Xơ sợi nội tiếp sức cho dệt may Việt Nam

07:35 | 25/08/2015

1,381 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm xơ sợi polyester Đình Vũ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là việc hiện thực hóa “cái bắt tay” của hai tập đoàn. Một chủ đề nóng được nhắc đến nhiều lần trong buổi lễ này là lợi ích mà hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với công nghiệp hóa dầu và tương lai dệt may Việt Nam.  

Qua bước gian nan

Cách đây đúng 10 năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 343/2005/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó định hướng rõ việc phát triển ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam. Cụ thể, PVN là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam phải tận dụng thế mạnh về nguyên liệu từ khâu chế biến dầu khí sản xuất ra những sản phẩm nguyên liệu, bán nguyên liệu cho dệt may Việt Nam. Nguyên nhân bởi xơ sợi polyester (thường gọi là xơ sợi tổng hợp) được xác định là nguyên liệu chủ đạo trong tương lai của ngành dệt may thế giới được tạo thành bởi phương pháp trùng ngưng các hóa chất điều chế từ dầu mỏ. Tưởng chừng tất cả điều kiện cần đều có sẵn khi chúng ta có nhà máy lọc dầu, có ngành dệt may với giá trị xuất khẩu hàng chục tỉ USD. Ấy vậy nhưng hiện thực hóa những điều tưởng như đơn giản ấy là cả một quá trình kéo dài đầy gian nan, trắc trở.

00-xo-soi-noi-tiep-suc-cho-xo-soi-det-may-viet-nam
Kiểm tra cuộn xợi Filamen trong phân xưởng Filament

Đầu tiên phải kể đến việc công nghệ hóa dầu là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Kinh nghiệm đi từ lý thuyết, các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đến thực tiễn sản xuất là một con số không tròn trĩnh, đặc biệt khó khăn là không thể định lượng chính xác thời gian thực hiện. Bởi vậy, ngay trước khi có quyết định đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, xét về mặt kinh tế, đây là một sự phiêu lưu, khó lường. Việc để một ngành công nghiệp không khói, lợi nhuận cao như dệt may thoát khỏi cái bóng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của nước ngoài, tránh nguy cơ bị biến thành “sân sau”, thành kẻ chuyên đi gia công cho các “đại gia thời trang” quốc tế thì việc Chính phủ quyết đoán thực hiện dự án xây dựng nguồn nguyên liệu tổng hợp cho dệt may từ công nghệ hóa dầu là hoàn toàn đúng đắn.

Quá trình từ xây dựng, chuyển giao công nghệ, vận hành đến khi ra đời sản phẩm có chất lượng cao, ổn định công suất tối ưu, cung cấp đa dạng loại xơ, sợi tổng hợp theo yêu cầu của doanh nghiệp kéo sợi, dệt Việt Nam, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) - đơn vị thành viên của PVN đã chính thức hoàn thành “sứ mạng kép” tạo ra sản phẩm công nghệ hóa dầu tiên tiến so với thế giới và nguồn cung ổn định, nâng cao giá trị cho dệt may Việt Nam. Sự tham gia vào thị trường xơ sợi tổng hợp của PVTEX đã phần nào đảm bảo mục tiêu đưa tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may lên 60% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Sòng phẳng với xơ sợi ngoại

Sau hơn một năm Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đi vào vận hành thương mại, việc ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc tiêu thụ sản phẩm của PVN và Vinatex là cột mốc đặc biệt khẳng định các sản phẩm xơ, sợi nội địa đã được khách hàng trong nước và quốc tế tin tưởng sử dụng, chất lượng sản phẩm ngày càng được hoàn thiện tương đương với hàng nhập khẩu. Vì những nguyên nhân trên nên trong lễ ký kết thỏa thuận không ít lãnh đạo Bộ Công Thương, PVN, Vinatex đã nói về sự “cởi trói” của ngành dệt may khi có nguồn nguyên liệu nội địa chất lượng cao, sản lượng ổn định. Đặc biệt, đây là thời điểm ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để phát triển trước thềm TPP có hiệu lực.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, người trực tiếp đàm phán TPP về ngành dệt may thì đây là ngành công nghiệp được các nước tham gia TPP bảo vệ lợi ích một cách quyết liệt nhất. Dệt may đặc thù vì đây là công nghệ liên quan đến một trong 2 nhu cầu thiết yếu của con người là ăn và mặc. Mỗi một quốc gia đều có văn hóa mặc khác nhau và vì là lĩnh vực thời trang nên dệt may kiểm soát về thời gian rất nghiêm ngặt. Đơn cử, khi một doanh nghiệp Việt Nam nhận 1 đơn đặt hàng sẽ phải thực hiện chính xác thời gian thực hiện giao hàng. Chỉ cần chậm trễ vài ngày sẽ phải chịu phạt rất lớn, có khi còn mất trắng và sạt nghiệp khi phải đền hợp đồng bởi lô hàng khi chuyển đến tay người nhận đã bị lỗi mốt, lỡ dịp tung sản phẩm, làm mất uy tín của hãng thời trang đặt hàng. Bởi nhiều nguyên nhân trong đó đáng sợ nhất là lô quần áo này có thể bị các đối thủ kịp ăn cắp mẫu mã, chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường. Chính vì vậy, khi có nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ xơ, sợi nội địa thì các doanh nghiệp kéo sợi, dệt may Việt Nam có thể yên tâm chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt thay vì phải mất ít nhất 2 tuần để nhập khẩu 1 lô xơ từ nước ngoài về Việt Nam, phải bỏ chi phí bến bãi, hải quan, lưu kho mới có nguyên liệu để sản xuất thì nay chỉ trong vòng 2 ngày kể từ khi đặt hàng PVTEX đã có thể cung cấp đơn hàng xơ, sợi polyester theo yêu cầu đến tận cửa nhà máy dệt, kéo sợi.

Thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm xơ sợi giữa PVN và Vinatex, hai lĩnh vực tưởng chừng không liên quan đến nhau là dầu khí và dệt may đã xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ chặt chẽ và toàn diện giữa hai Tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Đồng thời mở ra nhiều nhiều lĩnh vực mới như hợp tác mở rộng thị trường xuất khẩu, đào tạo nhân sự, đánh giá chất lượng sản phẩm… trên cơ sở lợi ích song phương và nâng cao giá trị thương hiệu của cả hai bên.

Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường hơn một lần nhấn mạnh đây là sự ký kết đúng nghĩa sòng phẳng, công bằng trên nguyên tắc thị trường là cạnh tranh. Đây là một cách đánh giá vị thế và triển vọng xơ sợi nội địa của một nhà kinh doanh dệt may hàng đầu Việt Nam bởi xơ sợi Đình Vũ đang còn rất non trẻ so với các doanh nghiệp nước ngoài nhiều kinh nghiệm, lợi nhuận cao bởi đã hết khấu hao nhà máy. Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh: “Các đơn vị trong Vinatex đã và đang tiếp tục nâng cấp, mở rộng, thay thế các dây chuyền nhà máy sợi. Trong năm tới Vinatex sẽ có thêm ít nhất 100 ngàn cọc sợi. Các đơn vị của Vinatex cam kết sử dụng ít nhất 50% tổng nhu cầu về xơ polyester Đình Vũ, đối với các dự án, nhà máy kéo sợi mới sẽ sử dụng 100% ngay từ đầu”.

Lãnh đạo Vinatex cũng lý giải tại sao phải sau hơn 1 năm sản phẩm xơ sợi nội xuất hiện trên thị trường các đơn vị của Vinatex mới thể hiện “nhiệt tình” tiêu thụ xơ sợi Đình Vũ. Thực tế các đơn vị của Vinatex như Dệt Phong Phú, Nam Định… đã tiên phong dùng thử sản phẩm xơ sợi nội địa ngay từ khi Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành chạy thử. Mặt khác, mỗi doanh nghiệp kéo sợi của Vinatex khác nhau về công nghệ, dây chuyền thiết bị nên thời gian nâng sản lượng xơ sợi nội vào sản xuất cũng khác nhau. Đặc thù của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là tính chỉ định toàn tuyến rất cao. Hiện nay trước khi thực hiện một lô sản phẩm dệt may doanh nghiệp Việt Nam phải làm theo yêu cầu của khách hàng từ khâu xuất sứ xơ, sợi, kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Chính vì vậy, để đưa xơ sợi Đình Vũ vào sản xuất chính các doanh nghiệp Việt Nam phải chào hàng với các đối tác, gửi mẫu sản phẩm để khách hàng kiểm tra, đánh giá chất lượng, nhuộm thử. Sau khi khách hàng đồng ý mới cho phép đưa xơ sợi nội địa vào sản xuất.

Thành công bước đầu của xơ sợi nội địa đã cho thấy tín hiệu đáng mừng của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Đây là minh chứng cho điều rất thực tế là chỉ khi nào các doanh nhân, doanh nghiệp thấy được lợi ích thực tế, lâu dài mới có thể “chung tay” phát triển.

Thành Công

Năng lượng Mới 450

DMCA.com Protection Status