Xây dựng nông thôn mới, đừng chạy theo thành tích!

07:20 | 17/04/2016

1,872 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Một đất nước có tới gần 70% số dân sinh sống ở nông thôn thì yêu cầu tập trung  xây dựng nông thôn giàu đẹp càng trở nên khẩn thiết.

Khi nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nói đến việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đưa cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp phải phấn đấu là chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ. Đó là nông nghiệp còn vấn đề nông thôn, nông dân thì sao? Đó là mối quan hệ khăng khít, tác động qua lại với nhau.

Không thể xây dựng nông thôn mới khi sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Đời sống vật chất, tinh thần của nhà nông không thể khá giả khi hạ tầng kinh tế nông thôn thấp kém, khi ruộng đất manh mún, năng suất lao động thấp. Vì vậy, chủ trương xây dựng nông thôn mới đề cập toàn diện các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, thể hiện qua 19 tiêu chí.

xay dung nong thon moi dung chay theo thanh tich

Đến nay cả nước đã có 10 huyện và 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là nỗ lực rất cao, trong đó bên cạnh sự hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước, cần ghi nhận  sự đóng góp tích cực của bà con nông dân. Tuy nhiên, đánh giá thực chất chất lượng các địa phương hoàn thành 17-19 tiêu chí còn thấy nhiều băn khoăn. Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng chạy theo thành tích, chạy theo tiến độ, “về đích” bằng mọi giá, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn.

Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, có đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi: Có thật sự tin tưởng vào việc các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới? Chỉ dẫn ra một việc, trong vòng hơn 2 năm, công ty đầu tư đa cấp liên kết Việt lừa đảo tới gần 60 nghìn người, thiệt hại lên đến 1.600 tỉ đồng. Thế thì tại sao có thể đánh giá cán bộ xã “đạt chuẩn”? Tại sao đánh giá trình độ dân trí cao, thực hiện tốt công khai, dân chủ ở cơ sở? Rồi khi những người dân gặp nạn, mất trắng từ vài trăm triệu đến bạc tỉ, kêu lên chính quyền thì từ ông chính quyền xã, huyện cho đến tỉnh đều “không biết” hoặc lờ lớ lơ cho qua chuyện. Một nông thôn mất an ninh, trật tự như thế liệu có “mới” không?

Bệnh chạy theo thành tích còn thể hiện ở chỗ nhiều nơi đua nhau xây nhà văn hóa, xây chợ, xây cổng làng… rồi bỏ hoang. Có một xã ven đô huy động sức dân đóng góp xây cổng làng lên đến hàng tỉ đồng, trong khi kinh tế nơi đây còn rất khó khăn, nhiều hộ dân sống chủ yếu bằng “nghề” buôn thúng bán bưng. Dân kêu, cán bộ đốc thúc thu tiền xây cổng làng còn rát hơn thu thuế.

Có thể dẫn ra một số công trình xây dựng gây tốn kém, lãng phí: Chợ Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) từ lúc khởi công xây dựng đến khi hoàn thành mất gần 2 năm, tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỉ đồng. Vậy mà lúc chợ xây xong lại không được đưa vào hoạt động. Chợ bị bỏ hoang, các công trình, hạng mục phơi sương, phơi nắng dần hư hại. Còn người dân thì cứ “lối cũ ta về”, rau có non thì tiền mới đắt, tiện ngõ, gần đường. Rồi đến một chợ khác, chợ Sơn Kỳ ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Chợ này xây dựng và sửa chữa mất hơn 1,3 tỉ đồng. Thế nhưng, hàng chục năm trôi qua chợ vẫn bỏ hoang vì bà con dân tộc thiểu số không quen họp chợ ở những nơi mà bà con bảo như chui vào cái hộp.

Đấy là chợ, còn nhà văn hóa thì sao? Về nhiều xã nông thôn mới thấy cái nhà văn hóa được xây dựng tốn kém nhưng hầu như tê liệt. Nhà không có bàn ghế, loa đài, sách vở. Cả tháng chính quyền, đoàn thể họp đôi lần. Có nơi người ta biến nơi đây thành cái kho chứa, từ phân hóa học, thuốc trừ sâu đến cả kèn trống phục vụ tang lễ…

Nhà văn hóa huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) là một thí dụ. Tổng mức đầu tư lên tới hơn 9 tỉ đồng. Mặc dù công trình được đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng tới nay vẫn chưa được nghiệm thu. Chưa nghiệm thu nhưng công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng, kẻ qua người lại đều thấy xót xa, giá như số tiền đó được đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, hay xây dựng nhà tình thương cho người nghèo?

Việc chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới phần nào làm hạn chế những kết quả tích cực của phong trào rộng lớn này. Ban chỉ đạo các cấp đã nhận thấy và điều chỉnh. Tuy nhiên, điều đáng nhắc lại nhiều lần, không còn phải để cảnh báo đâu, mà là bắt tay sửa ngay, thật quyết liệt. Đó là ô nhiễm môi trường tự nhiên và ô nhiễm môi trường văn hóa. Môi trường tự nhiên thì đã rõ. Nông thôn mới bao nhiêu xã được công nhận rồi, sao về làng vẫn thấy những dòng sông chết, những cái ao chết đen ngòm, bốc mùi xú uế? Rồi rác thải chất đống từ ngõ ra đồng. Cái rác của người giàu kinh khủng hơn nhiều so với rác của anh nông dân nghèo ngày xưa. Thì ra lý do vì sao mà một năm cả xã có tới vài chục trường hợp mắc bệnh ung thư là do đây chứ còn đâu nữa: Do ăn phải thực phẩm bẩn và do môi trường ô nhiễm. Ở thành phố còn có công ty môi trường, ở nông thôn thì ai là người dọn rác? Có chăng mới là cách giải quyết tự phát, mỗi nơi một cách.

Ô nhiễm môi trường văn hóa thấy rõ trong việc sống lại các hủ tục. Cả nước 1 năm có tới hơn 8.000 lễ hội. Vậy thì làng nào mỗi năm chả có vài lễ hội. Lễ hội lê thê từ tháng Giêng qua tháng Ba, từ tháng Chín, Mười qua Mười một, Chạp. Lễ hội từ xã lên huyện, lên tỉnh, rẽ lối sang tỉnh bạn. Chao ôi, nông thôn mới đi liền văn hóa mới, sao lại phục hồi nhiều thứ lễ lạt lạ kỳ. Tháng Hai, tháng Ba nhằm tiết thanh minh, họ lớn họ bé trong làng thảy đều giỗ họ, rổn rảng, bung biêng, từ sớm đến khuya. Rồi rượu chè cờ bạc, đánh nhau chảy máu đầu là chuyện thường thấy ngày xuân.

Có người cắt nghĩa, bây giờ do tình trạng thiếu việc làm, do thời gian nông thôn nông nhàn nhiều, người thành phố thì ngày lễ, ngày nghỉ quá dài nên mới nghĩ ra nhiều cách chơi. Chơi cũng có kiểu có cách, có hội có phường, nghề chơi cũng lắm công phu kia mà. Nhưng chơi chỉ theo cách… đi lễ, cướp lộc, xin ấn, chọi trâu, chém lợn thì thậm nguy. Chưa nói những biến tướng nguy hại của các lễ hội, trò chơi dân gian dẫn tới sự lệch chuẩn về thẩm mỹ, dẫn tới sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Ngành văn hóa đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, rồi cấm tiệt một số hoạt động trong lễ hội phản cảm, mang tính bạo lực. Cấm rồi thì phải quản, nếu không hễ lơi ra là tệ nạn lại ngóc đầu dậy.

Chạy theo thành tích là một căn bệnh có nguồn gốc sâu xa là tư tưởng phong kiến trọng danh hơn thực, “một miếng giữa đàng hơn một sàng xó bếp”, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Bất cứ phong trào gì, có sơ kết, tổng kết, có khen thưởng là người ta nghĩ ngay đến việc “chạy” thành tích. Xây dựng nông thôn mới là công việc cấp thiết, nhưng cũng là công việc dài lâu, bền vững. Vì thế cần phải chống khuynh hướng làm dối, làm ẩu, huy động sức dân quá mức hoặc xây dựng các công trình gây tốn kém nhưng hiệu quả không bao nhiêu. Mới đây về thăm huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, một huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lưu ý, không được bằng lòng, chủ quan với những tiêu chuẩn nông thôn mới đã đạt được. Phải thấy những mặt chưa làm được, những mặt còn trì trệ để giải quyết, sửa chữa, khắc phục. Có như thế danh hiệu nông thôn mới mới bền.

Chợt nhớ lời một danh nhân: Không gì chóng cũ bằng chính cái mới. Mong sao chương trình xây dựng nông thôn mới của chúng ta luôn sớm nhận ra cái cũ trong bản thân nó, để điều chỉnh, để vượt qua.

Hải Hà

Năng lượng Mới 514

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc