Xu hướng thị trường xuất khẩu khí đốt thế giới sắp tới

23:45 | 31/07/2012

1,347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo đánh giá, Úc sẽ trở thành nước xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, vượt Qatar, nhờ nguồn tài nguyên khổng lồ ước tính cho phép nước này khai thác hơn một thế kỷ.

 

 

   

Úc sẽ trở thành nước xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong thời gian tới

Có 7/10 dự án LNG lớn nhất thế giới hiện nay đang được xây dựng tại Úc, đã thu hút vốn đầu tư hơn 176 tỷ đôla Úc (150 tỷ euro) kể từ năm 2007. Chris Graham, nhà phân tích của Wood Manckenzie, nói: "Các dự án trên hiện đang tiến triển và sẽ đưa chúng tôi vượt Qatar. Vấn đề chỉ là thời gian”. Qatar, nước xếp số 1 thế giới về sản xuất LNG (sản lượng 77 triệu tấn/năm trong năm 2011) hiện quản lý 3 mỏ khí có trữ lượng lớn nhất thế giới. Các nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu khác gồm Indonesia (số 2), Malaysia (số 3) và Úc (số 4).

    Chính phủ Úc cho rằng nước này sẽ vượt Qatar trước năm 2020, do nhu cầu nhập khẩu LNG từ Trung Quốc gia tăng (năm 2011 tăng 1/3 lượng LNG nhập khẩu). Tiếp đó là Ấn Độ, nước sẽ nhập khẩu LNG tăng gấp ba hiện nay vào năm 2015. Năm 2011, Úc đã xuất khẩu 18,9 triệu tấn LNG, đạt 11,1 tỷ đôla Úc. Nhờ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khai thác đã ký kết hay đang xây dựng, sản lượng LNG sẽ đạt 63 triệu tấn từ nay đến giai đoạn 2016/2017. Các dự án khác cũng có thể cung cấp tới 100 triệu tấn, tức biến Úc thành nước sản xuất số 1 thế giới từ nay đến cuối thập niên này.

    Bộ trưởng Tài nguyên Úc Martin Ferguson đánh giá: "Từ nay đến năm 2017, dựa vào các dự án mới, sản lượng LNG của Úc sẽ tăng gấp 4 lần”. Việc gần các cường quốc mới nổi, như Trung Quốc và Ấn Độ đang khát nguyên liệu, sẽ tạo đà cho nền kinh tế Úc phát triển và nhanh chóng thoát khỏi giai đoạn suy thoái kinh tế 2008/2009. Theo các chuyên gia, LNG sẽ là nguồn năng lượng có nhu cầu gia tăng tại châu Á thời gian tới. Úc sẽ là nhà cung cấp hàng đầu cho các nước Đông Á bởi nước này ít có rủi ro về chính trị. Nhà phân tích Chris Graham nhấn mạnh: “Các nước sẽ có xu hướng gia tăng nhập khẩu LNG từ Úc. Các nước mới nổi đang từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào than đá để chuyển sang sử dụng LNG, nguồn tài nguyên sạch phục vụ sản xuất điện”.

      Bộ trưởng Ferguson mới đây nhận định khí thiên nhiên ngày càng được các nền kinh tế phát triển sử dụng bởi phục vụ nhiều mục đích và thải ra ít khí cácbon hơn các nguồn nguyên liệu hóa thạch khác. Adrian Wood, nhà phân tích của Macquarie Securities, cũng đánh giá Úc sẽ chiếm ngôi số 1 của Qatar từ nay đến 2020, song điều này còn phụ thuộc vào việc khai thác tại Mỹ hay nhiều khu vực khác tại châu Phi. Những khó khăn đối với lĩnh vực khai thác khí đốt của Úc là giá thành tăng cao do ở xa các mỏ khí ngoài khơi, phải mất một thời gian tương đối lâu để xây dựng cơ sở hạ tầng và đòi hỏi những nguồn đầu tư lớn.

      Theo một báo cáo của Phòng tài nguyên năng lượng Úc, vốn đầu tư khai thác được đánh giá ở mức từ 3-4 tỷ đôla Úc/1 triệu tấn công suất, tức cao hơn nhiều so với giá thành đầu tư khai thác khí đốt tại Papua Niu Ghinê hay Ănggôla. Tại Ănggôla, vốn đầu tư khai thác chỉ ở mức 1,7 tỷ USD (1,4 tỷ euro)/1 triệu tấn công suất. Theo bản báo cáo, chi phí khai thác tại Úc được xếp ở mức đắt nhất thế giới, bên cạnh giá chi phí lao động và giá đồng đôla nước này cao. Đổi lại, Úc có hệ thống chính phủ ổn định, an ninh bảo đảm, quyền sở hữu tài sản được quy định rõ ràng… nên khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài.     

Th.Long (Theo AFP)