Xây dựng cảng Liên Chiểu không thể chậm trễ

07:52 | 29/10/2017

2,672 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trong tương lai gần như một tấm áo chật, không thể “chắp vá” trước một “cơ thể” phát triển nhanh chóng. Phải có một cảng mới thay thế Tiên Sa.

Bức tranh toàn cảnh

6 tháng đầu năm nay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Tiên Sa đạt 3,81 triệu tấn (tăng 9,62% so với cùng kỳ 2016), trong đó container đạt 171.994 teus (tăng 17,8% so với cùng kỳ 2016). Cùng với đó, cảng còn đón 52 chuyến tàu khách với 99.789 khách và thuyền viên (tăng 20% so với cùng kỳ 2016).

Hiện nay, Cảng Tiên Sa đang được đầu tư mở rộng giai đoạn 2, nâng công suất tối đa từ 10,4 triệu tấn/năm - 12 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, “bài toán” mở rộng này chỉ giải quyết được sự “bức xúc” trong thời gian ngắn.

xay dung cang lien chieu khong the cham tre
Nếu không mở rộng, cảng Tiên Sa sẽ như một “tấm áo” chật

Với sự phát triển như hiện nay, tương lai không xa cảng Tiên Sa sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng. Ngay từ bây giờ, tức là đang đầu tư mở rộng giai đoạn 2, hạ tầng cảng Tiên Sa cũng bộc lộ rõ những hạn chế. Hạn chế lớn nhất là không có mặt bằng để đầu tư kho bãi. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy sau:

Trước hết là không đáp ứng được yêu cầu giải phóng hàng hóa, tàu sẽ phải nằm bến dài ngày, cùng với đó là việc điều tiết vận tải cả chiều đi và chiều đến sẽ hết sức khó khăn, ùn tắc, dồn ứ chắc chắn sẽ xảy ra.

Xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP không chỉ giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, mà còn huy động được nguồn lực và kinh nghiệm quản lý cảng biển của nhà đầu tư. Qua đó làm gia tăng các chỉ số kinh tế và năng lực cạnh tranh của thành phố về cảng biển. Đây là ý kiến của ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng.

Trong khi đó, xe chở hàng hóa, đặc biệt là xe container về cảng, duy nhất chỉ qua nút giao thông cầu Tiên Sơn. Dù rằng, còn đến 5 cây cầu kết nối với khu vực bến cảng, nhưng xe vận tải lớn, xe container không thể cắt ngang qua thành phố lưu thông trên những tuyến đường này được. Và như vậy sẽ dẫn đến quá tải và tắc nghẽn trên trục đường dẫn vào cảng. Dù sau này, khi các nút giao thông được nâng cấp, mở rộng, thì khả năng thông tuyến cho lượng hàng hóa 10 triệu tấn/năm về cảng vẫn là rất khó khăn.

Xây dựng cảng Liên Chiểu là cần thiết

Như trình bày trên, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển không chỉ của riêng Đà Nẵng, mà còn là của cả khu vực.

Thời điểm này có thể coi là “chín muồi” để triển khai dự án. Xét về “địa lợi” thì hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai mở rộng hầm lánh nạn Hầm đường bộ Hải Vân thành đường chính song song với hầm hiện có, sẽ làm tăng khả năng vận tải hàng hóa.

Cùng với đó, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thông xe giai đoạn đầu và sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2018. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho những doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp của cả 3 địa phương là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng.

Tương lai gần ga đường sắt Đà Nẵng sẽ được di dời ra vị trí mới. Và trên tuyến này, ngoài ga hành khách sẽ có ga hàng hóa nằm kề với cảng Liên Chiểu. Theo quy hoạch, từ cuối năm 2016, Chính phủ đã đồng ý phát triển cảng Liên Chiểu thành trung tâm tâm logistics của cảng Đà Nẵng…

Như vậy, khi cảng Liên Chiểu hình thành, thì việc kết nối với các phương thức vận tải khác như: đường bộ, đường sắt và đường hàng không là vô cùng thuận lợi. Vấn đề đặt ra là quy mô xây dựng ra sao, nguồn kinh phí rất lớn, phải huy động như thế nào để đáp ứng quy mô xây dựng?

Cảng Liên Chiểu sẽ xây dựng với quy mô 46 triệu tấn/năm

Đây là số liệu báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu, do Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (TEDIPORT) và đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa báo cáo với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng.

Theo đó, dự án này sẽ được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), bao gồm 2 hợp phần. Hợp phần A do Nhà nước đầu tư gồm: xây dựng hạ tầng, với các hạng mục nạo vét luồng và khu quay trở; đê chắn sóng; đê chắn cát; đường ngoài cảng; kè bảo vệ… với tổng mức đầu tư khoảng 10.209 tỉ đồng. Kinh phí bằng nguồn vốn ODA và vốn ngân sách.

Hợp phần B của nhà đầu tư gồm các hạng mục còn lại, với tổng mức đầu tư khoảng 22.652 tỉ đồng. Cả hai hợp phần này dự kiến khởi động vào năm 2022. Với mức đầu tư ban đầu cho hợp phần A khoảng 3.426 tỉ đồng và hợp phần B khoảng 3.952 tỉ đồng.

Dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022), dự kiến mức đầu tư là 7.378 tỉ đồng, công suất khai thác tại cảng đạt 1,845 triệu tấn/năm; giai đoạn 2 (2030), dự kiến đầu tư 7.857 tỉ đồng, nâng công suất lên 17,5 triệu tấn/năm; và giai đoạn 3 (2050), đầu tư khoảng 17.626 tỉ đồng, lúc đó cảng sẽ hoàn chỉnh đạt công suất 46 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư cho cả 3 giai đoạn sẽ là 32.861 tỉ đồng.

Khi đó, cảng Tiên Sa sẽ chuyển hẳn sang làm nhiệm vụ là một cảng du lịch.

Đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức đối tác công tư

Để có vốn đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản kêu gọi đầu tư dự án này theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Đồng thời, mời Công ty Tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC); Viện Phát triển khu vực ven biển nước ngoài (OCDI) tham gia nghiên cứu tiền khả thi Dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Cũng liên quan đến dự án này, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Đà Nẵng và TP Yokohama (Nhật Bản). Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đồng ý hỗ trợ thực hiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu từ cuối năm 2016.

Hiện nay, một số nhà đầu tư đã ngỏ ý muốn tham gia dự án, như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu DMH (có trụ sở tại TP HCM). Tập đoàn TT cũng đã có công văn đề nghị được tham gia làm nhà đầu tư BT Dự án Cảng Liên Chiểu và đê chắn sóng cảng Liên Chiểu...

Đặng Trung