Xử lý hành vi đổ trộm phế thải: Tránh “đánh trống bỏ dùi”!

16:42 | 25/04/2017

2,846 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vài năm trở lại đây, Hà Nội được ví như một "đại công trường" với hàng nghìn công trình xây dựng lớn nhỏ, vấn đề xử lý phế thải xây dựng càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, do chưa có những giải pháp đồng bộ trong việc thu gom, xử lý nên tình trạng đổ rác thải, phế thải diễn ra một cách tràn lan.

Cứ có đất trống là đổ phế thải

Thời gian qua, nạn đổ trộm phế thải liên tiếp diễn ra tại một số địa bàn quận, huyện của Hà Nội. Những bãi đất trống, ao hồ... chưa được xây dựng kè chắn, đường bao là địa điểm lý tưởng của nạn đổ trộm phế thải.

Nằm sát trục đường Võ Chí Công (phường Xuân La, quận Tây Hồ) dự án chung cư Tây Hồ Tây đang trở thành địa điểm lý tưởng của nạn đổ trộm phế thải. Chỉ trong thời gian ngắn, những núi phế thải tại đây đã cao ngang tầng 2 của tòa nhà lân cận, gây ô nhiễm môi trường.

xu ly hanh vi do trom phe thai tranh danh trong bo dui
Tình trạng đổ trộm phế thải đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Ngày 28/3, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng chức năng quận Tây Hồ và phường Xuân La đã có mặt tại hiện trường, bắt quả tang xe tải loại 25 tấn mang biển số 29C-616.55 đang có hành vi đổ trộm phế thải tại khu vực thuộc dự án chung cư Tây Hồ Tây. Trước những vi phạm nêu trên, tổ công tác đã yêu cầu lái xe đưa phương tiện về Công an quận Tây Hồ để xử lý.

Ông Lê Hữu - một cư dân sống tại phường Xuân La cho biết: “Tuyến đường Võ Chí Công vốn thoáng đãng, sạch đẹp, vỉa hè rộng, thường được người già chúng tôi dành làm nơi đi bộ mỗi ngày. Nhưng mỗi sáng thức dậy lại thấy những đống gạch vữa, phế thải xây dựng chất đống chiếm hết cả vỉa hè. Có khi vài ba mét khối, nhưng có khi lên tới cả vài chục mét khối, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân”.

Trước đó, ngày 5/3, người dân tại tổ dân phố số 3 phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt "tại trận" công nhân Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân đổ trộm rác tại gầm cầu vượt đang thi công trên đường Trần Hữu Dực. Sự việc càng làm nóng thêm tình trạng đổ trái phép phế thải xây dựng.

Tình trạng này đã tái diễn liên tục trong rất nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp nào ngăn chặn triệt để, gây ra ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Cần quyết liệt trong xử phạt

Theo thống kê từ Công ty vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày của Hà Nội khoảng 7.000 tấn, trong đó lượng chất thải rắn xây dựng chiếm khoảng 1.500 tấn. Do đó, áp lực cho việc thu gom, xử lý rác của các cơ quan chức năng luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng trên địa bàn thủ đô là rất lớn, để giám sát toàn bộ các công trường xây dựng xem họ đổ phế thải đi đâu là vô cùng khó.

Bên cạnh đó, do các điểm trung chuyển chất thải rắn xây dựng thông thường luôn trong tình trạng quá tải, dẫn đến tình trạng đổ trộm như là điều hiển nhiên. Đã có nhiều trường hợp đổ trộm phế thải bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, nhưng có vẻ như “muối bỏ bể”, không kiểm soát được hết.

xu ly hanh vi do trom phe thai tranh danh trong bo dui
Tình trạng đổ trộm phế thải vẫn chưa được xử lý triệt để.

Theo các văn bản quy phạm pháp luật, các trường hợp đổ phế thải, rác thải không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải khắc phục hậu quả. Nhưng trên thực tế, việc xử lý vi phạm khá phức tạp. Bên cạnh đó, việc phát hiện, xử lý các hành vi đổ trộm phế thải trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao. Một phần là do thủ đoạn đối phó của đối tượng vi phạm ngày một tinh vi. Trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng, địa bàn rộng. Mặt khác, chế tài xử phạt các đối tượng đổ trộm phế thải chưa đủ sức răn đe.

Ngoài ra, việc xử lý đối tượng đổ trộm phế thải vẫn còn sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng. Bởi hiện nay, việc quản lý, xử phạt nạn đổ trộm phế thải xây dựng thuộc rất nhiều ngành, bao gồm Thanh tra Giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng, trong đó, chịu trách nhiệm chung là Thanh tra xây dựng.

Trung tá Nguyễn Xuân Quyến - Đội trưởng Đội 2 Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an thành phố Hà Nội cho biết, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Cơ quan công an gặp nhiều khó khăn do thẩm quyền xử lý bị hạn chế.

"Khi phương tiện vận chuyển phế thải xây dựng để rơi vãi trên đường, cơ quan công an không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mà thẩm quyền lại thuộc về Thanh tra môi trường. Trong khi đó, Thanh tra môi trường lại không được phép dừng các phương tiện để xử lý. Do đó, việc xử phạt vẫn chưa đạt hiệu quả nhất định" - Trung tá Nguyễn Xuân Quyến nói.

Để giải quyết nạn đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng, Trung tá Nguyễn Xuân Quyến cho rằng, Hà Nội cần phải xử lý từ gốc, bố trí kinh phí cho đầu tư, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân thu gom rác thải, phế thải, làm vệ sinh hàng tuần tại các khu đô thị, đường làng, thôn xóm.

Bên cạnh sự phối hợp của các ngành chức năng, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Khi cấp giấy phép xây dựng phải có sự ràng buộc, cam kết yêu cầu nhà thầu đổ phế thải đúng nơi quy định và có điều khoản xử phạt nếu không thực hiện.

Xuân Hinh - Đông Nghi