Xuất hiện 1.000 tảng băng trôi trên biển năm 2017

07:21 | 24/12/2017

544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lực lượng Tuần duyên Mỹ ngày 14-12 thông báo tại hội nghị thường niên diễn ra ở quận New London, tiểu bang Connecticut, có khoảng 1.000 tảng băng trôi xuất hiện trong các khu vực tàu thuyền qua lại trong năm 2017.

Những con số biết nói

Người đứng đầu Tổ chức Tuần tra băng Quốc tế thuộc lực lượng Tuần duyên Mỹ, bà Kristen Serumgard cho biết, các sông băng Greenland đang co lại và bão làm vỡ một lượng lớn băng biển, tạo thành nhiều khối băng trôi. Tổ chức này ghi nhận, có tổng cộng 1.008 tảng băng trôi ở khu vực tàu thuyền hoạt động, trong khi cùng kỳ năm 2016, con số này chỉ là 687 khối băng.

Tổ chức Tuần tra băng Quốc tế phân loại mùa băng trôi theo các cấp độ từ nhẹ, trung bình hay lớn dựa trên số lượng băng. Năm 2017 được xếp vào mùa băng lớn thứ 19 kể từ năm 1900, cũng là mùa băng lớn thứ 4 liên tiếp. Tổ chức này được thành lập sau thảm kịch chìm tàu Titanic hồi năm 1912 có nhiệm vụ loại trừ, giảm thiểu rủi ro tàu thuyền đâm phải băng trôi. Họ thường xuyên thực hiện những chuyến bay thăm dò, để lập biểu đồ thể hiện vị trí của những khối băng.

xuat hien 1000 tang bang troi tren bien nam 2017
Khối băng đang tan trên mặt sông băng Jakobshavn của Greenland

Bà Serumgard nói: “Đôi khi tàu thuyền vẫn không thể phát hiện được băng trôi, kể cả khi chúng được trang bị các hệ thống radar hiện đại. Chúng tôi không muốn sẽ xảy ra một vụ Titanic nữa”.

Dựa trên các số liệu dự báo về băng biển, nhiệt độ không khí và nhiệt độ mặt biển, Tổ chức Canadian Ice Service dự đoán, số lượng tảng băng trôi trong năm 2018 sẽ giảm xuống chỉ còn còn khoảng 500.

Được biết, Tổ chức Tuần tra băng Quốc tế hiện đang tích cực phân tích và sử dụng hình ảnh vệ tinh. Hồi năm 2016, chỉ 2% số băng trôi được phát hiện nhờ vệ tinh, nhưng tỷ lệ này năm nay đã tăng lên 22%.

Bà Serumgard hy vọng, họ có thể dựa hoàn toàn vào hình ảnh vệ tinh, sau đó các máy bay thuộc biên chế lực lượng tuần duyên sẽ thực hiện những nhiệm vụ khác, dù quá trình chuyển đổi có thể mất nhiều năm.

Thực tế, chi phí để sử dụng dữ liệu vệ tinh là khá đắt đỏ và rất khó để phân biệt giữa băng trôi và tàu thuyền trong ảnh, nhất là những khối băng hoặc tàu nhỏ, bà Serumgard nhấn mạnh.

“Thảm kịch tàu Titanic” có lặp lại?

Theo tờ Independent, thông qua hình ảnh vệ tinh, các nhà khoa học xác nhận, một khối băng khổng lồ với trọng lượng 1.000 tỉ tấn đã hoàn toàn tách rời thềm băng Larsen C ở Nam Cực hôm 12-7-2017. Đây được xem là một trong những khối băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

xuat hien 1000 tang bang troi tren bien nam 2017
Khối băng trôi ký hiệu A68, nặng hơn một 1.000 tỉ tấn tách rời khỏi thềm băng Larsen C

Giới nghiên cứu khoa học cho biết, sự đứt gãy xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 10-7 đến 12-7, khi tảng băng 5.800km2 cuối cùng cũng tách khỏi Larcen C. Khối băng trôi ký hiệu A68, nặng hơn một 1.000 tỷ tấn. Thể tích của tảng băng lớn gấp hai lần hồ Erie, một trong “ngũ đại hồ” ở Mỹ.

Kể từ thời điểm khối băng đứt gãy, các nhà khoa học lo ngại nhiều kịch bản khó lường có thể xảy ra. Giáo sư Nancy Bertler tại Trung tâm Nghiên cứu Nam Cực thuộc Đại học Victoria Wellington, New Zealand nhận định, mặc dù không làm tăng mực nước biển nhưng sự đứt gãy của những tảng băng trôi có thể làm gia tăng đáng kể tốc độ băng đất chảy ra biển. Điều này có thể tác động tiêu cực đến nhiều khu vực trên hành tinh.

Chẳng ai có thể dám chắc “số phận” của khối băng khổng lồ đã tách rời. Nó có thể sẽ ở nguyên một vị trí trong nhiều năm tới, hoặc sẽ trôi xa theo các dòng hải lưu rồi hợp thành khối lớn khác, hay bị vỡ thành nhiều tảng nhỏ hơn.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, việc A68 tiếp tục trôi dạt trên biển sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng, khi tảng băng 1.000 tỉ tấn bắt đầu vỡ ra thành nhiều mảnh. Điều này có thể gây nguy hiểm cho các tàu thuyền di chuyển trên biển ở những khu vực gần đó. Từ đó, lo ngại thảm kịch tàu Titanic có thể tái diễn.

Các nhà khoa học được cho là đang làm hết sức để tránh mọi rủi ro từ khối băng trôi lớn nhất lịch sử này.

Trên thực tế, thềm băng đóng vai trò ngăn các sông băng chảy thẳng ra biển. Do đó theo tính toán, trong trường hợp các sông băng ở Nam Cực (vốn được thềm băng Larsen C kiểm soát) chảy thẳng vào đại dương thì mực nước biển toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 10cm.

Minh Quân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc