Xử lý thức ăn dư thừa

14:49 | 30/08/2017

8,455 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi năm, loài người đổ ra môi trường 1,3 tỉ tấn thực phẩm dư thừa, không chỉ làm tổn hại cho nền kinh tế, còn tác động xấu đến nguồn tài nguyên thiên nhiên nuôi sống con người. Đã có nhiều nơi người ta tái chế loại rác thải này bằng các cách khác nhau, nhưng cách của người Australia và Trung Quốc thì không giống ai.

Tạp chí Khoa học và Đời sống của Pháp mới đây có bài viết về việc dùng “giòi tham lam” để xử lý rác thải thực phẩm ở Trung Quốc. Bài báo cho biết, sự lãng phí thực phẩm, một vấn đề toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc vì lý do văn hóa. “Khi người ta mời khách đến nhà hàng, theo phong tục, người ta luôn đặt nhiều món ăn hơn mức cần thiết để thể hiện lòng hiếu khách. Và chắc chắn, những gì còn lại sau bàn tiệc phải đổ đi”, Wang Jinhua, Giám đốc công ty thu gom thức ăn thừa Chengwei Environment nói.

Ở Trung Quốc, mỗi người dân thành thị trung bình thải ra khoảng 150gr thức ăn thừa một ngày và con số này ngày càng tăng. Mỗi năm, 40 triệu tấn rác thải thực phẩm được xả ra trên toàn Trung Quốc (tương đương 29kg/người).

xu ly thuc an du thua
Ấu trùng Hermetia illucens dùng trong tái chế rác thải thực phẩm ở Trung Quốc

Để tái chế các chất dinh dưỡng này, người dân ở đây nuôi rất nhiều “giòi tham lam”. Tác giả bài viết dẫn người đọc đến một trang trại ở tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam, Trung Quốc), nơi hàng nghìn ấu trùng màu trắng được thả vào các bể chứa đầy thức ăn dư thừa như thịt, rau, trái cây, trứng, mì hoặc cơm... “Trung bình, 1kg giòi có thể ăn 2kg rác thải thực phẩm trong 4 tiếng đồng hồ”, Hu Rong, người quản lý trang trại trên cho biết. Những ấu trùng phàm ăn này có tên khoa học là Hermetia illucens, có nguồn gốc ở châu Mỹ. Chúng được coi là những nhà vô địch thế giới về tiêu hóa các “món ăn” đặc biệt: Rác thải thực phẩm, phân, xác động vật và nói chung tất cả các chất hữu cơ mục nát.

“Nếu bạn đặt một con cá vào trong bể, ít phút sau con cá chỉ còn lại bộ xương”, ông Wang minh họa một cách dí dỏm. Công ty Chengwei Environment của ông chuyên thu gom thức ăn thừa ở 2.000 nhà hàng trong thành phố Thành Đô, sau đó bán cho trang trại của bà Hu Rong.

Ngoài lợi ích về môi trường, việc dùng ấu trùng xử lý rác thực phẩm cũng đem lại nguồn lợi kinh tế lớn.

Ưu điểm việc dùng ấu trùng ăn rác thải thực phẩm là người ta không phải đi xử lý chúng. Khi những con ấu trùng đã trưởng thành và “béo ú”, chúng sẽ được đem bán sống hoặc sấy khô, dùng làm thức ăn chăn nuôi. Chúng là nguồn dinh dưỡng rất có giá trị (63% hàm lượng protein và 36% chất béo). Rõ ràng, những con giòi này giúp thu hồi lượng protein và chất béo trong thức ăn dư thừa, sau đó lại đưa vào chuỗi thức ăn của người, thông qua thức ăn vật nuôi. Một ưu điểm khác là phân của loại ấu trùng này có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong nông nghiệp.

Thông qua việc bán ấu trùng sống và phân bón, bà Hu Rong sống thoải mái. Sau khi trừ đi mọi chi phí (tiền mua thức ăn thừa, điện, nhân công, dịch vụ), bà kiếm được 300.000 nhân dân tệ mỗi năm.

Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Sinopec của Trung Quốc đã công bố dự án xây dựng một nhà máy tái chế dầu ăn đã qua sử dụng thành “nhiên liệu sinh học” dùng cho máy bay chở khách tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang vào năm 2018. Đây sẽ là một ngành ăn nên làm ra vì ở Trung Quốc mỗi năm, số dầu ăn đã qua sử dụng trong các nhà hàng, khách sạn lên tới cả triệu lít.

Trong khi đó, tại Australia, những người chống chủ nghĩa tiêu thụ tập hợp thành phong trào có tên Freegans. Ngoài việc phản đối sự lãng phí thức ăn, các thành viên của Freegans tự đi tìm thức ăn trong các thùng rác. “Thật uổng phí khi người ta bỏ đồ còn dùng được vô thùng rác. Nhiều người sẽ sốc khi thấy chúng tôi moi được hàng hóa khá tốt từ nơi chứa đồ bỏ đi” - phát ngôn viên của phong trào Freegans, Adam Weissman cho biết. Liệu thực phẩm bỏ đi có an toàn cho thành viên Freegans? Theo giải thích của Weissman, hiếm khi anh gặp thực phẩm ôi thiu, vì chúng nằm chưa bao lâu trong thùng rác đã có người đến lấy rồi. Vả lại, thống kê về ngộ độc thực phẩm cho thấy, thịt là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh. Nếu ai đó chỉ lấy rau, quả, hoặc là người ăn chay, thì hiếm khi bị ngộ độc.

Theo Weissman, phong trào dùng đồ thừa là hành động bắt buộc nếu muốn cứu trái đất. “Toàn cầu hiện có 900 triệu người sống trong cảnh thiếu ăn. Bên cạnh đó là khủng hoảng sinh thái một cách trầm trọng do con người khai thác tài nguyên quá mức. Hành động tham lam như vậy rõ ràng đe dọa đến tương lai của trái đất” - Weissman nói.

Ăn sâu bọ để cứu hành tinh!

xu ly thuc an du thua
Một chiếc bánh pizza sâu

Các nhà bảo vệ môi trường đang lo ngại trước mức tiêu thụ thịt ngày càng tăng của nhân loại. Đúng là thịt gà, bò, heo rất giàu proteine, nhưng chúng cũng là nguồn phát rất nhiều khí methane, một khí thải gây hiệu ứng nhà kính, còn ô nhiễm hơn cả carbonic (CO2).

Theo các nhà nghiên cứu Hà Lan, trong tương lai không xa, sâu bọ có thể sẽ thay thế thịt trong các siêu thị. Sâu bọ cũng chứa nhiều proteine, nhưng có lợi thế là ít chất béo, mà lại thải rất ít khí CO2, giá lại rẻ hơn nhiều so với thịt. Ăn sâu bọ, côn trùng còn có cái lợi là không sợ bệnh bò dại, không sợ heo tai xanh, không sợ H5N1...

Hơn nữa, với 10kg cây cỏ, ta chỉ tạo ra được 1kg thịt, trong khi một lượng tương đương có thể tạo ra được 6-8kg sâu bọ. Rõ ràng năng suất nuôi sâu bọ cao hơn rất nhiều so với nuôi lợn, bò, gà vịt. Như vậy, để vừa bảo đảm lượng proteine cần thiết, vừa bảo vệ môi trường, vừa tránh được bệnh tật, chúng ta hãy chuẩn bị thưởng thức những món chẳng hạn như “chả giò châu chấu” hoặc món “nhộng tẩm bột chiên giòn xào chua ngọt”. Trong tương lai chắc là nhiều côn trùng sẽ được xay thành bột, để từ đó chế biến thành những món ăn quen thuộc hơn như bánh mì chẳng hạn, như vậy thì ai có sợ côn trùng thì cũng có thể ăn được.

Trong một hội nghị gần đây tại Đại học Wageningen, Hà Lan, nhà côn trùng học Arnold van Huis tuyên bố: “Sẽ tới ngày mà thịt đắt đỏ hơn sâu bọ rất nhiều và số người ăn sâu họ sẽ nhiều hơn số người ăn thịt”. Chẳng qua chỉ là vấn đề tâm lý, vì ai cũng nghĩ là côn trùng, sâu bọ rất bẩn, như nhận xét của Giáo sư Marcel Dicke, Trưởng khoa Côn trùng học của Đại học Wageningen. Bản thân nhà nghiên cứu này cho biết, ông thường xuyên ăn các món sâu bọ.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc