Xin đừng lãng phí thế này!

07:10 | 05/09/2015

2,778 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi câu chuyện về hiệu quả của các điểm bưu điện văn hóa xã chưa kịp lắng, có lẽ những nhà hoạch định chính sách lại thêm một lần mong muốn tìm từ những “thành quả” hiếm hoi của mô hình ấy để gây dựng một mô hình mới “hoành tráng” hơn: nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản (1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới).

lam phat bao tang

Lạm phát bảo tàng

Đã từ lâu, câu chuyện bảo tàng vốn vẫn bị coi là xưa cũ như… chính hiện vật trong bảo tàng ấy lại trở nên “nóng” và cấp bách hơn bao giờ hết. Lý do của “độ nóng” này xuất phát từ thông tin về dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội với mức đầu tư lên đến hơn 11.000 tỉ đồng. Số tiền đầu tư quá lớn, cộng thêm hiện trạng “đìu hiu” của những bảo tàng đã đi vào hoạt động khiến dự án này càng trở nên… quá sức đối với ngân sách quốc gia.

Chúng ta cảm phục người đã nghĩ ra mô hình bưu điện văn hóa xã vào những năm 1998-2007. Tính ra, chúng ta đã triển khai xây dựng 8.021 điểm, trong đó có 1.524 điểm ở các xã đặc biệt khó khăn. Xin nhắc lại, lúc đó, bình quân cứ 25.500 người trên diện tích 110km2 mới có 1 bưu cục.

Phải nói rằng, với điều kiện kinh tế, xã hội nước ta thời điểm ấy, với trình độ khoa học - công nghệ của Việt Nam và thế giới thời điểm ấy, thậm chí với thành công của ngành bưu điện (bao gồm cả bưu chính và viễn thông) vào thời điểm ấy, mô hình này thực sự là một bước đột phá đem đến cho người dân, đặc biệt là bà con các xã đặc biệt khó khăn, thiếu thốn có thêm những phương tiện sinh hoạt mới, như điện thoại, sách, báo giúp họ nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần.

xin dung lang phi the nay
Nhà văn hóa thôn Cam Đoài, Thái Bình

Chỉ tiếc rằng, cái mô hình đặc biệt ấy của ngành bưu điện mà một thời được coi là biểu tượng của tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhưng cho đến nay sức lan tỏa đang có vẻ hụt dần. Bởi, hình như không phải ngành chức năng của huyện nào, tỉnh nào cũng sẵn sàng dành một phần kinh phí tiếp tục đầu tư để đổi mới phương thức tiếp cận thông tin cho người dân khu vực, khi mà khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày?

Chính vì thế, cái bưu điện văn hóa xã từng là điểm đến sinh hoạt cộng đồng của bà con các xã, thôn, bản hôm nào; thì hôm nay tại không ít nơi, xem ra nó có vẻ như đang bị phủ lên bao lớp bụi dầy.

Nói lại câu chuyện này để chúng ta cùng suy ngẫm, khi mà chỉ dăm năm qua, không ít cơ sở phải phấn đấu đạt cho được 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về “cơ sở vật chất văn hóa” quy định rõ: Nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn phải đạt chuẩn và đạt quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).

Và vì thế, theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, hiện cả nước đã có tới hơn 5.000 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa đạt “chuẩn”, trên 54.000 thôn, làng, ấp, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt “quy định”. Tuy nhiên, xem ra hiệu quả sử dụng của các khu nhà sinh hoạt cộng đồng này đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Bởi, cứ theo như báo cáo điều tra của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), thì hơn một nửa số nhà văn hóa hiện nay đang hoạt động một cách… không hiệu quả. Báo cáo còn chỉ rõ rằng, tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, 70% nhà văn hóa cộng đồng không thu hút được bà con tới tham gia sinh hoạt.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Nhưng, để biến chủ trương ấy thành thành quả thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước, lại đòi hỏi các ngành chức năng phải tìm cho ra biện pháp thực hiện đạt hiệu quả nhất.

Người làm văn hóa trước hết phải hiểu biết về văn hóa, phải đi trên đôi chân của văn hóa mới thấu hiểu được những giá trị của văn hóa làng - xã Việt Nam. Có như thế mới chọn được cho làng này, bản khác, ấp kia… cái mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng vừa phù hợp với xu thế phát triển nhưng lại không thể mất đi bản sắc dân tộc, bản sắc vùng miền.

Đâu phải cứ xây cho đủ từ 80-100 chỗ ngồi cái nhà văn hóa thôn, bản, ấp trên diện tích từ 30-500m2 theo quy hoạch để đạt “quy định” thì nơi ấy sẽ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng?

Bởi, với mỗi người Việt Nam, dù được trải qua tới 70 năm sau ngày cách mạng thành công và dù đã tiếp nhận cũng như thay đổi không ít nếp sinh hoạt cùng trào lưu văn hóa; nhưng, văn hóa làng xã Việt Nam từ mái đình xưa đến trụ sở thôn, xã, bản hôm qua… dường như đã trở thành cái cốt hồn dân tộc để mỗi người con dân Việt dù ở đâu, đi đâu cũng nhớ về nơi ấy.

Chính lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt đã chỉ cho chúng ta thấy rõ nhất cái giá trị trường tồn của văn hóa làng, xã Việt Nam. Vì thế, cũng xin các nhà hoạch định chính sách có liên quan đến văn hóa, đừng lãng phí công sức và của cải khi cố dựng lên cái mô hình nhà văn hóa - thể thao thôn, bản, để làm nơi cho nắng - gió - mưa - bụi dừng chân?

Nguyễn Hòa Bình

Năng lượng Mới 454

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc