Xêút muốn bán 5% giá trị của Tập đoàn dầu khí Aramco ra thị trường chứng khoán quốc tế vào năm 2018.

Theo Bjarne Shieldrop, chuyên gia phân tích tại hãng SEB, giá cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí lớn phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu và việc đưa cổ phiếu của Aramco lên sàn chứng khoán được xem là lý do chính khiến Arập Xêút phải nâng giá dầu lên bằng mọi cách.

Không chỉ tìm kiếm sự ủng hộ của Nga để kéo dài thỏa thuận hạn chế nguồn cung dầu ra thị trường, Arập Xêút cũng muốn tìm các cơ hội làm ăn khác với Nga. Ngày 5/10, Nga và Arập Xêút đã tuyên bố thành lập một quỹ trị giá 1 tỷ USD để đầu tư vào các dự án năng lượng. Phát biểu với đài Sputnik, Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga, cho biết thỏa thuận mới nhất sẽ giúp Nga và Arập Xêút tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu, khí gas, điện và các nguồn năng lượng tái tạo.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Quốc vương Salmane, Sputnik cho biết Arập Xêút đang có kế hoạch đầu tư trong hơn 25 dự án của Nga trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp, tài sản, cơ sở hạ tầng, dầu khí.

Sau cuộc gặp ngày 5/10 với Quốc vương Salmane, Tổng thống Putin cho biết: "Chúng tôi đã nói về quan hệ song phương và tình hình trong khu vực. Đó là một cuộc nói chuyện rất nhiều thông tin và rất tin cậy. Tôi tin tưởng chuyến thăm này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ mới cho sự phát triển quan hệ song phương giữa các quốc gia".

Đáp lại, nhà vua Arập Xêút nói rằng, quan điểm của Moskva và Ryad trùng hợp nhau trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Ông ghi nhận tinh thần thân thiện của phía Nga và khẳng định lại mong muốn tăng cường quan hệ giữa Nga và Arập Xêút trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Quốc vương Arập Xêút cũng đã mời Tổng thống Nga đến thăm nước ông.

Ngoài kinh tế, các nhà phân tích còn chỉ ra những lý do địa chính trị khác trong chuyến thăm Nga của nhà vua Arập Xêút. Chuyên gia về Trung Đông Yuri Barmin cho rằng việc tăng cường hợp tác với Nga nhiều khả năng là một trong những tính toán dài hạn trong chính sách đối ngoại của Arập Xêút, và do xuất phát từ tình hình chính trị trong nước.

Vương quốc Arập Xêút đang tiến vào thời kỳ chuyển giao quyền lực. Con trai của Quốc vương Salmane, hoàng tử Mohammed, được kỳ vọng sẽ trở thành người trị vì tiếp theo. Hoàng tử 33 tuổi này đang thiếu những kinh nghiệm cần thiết và con đường tới vị trí quốc vương tương lai có thể sẽ gặp nhiều thử thách, đặc biệt chương trình phục hồi kinh tế Arập Xêút của hoàng tử bị hoài nghi nhiều. Theo ông Barmin, sau khi đã không mấy thành công trong việc xây dựng hình ảnh cho con trai mình ở trong nước, Quốc vương Salmane đang tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho việc chuyển giao quyền lực sang con trai Mohammed bin Salmane của mình. Nước Nga, với tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng ở Trung Đông, đã trở thành một quốc gia mà sự hậu thuẫn của nó có tầm quan trọng đặc biệt trong kế hoạch chuyển giao quyền lực nói trên.

Nếu như trước đây Nga và Arập Xêút có nhiều cuộc tiếp xúc, nhưng có rất ít sự hợp tác thực chất thì chuyến thăm của Quốc vương Salmane được cho là đặt lại nền móng cho quan hệ Nga - Arập Xêút.

Th.Long

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc