Xét tuyển vào đại học: Tốn kém vẫn hoàn… tốn kém!

07:00 | 12/08/2015

2,296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng đã quá phần nửa nhưng nhiều thí sinh và ngay cả các trường cũng vẫn còn đang rất… bối rối.

Những bài học rút ra từ kỳ thi “2 trong 1” đầu tiên

Những bài học rút ra từ kỳ thi “2 trong 1” đầu tiên

Thế là kỳ thi “kép” lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng đã căn bản hoàn thành. Với tổng số lượng ngày thi, môn thi đều ít hơn nên nhiều người đã kỳ vọng sẽ giảm được sự căng thẳng, mệt mỏi, tốn kém cho thí sinh và toàn xã hội.

Quá rối ren

Có lẽ ít ai ngờ việc dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) lại gay cấn và nhiều rối ren như hiện tại. Đã có ý kiến hài hước cho rằng: Cách xét tuyển ĐH năm nay như đang đưa thí sinh vào cuộc chơi… chứng khoán.

Điều đó quả không sai!

Bởi như những năm trước, sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) công bố điểm sàn, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 dự kiến và về cơ bản các điểm này sẽ là điểm trúng tuyển chính thức, vì trường đã nắm được lượng thí sinh có nguyện vọng 1 thi vào trường. Nhưng năm nay, việc “bước” được vào trường ĐH hay không, có yếu tố nhờ vào… may rủi, bởi một phần tự quyết nằm trong tay thí sinh.

Xét tuyển vào đại học: Tốn kém vẫn hoàn… tốn kém!
GS Trần Xuân Nhĩ

Lần đầu tiên, thí sinh dùng điểm của kỳ thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng. Trong trường hợp thấy không “an toàn” thì thí sinh có thể rút hồ sơ nộp trường khác. Các trường căn cứ trên thực tế nộp hồ sơ Đăng ký xét tuyển của thí sinh, sau ngày 20-8-2015 sẽ công bố điểm trúng tuyển chính thức. Hiện tại, cứ 3 ngày các trường lại cập nhật số hồ sơ xét tuyển 1 lần để tiện cho thí sinh theo dõi.

Chính từ quyền được tự quyết định này mà kể từ ngày các trường nhận hồ sơ xét tuyển là ngày 1-8-2015, các thí sinh bắt đầu quay cuồng với cuộc chơi, nộp - rút - nộp… hồ sơ. Khi lượng hồ sơ xét tuyển nộp vào các trường đều biến động từng ngày, thì cả thí sinh và các trường ĐH, CĐ đều chưa có gì chắc chắn.

Với kết quả thi 21 điểm cả 3 môn Toán - Lý - Hóa, Đỗ Mạnh Toàn (Đống Đa - Hà Nội) phân trần: “Em đang chờ xem tình hình để tới ngày 15 này mới quyết định sẽ nộp hồ sơ vào một trong hai trường mà em thích. Nhưng em cảm thấy lo lắng vì những ngày này điểm của em vẫn ở ngưỡng an toàn, song rất có thể ngày cuối cùng sẽ có thêm các hồ sơ khác nộp vào, thì em lại bị bật ra. Khi ấy, liệu em có kịp rút hồ sơ? Em thấy thực sự hoang mang”.

Đa phần các thí sinh đều có tâm trạng như Toàn. Bởi khi thí sinh đã biết điểm rồi, nên cuộc đua vào các trường Top trên cực kỳ gay cấn. Ngay từ 3 ngày đầu, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH như: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hay Trường ĐH Ngoại thương… đã rất đông thí sinh đến nộp hồ sơ. Điểm của các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường này toàn điểm thuộc Top nên đã rất nhiều trường hợp thí sinh không tự tin đã phải rút hồ sơ. Câu hỏi chủ yếu được đặt ra trong thời gian này của các thí sinh là: Liệu có đỗ vào ngành này không?

Những câu hỏi này thật khó trả lời, bởi điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc vào số lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH ở từng trường. Thế nên, thí sinh cứ luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với thực tế phải… rút hồ sơ.

Trong khi thí sinh đang trong tình trạng “ngồi trên lửa” thì các trường ĐH, CĐ cũng không hơn. Tính đến thời điểm này, dù mới đi hơn nửa chặng đường xét tuyển NV1 vào các trường ĐH, CĐ nhưng bên cạnh nhiều trường/ngành được xem như đã “về đích” thì vẫn còn không ít trường thấp thỏm… chờ thí sinh.

Tại Hà Nội, số lượng trường ĐH công bố danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển rất ít, ở một số trường top dưới con số công bố cũng chỉ dừng lại ở vài chục. Chưa kể, các trường CĐ lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển thấp, thậm chí là không có hồ sơ xét tuyển. Bởi theo như cách xét tuyển năm nay, cơ hội vào học các trường ĐH của thí sinh là rất lớn. Mỗi thí sinh có đến 4 nguyện vọng xét tuyển vào các trường, thành thử rất có thể đến tận tháng 11 (đợt cuối xét nguyện vọng - PV) thì thí sinh mới quan tâm đến hệ CĐ.

Khe cửa hẹp

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra lời khuyên thí sinh nên rút hồ sơ trước ngày 19-8. Trong thời gian này thí sinh cần thường xuyên theo dõi để biết vị trí của mình trong danh sách các ngành đã đăng ký. Nếu ở dưới mức an toàn, thí sinh chuyển sang ngành có điểm thấp hơn. Nếu không còn ngành nào có điểm thấp hơn điểm thì nên xin rút hồ sơ nộp vào trường khác.

Thông thường theo tâm lý, nhiều thí sinh và phụ huynh cố gắng chờ đến phút chót để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, rủi ro ở chỗ có thể sẽ nhiều người chung suy nghĩ nên việc rút và nộp hồ sơ vào ngày cuối cùng sẽ quá tải.

Trong những ngày “đỉnh điểm” này, ThS Lê Việt Anh - Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương khuyên thí sinh không nên nhìn danh sách điểm nộp hồ sơ mà lo sợ. Bởi hiện tại, số liệu các trường công bố trên trang web của trường 3 ngày một lượt rất khó có thể xác định chính xác vị trí điểm của mình.

Hơn nữa, mỗi trường lại có một cách sắp xếp riêng, chưa kể trong số đó mỗi thí sinh lại được xét 4 nguyện vọng, nghĩa là nhân lên gấp 4 lần. “Nếu không hình dung được bản chất vấn đề, chúng ta sẽ thấy số lượng hồ sơ nộp quá nhiều, nên rất có thể dẫn đến việc lo lắng và thí sinh sẽ đưa ra quyết định không chính xác” - Th.S Lê Việt Anh nhận định.

Ban đầu khi tổ chức kỳ thi “kép” THPT quốc gia 2015 lấy kết quả để xét đỗ tốt nghiệp THPT và vừa dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nhiều kỳ vọng cho rằng kỳ thi 2 trong 1 sẽ tiết kiệm được chi phí cho thí sinh, cũng như xã hội. Thế nhưng, những gì đang diễn ra lại thể hiện bất cập, bởi ngoài việc thấp thỏm “canh” trang web của trường để biết thông tin, thì đã rất nhiều thí sinh khá tốn kém khi phải đi đi, lại lại trường đăng ký hồ sơ để nộp rồi… rút hồ sơ. Thêm nữa, nếu có hiện tượng “tháo chạy” rút hồ sơ thì các trường lại rơi vào tình trạng thiếu thí sinh.

Cũng từ hiện tượng nộp rồi rút hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng như trên, lại nảy sinh một thực tế là việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay còn quá kém.

Điều này đã khiến GS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam buồn bã nói: “Việc thí sinh lúng túng trong khâu chọn trường cho thấy một thực trạng đáng lo ngại việc về định hướng nghề nghiệp của đại bộ phận giới trẻ hiện nay. Thí sinh đã học tới THPT rồi mà khi chọn trường cứ như đang đứng trước ngã ba đường, chưa biết mình muốn gì, chỉ nhăm nhăm chọn cơ hội chắc ăn vào ĐH chứ không phải chọn ngành mà mình yêu thích thì đó quả là sự thất bại của ngành giáo dục”.

Anh Huyền

Năng lượng Mới 447