Dự thảo mới của Bộ GD&ĐT:

Xét tốt nghiệp THPT giao cho trường - liệu có khách quan?

13:38 | 26/04/2017

447 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do GS Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên.  

Theo nội dung của dự thảo thì trong tương lai, học sinh không phải trải qua kì thi THPT như hiện nay. Việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho các cấp trường căn cứ vào đánh giá định kỳ năng lực học sinh. Học sinh chỉ cần hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhà trường sẽ xét và cấp bằng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, với thực trạng cơ sở vật chất cũng như điều kiện giáo dục chưa đồng đều ở các địa phương trên cả nước thì việc xét tốt nghiệp sẽ khó có sự khách quan.

Trên thực tế, bằng tốt nghiệp THPT là cơ sở để các trường trung cấp, cao đẳng và đại học xem xét và có sự lựa chọn đối với các học sinh. Hơn nữa, tình trạng tiêu cực trong giáo dục, xin điểm vẫn tồn tại là điều đáng lo ngại cho sự công bằng khi xét tốt nghiệp THPT.

Theo khảo sát của PV PetroTimes, có không ít học sinh không đồng tình với dự thảo này. Có lẽ, những ý kiến này sẽ là cơ sở để Bộ GD&ĐT nhìn nhận, đánh giá và có sự điều chỉnh hợp lý để xây dựng nền giáo dục văn minh, công bằng, chất lượng.

Nội dung dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nêu: Ở cấp THPT xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở THCS tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở THCS tách thành các môn Lịch sử, Địa lý…).

Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi; hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản; tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.

Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3/12 môn học còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Thảo Ngân