Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn: Quá khó!

15:18 | 13/05/2016

1,024 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến thời điểm này, cả nước mới có 280 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Con số này là quá ít ỏi, trong khi người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn thực phẩm bẩn. Nhưng thực tế, việc xây dựng các chuỗi cung ứng này không hề dễ dàng.
tin nhap 20160513151624
Ảnh minh họa.

Đã hình thành 280 chuỗi

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 4/2016, cả nước đã có 35 tỉnh, thành phố hình thành chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với tổng số 280 chuỗi. Các sản phẩm chính trong chuỗi là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản.

Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ; sản phẩm từ các chuỗi được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) của cơ quan chức năng; kết quả giám sát ATTP sản phẩm của chuỗi phần lớn đạt yêu cầu. Sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá bán cao hơn so với sản phẩm khác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng 1 (Nafiqad) cũng thừa nhận một thực tế: Hiện nay, việc hình thành các chuỗi đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Điển hình như, một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định. Khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ. Giá bán sản phẩm chưa đạt như mong muốn của người sản xuất. Chi phí cho bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi, người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm trong và ngoài chuỗi.

Việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có văn bản quy định nên cơ quan chức năng còn chậm triển khai. Quy mô sản xuất cũng như sản lượng cho mỗi chủng loại sản phẩm còn ít, sản xuất tập trung vào thời vụ chính, chưa thành sản xuất hàng hóa lớn.

“Kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rau quả an toàn nói riêng của người dân còn hạn chế nên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (đặc biệt là sản phẩm rau quả) đang bị hàng Trung Quốc cạnh tranh gay gắt về mẫu mã và giá cả”, ông Hưng nhấn mạnh.Ở góc độ của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm an toàn theo chuỗi, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH BigGreen Việt Nam cho biết: Hiện nay, khi đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nói chung và rau quả an toàn nói riêng cần lượng vốn lớn và thời gian dài nên các doanh nghiệp gặp khó khăn. Quỹ đất để xây dựng kho bãi, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn trong thành phố lớn gần như không có.

Ví dụ, khoai tây Đà Lạt giá 24.000-25.000 đồng/kg nhưng khoai tây Trung Quốc chỉ có giá 15.000-16.000 đồng/kg. “Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp nào đó để người dân nhận biết, phân biệt rõ các loại mặt hàng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Về việc xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, theo ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản Sơn La, muốn xây dựng thành công, quan trọng nhất là khâu giám sát hiện trường thực tế, đặc biệt ở khâu  sản xuất.

“Hiện nay, số lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng khá nhiều, mỗi năm danh sách này lại dày thêm nên việc tư vấn loại thuốc bảo vệ thực vật thực sự đặc hiệu rất khó khăn. Nếu danh sách cứ dày lên như thế thì sẽ rất khó khăn trong kiểm soát”, ông Cường nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, để xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản an toàn thành công, Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá để mọi người (người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng) biết kiến thức về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông sản an toàn; tăng cường công tác thanh - kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, phân tích đánh giá mẫu sản phẩm ở vùng sản xuất và ở cơ sở kinh doanh, đồng thời có chính sách hỗ trợ việc phân tích mẫu sản phẩm nông sản an toàn cho doanh nghiệp; cần tạo cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, như: Xe ô tô chở nông sản an toàn được lưu thông trong thành phố, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian đầu, miễn thuế (VAT) sản phẩm nông sản an toàn… ; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp kinh doanh nông sản an toàn với các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các tổ chức nước ngoài... để trao đổi thông tin, chuyển giao, tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Về công tác kiểm soát sau khi sản phẩm có xác nhận an toàn, ông Thuận cho rằng, định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất (khi cần thiết), cơ quan xác nhận kiểm tra thực tế việc tuân thủ các nội dung đã được xác nhận và lấy mẫu thẩm tra khi cần thiết. Trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi không tuân thủ quy định hoặc mẫu kiểm nghiệm khẳng định không đạt yêu cầu theo quy định về ATTP, cơ quan chức năng sẽ huỷ bỏ xác nhận, công khai và áp dụng biện pháp xử lý theo quy định hiện hành. Cơ sở vi phạm có trách nhiệm điều tra xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục và đăng ký để cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá hiệu quả khắc phục khi xem xét, xác nhận trở lại.

Theo ông Trần Mạnh Chiến, chuỗi cửa hàng rau Bác Tôm, thực tế ở các địa phương hiện nay vẫn đang có sự chồng chéo trong quản lý các chuỗi cung ứng sản phẩm, có nhiều cơ quan cùng kiểm tra một nội dung. Thứ hai là các đối tác tham gia trong chuỗi là hộ gia đình nên không có đăng ký kinh doanh ở địa phương, vì vậy, nhà nước cần xây dựng quy chuẩn để phù hợp với mô hình quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy chương trình dồn điền đổi thửa kết hợp với xây dựng chuỗi sản xuất an toàn để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đại diện Công ty CP Đầu tư thương mại VietRAP cho biết, khó khăn lớn của doanh nghiệp là làm sao có vùng nguyên liệu ổn định, trong khi việc liên kết với nông dân còn nhiều khó khăn; chi phí đầu tư dây chuyền sơ chế rất lớn. Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ dân, vì vậy vai trò của hợp tác xã (HTX) rất quan trọng nhưng rất tiếc là mô hình HTX kiểu mới đảm bảo hoạt động như một doanh nghiệp hiện nay còn hiếm.

Từ thực tế triển khai ở địa phương mình, theo ông Cường, để xây dựng thành công chuỗi sản xuất, cung ứng rau an toàn, cần quan tâm thực hiện tốt những nội dung như: Xác định rõ xây dựng chuỗi rau an toàn để bán cho ai (siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng rau an toàn), từ đó thống nhất chủ trương với UBND huyện, thành phố, với UBND xã, phường, thị trấn về xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn;

Đánh giá, lựa chọn vùng sản xuất đủ điều kiện sản xuất rau an toàn để xây dựng chuỗi rau an toàn (Sơn La có thuận lợi là đã có quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung);

Khi đã xác định được địa điểm thì Chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và UBND xã, phường, thị trấn vận động bà con thành lập tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất rau an toàn để liên kết các hộ sản xuất lẻ cùng thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn có sự giám sát của Ban giám đốc HTX;

Tổ chức tập huấn quy trình trồng rau an toàn, đặc biệt chú trọng khâu hướng dẫn, giám sát việc thực hành của bà con về quy trình an toàn, chú trọng các khâu: Chọn giống, ưu tiên những loại giống rau chất lượng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều; sử dụng nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sơ chế, ghi chép đơn giản nhưng đủ để truy xuất khi cần thiết.

Cử viên chức phối hợp với các cơ quan chức năng lúc mới triển khai thì giám sát liên tục trong ngày, đến khi bà con đã quen và tự giác hơn thì mới giảm việc giám sát;

Lấy mẫu test thử nhanh dư lượng đối với các lô sản phẩm xuất bán nếu đạt yêu cầu mới cho xuất, nếu phát hiện dư lượng thì tiêu hủy ngay, công việc này làm thường xuyên, liên tục;

Sử dụng kinh phí của tỉnh và các nguồn khác hỗ trợ chứng nhận VietGAP, in tem nhãn nhận diện sản phẩm và truyền thông, quảng bá tiếp thị sản phẩm rau an toàn cho các chuỗi. Xây dựng các điểm phân phối sản phẩm rau an toàn có xác nhận, phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND huyện, thành phố từng bước hình thành các chợ nông sản an toàn;

Hình thành văn hóa kỷ luật trong việc xây dựng và duy trì thương hiệu rau an toàn, trong đó Sơn La đã xây dựng thành công thương hiệu “Rau an toàn Mộc Châu”, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu;

Tăng cường giám sát những cơ sở chưa tham gia vào chuỗi rau an toàn trên cùng địa bàn để ngăn ngừa và giám sát việc đảm bảo quy trình trồng rau an toàn và xử lý nghiêm theo quy định để khuyến khích họ tham gia chuỗi, từng bước hình thành vùng sản xuất rau an toàn tập trung có kiểm soát.

Anh Thơ

Thời báo Ngân hàng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps