Xây dựng chính quyền đô thị: Làm sao để người dân có lợi!

00:00 | 27/12/1999

1,509 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 18/9, Thành ủy TP HCM tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương về đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM. Chủ trì hội nghị là Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng.

Phần lớn các lãnh đạo bộ, ngành Trung ương bày tỏ quan điểm đồng ý với đề án thí điểm chính quyền đô thị tại TP HCM và đánh giá cao TP HCM khi đi đầu trong phong trào đổi mới.

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương góp ý về mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM

Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCMĐào Văn Lừng nhấn mạnh: “Làm sao để người dân tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức; làm sao để người dân có lợi, đó mới là vấn đề chính. Tâm tư nguyện vọng của người dân là làm sao ý kiến của mình lên đến lãnh đạo”.

Ông Lừng đưa ra ý kiến: “Thành phố có 2 cấp, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP và HĐND huyện, dù sao thì chúng ta hướng về dân làm chủ nên cần có người đại diện cho dân. Tôi đề nghị, cấp quận huyện có HĐND còn cấp thấp hơn thì có Ủy ban hành chính”.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng: “Việc làm có lợi cho người dân thì chính quyền phải cố gắng hết sức, đừng vì khó mà không làm”. Ông Tùng còn đặt vấn đề: mô hình này đã khắc phục những bất cập của chính quyền hiện tại hay chưa? Mô hình quản lý chính quyền đô thị có phục vụ nhân dân tốt hơn không, đỡ phiền hơn hay không?

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Quốc Khánh đánh giá cao đề án này và đề nghị thành phố “cần nghiên cứu tiếp tục thực hiện”. Đồng thời, ông đề nghị TP HCM cần bổ sung thêm những thuận lợi, khó khăn, đặc biệt là khó khăn về cơ chế, chính sách hiện nay để thay đổi, hoàn thiện.

Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Phan Văn Giang cho rằng, xây dựng chính quyền đô thị phải gắn liền với xây dựng an ninh quốc phòng: “Hà Nội hiện có cấp Sư đoàn bảo vệ Thủ đô. TP HCM hiện chỉ có cấp Trung đoàn (Trung đoàn Gia Định) thì liệu có đảm đương được việc bảo vệ khi xây chính quyền đô thị với 10 triệu dân hay không?”.

Thiếu tướng Phan Văn Giang đề nghị khi xây dựng chính quyền đô thị, các trung tâm đô thị mới, các thành phố vệ tinh phải chú ý xây dựng và gắn liền với các khu vực phòng thủ về mặt quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, HĐND cấp thành phố phải ra các quy định (trong quyền hạn của mình) để đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng địa phương. Như vậy, Bộ quốc phòng là cơ quan chuyên môn sẽ thực hiện, xây dựng các khu vực phòng thủ cấp thành phố, tương đương cấp quận, huyện.

Thiếu tướng Phan Văn Giang góp ý kiến về quốc phòng an ninh

Phó ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc xây dựng chính quyền đô thị ở TP HCM khó khăn và phức tạp hơn Đà Nẵng rất nhiều vì dân số gấp 10 lần: “Nên nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, về khó khăn trong điều kiện hiện nay là khủng hoảng kinh tế, xây dựng chính quyền đô thị trong lúc chúng ta đang sửa đổi Hiến pháp, luật đất đai. Trong khi chính quyền đô thị liên quan đến rất nhiều vấn đề”, ông Hùng cho biết.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, mô hình 4 thành phố trong thành phố không khác gì thị xã thuộc thành phố, nên ông đề xuất phương án nên gọi 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc là thị xã, vì theo ông “như vậy phù hợp hơn”.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết, đề án chính quyền đô thị sắp được trình HĐND TP HCM thông qua, sau đó, TP HCM sẽ trình Chính phủ xem xét vào cuối tháng 9, trình Bộ Chính trị và Quốc hội quyết định.

Ông Hải khẳng định, đề án chính quyền đô thị là “tăng cường quyền làm chủ của người dân”, giảm bớt thủ tục hành chính. Vì vậy, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành.

Đề án chính quyền đô thị vẫn giữ nguyên 4 thành phố mới.

Nguyễn Hiển

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc