Xứng đáng với danh xưng “Thầy thuốc như mẹ hiền”

07:05 | 26/02/2017

1,331 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy năm qua chúng tôi may mắn được tham gia chấm giải cuộc thi viết về “Sự hy sinh thầm lặng” của các thầy thuốc. Năm nào cuộc thi cũng mang lại kết quả tốt và những cảm xúc, những ấn tượng sâu sắc.

Kết quả tốt được hiểu là cuộc thi phát hiện ra những y sĩ, bác sĩ thầy thuốc tiêu biểu. Họ lặng lẽ làm việc, cống hiến, hy sinh mà hầu như không đòi hỏi gì cho bản thân. Cuộc thi đã qua bốn lần trao giải cho các tác giả, nhưng ý nghĩa đích thực là tôn vinh các thầy thuốc yêu quý của chúng ta. Kết thúc cuộc thi, các thành viên trong ban tổ chức ai cũng lo, liệu rồi năm tới có “tìm” được những tấm gương tiêu biểu? Nhưng rồi mỗi năm lại xuất hiện hàng trăm bài viết về rất nhiều thầy thuốc sáng về y đức, giỏi về y thuật.

xung dang voi danh xung thay thuoc nhu me hien
Đại tá Đỗ Xuân Trường, Giám đốc Bệnh viện Quân y 109, hướng dẫn bà con xã Nậm Ban cách dùng thuốcg “Thầy thuốc như mẹ hiền”

Họ là những bác sĩ hàng chục năm gắn bó với đảo xa, coi người dân trên đảo như người thân của mình. Họ là những giáo sư, bác sĩ vừa giảng dạy vừa trực tiếp điều trị cho người bệnh bằng những phương pháp tiên tiến nhất. Họ là những bác sĩ ngoại khoa được suy tôn là “đôi bàn tay vàng” đã cứu sống hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Có những bác sĩ đứng mổ cấp cứu bệnh nhân hàng chục giờ đồng hồ, khi ra khỏi phòng đã gần như xỉu đi. Họ là những bác sĩ không may mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vừa điều trị cho bản thân vừa hết lòng chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Nghị lực sống, niềm lạc quan của thầy thuốc chính là liều thuốc quý động viên tinh thần người bệnh. Họ là những người làm những công việc rất bình thường như y tá, hộ lý, nhân viên phục vụ, nhưng đã có đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của ngành y tế, làm cho bức tranh y đức ngày càng sáng đẹp.

Đó là những nữ hộ lý không nề hà phục vụ bệnh nhân nặng, chỉ có khái niệm làm hết việc chứ không làm hết giờ. Có nữ hộ lý hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng đã trả lại hàng chục triệu đồng cho người bệnh khi họ bỏ quên tiền trong túi áo. Có chị hộ lý mấy chục năm chuyên làm công việc… vác tử thi! Chị chấp nhận công việc này và chấp nhận luôn việc không lấy chồng. Vì không người chồng nào lại muốn chung sống với một người vợ quanh năm ôm… xác người chết (!).

Có thể dẫn ra rất nhiều câu chuyện hiếm có và cảm động như thế. Nhưng đó là sự thật, không phải là huyền thoại.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng những hành động, nghĩa cử cao đẹp đó.

Tuy nhiên, đó đây vẫn còn không ít chuyện phiền lòng. Chuyện y sĩ, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện sa sút y đức, làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, vòi vĩnh người bệnh và gia đình vẫn còn xảy ra ở không ít nơi. Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, các bệnh viện đã điều tra và kịp thời xử lý, kỷ luật những người làm ăn tắc trách, môi giới, nhận tiền hối lộ. Vẫn biết những hình ảnh, hiện tượng đó không phải là phổ biến nhưng đã gây nên những bức xúc trong dư luận, tạo nên những ấn tượng rất xấu. Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường gây cái chết tức tưởi cho khách, rồi vứt xác phi tang; vụ bỏ quên kéo, quên gạc trong ổ bụng sau mổ; vụ cắt quả thận trái nhầm sang thận phải, thậm chí cắt cả hai quả thận; vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương không cho xe cứu thương chở xác em bé xấu số về quê… là những vết ố trên tấm áo blu trắng.

Nhưng đáng buồn hơn là thái độ của một số thầy thuốc, nhân viên y tế. Khi đến cửa bệnh viện, người thân, gia đình trông đợi tất cả vào bác sĩ. Nhưng, có quá nhiều chuyện khiến người dân lo lắng, buồn phiền. Thái độ lạnh nhạt, thậm chí vô cảm, quát mắng, nói trống không… là chuyện thường gặp ở không ít cơ sở khám, chữa bệnh. Một bác là cán bộ lâu năm tâm sự rằng: Tôi thuộc diện được ưu tiên nhưng rất ít khi tôi đến khám ở bệnh viện nơi tôi có bảo hiểm ở đó. Lý do là, khả năng chuyên môn của bác sĩ ở đây rất kém, hai là lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, phải xếp hàng quá lâu.

Ở đây xuất hiện một câu hỏi: Vì sao dẫn đến hiện tượng sa sút về y đức?

Trước hết, sự xuống cấp đạo đức là do bản thân cán bộ y tế không chịu khó tu dưỡng, rèn luyện. Mà quá trình này diễn ra suốt từ khi còn học phổ thông cho tới đại học. Nguyên nhân chính lại là do những tác động mặt trái của cơ chế thị trường. Sức hút của đồng tiền khiến con người chỉ quan tâm tới lợi nhuận, bất chấp hoàn cảnh, đòi hỏi quá khả năng cho phép, từ đó sao nhãng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, sa sút về trách nhiệm. Còn một nguyên nhân khác là tình trạng quá tải bệnh viện khiến cho các bệnh viện công dù có cố gắng rất nhiều vẫn không thể đáp ứng được mọi yêu cầu khám, chữa bệnh. Từ đó mà nảy sinh tiêu cực, ai cũng muốn được khám nhanh, chữa nhanh, được thầy thuốc giỏi điều trị, nên tìm cách “chạy” bác sĩ.

Những sai phạm về chuyên môn cùng những vi phạm về y đức là lời cảnh tỉnh đối với ngành y tế, của tất cả các thầy thuốc. Chúng ta hoan nghênh Bộ Y tế đã có những quy định cụ thể về đạo đức ứng xử nghề nghiệp. Nói như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế đang hướng đến sự thay đổi về quan niệm: Coi người bệnh là thượng đế. Bệnh viện không có người bệnh thì làm sao tồn tại. Hơn ở đâu hết, ngành y đụng chạm đến sức khỏe và tính mạng của mọi người dân. Sai sót của bác sĩ, y sĩ ảnh hưởng ngay đến sức khỏe và tính mạng của con người. Những tai biến y khoa rập rình hằng tháng, hằng ngày và hằng phút.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng ta chúc mừng các thầy thuốc và đặt niềm tin tưởng lớn nơi các thầy thuốc. Chúc các y sĩ, bác sĩ, cán bộ y tế luôn xứng đáng với danh xưng “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Hải Đường