Xâm hại tình dục trẻ em: Không được im lặng!

07:00 | 18/03/2017

1,834 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua, liên tiếp các sự việc liên quan đến quấy rối tình dục trẻ em đã khiến dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ. Trong khi nghi án quấy rối tình dục trẻ em ở Vũng Tàu và quận Thủ Đức (TP HCM) còn đang khiến dư luận bàng hoàng thì những thông tin mới nhất là vụ việc diễn ra tại Hoàng Mai (Hà Nội) đã gây rúng động dư luận. Trước tình hình này, nhiều người lo lắng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em không những không bị chặn đứng mà còn đang có chiều hướng gia tăng.

Ngày càng nhức nhối

Trong khi những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra vừa qua vẫn còn khiến cả xã hội sục sôi, bức xúc thì những chia sẻ của các bậc phụ huynh có con bị lạm dụng tình dục trong buổi tọa đàm “Trẻ bị xâm hại: Im lặng hay lên tiếng?” đã khiến nhiều người có mặt phải bàng hoàng.

xam hai tinh duc tre em khong duoc im lang
Tọa đàm“Trẻ bị xâm hại: Im lặng hay lên tiếng?”

Là cha của một bé gái 3 tuổi bị xâm hại tình dục, anh N.T.V (Hà Nội) đã bật khóc khi nhắc lại câu chuyện. Anh V kể: Chuyện xảy ra cách đây đã 2 năm, khi ấy con gái anh mới 3 tuổi. Trong một lần sang nhà hàng xóm chơi, bé đã bị người đàn ông hàng xóm quấy rối. Khi về nhà, bé có những biểu hiện lạ mà anh phải gặng hỏi con mới nói. Quá bức xúc, anh V đã sang đối chất với người đàn ông hàng xóm thì người này đã thừa nhận hành vi đồi bại của mình. Quá thương con, anh V đã trình báo sự việc lên Cơ quan Công an. Ngay sau đó, con gái anh được đưa đi giám định pháp y. Trong bản kết luận, bác sĩ nhận định: Bé có dấu hiệu bị dâm ô, bộ phận sinh dục bị trầy xước. Cuối năm 2016, anh V nhận được thông báo của Cơ quan Công an rằng, sẽ tiến hành khởi tố vụ án. Tuy nhiên, từ đó đến nay vụ việc đã bị rơi vào im lặng. “Mặc dù đã nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng về vụ việc nhưng chúng tôi không nhận được phản hồi. Bản thân tôi, mỗi lần nhìn thấy con là xót xa, tôi cảm thấy mình quá vô dụng khi không thể bảo vệ cho con gái mình” - anh V nghẹn ngào.

Có mặt trong buổi tọa đàm, một bà mẹ khác cũng chia sẻ: “Thời gian qua, tôi không nhớ nổi mình đã gõ cửa bao nhiêu cơ quan, tổ chức xã hội để đòi lại công bằng cho con gái mình”.

Con gái chị cũng là nạn nhân của một gã hàng xóm dâm ô. Khi nghe con kể lại những chi tiết kẻ cầm thú đã lạm dụng vào chỗ kín của con như thế nào, bắt con quan hệ ra sao, chị như chết đi sống lại. Từng lời kể của con như những mũi dao đâm vào tim chị. Và chị quyết đòi lại công bằng cho con. Thế nhưng, dù vụ việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc, tiến hành lấy lời khai, thu thập các chứng cứ cần thiết nhưng hiện vẫn chưa có tiến triển. “Thời gian vừa qua, liên tiếp những sự vụ về việc trẻ bị lạm dụng tình dục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, lại một lần nữa khiến những người cha, người mẹ như chúng tôi đau lòng, chúng tôi phải làm sao để bảo vệ được con cái mình?” - người mẹ đặt câu hỏi.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị lạm dụng tình dục xảy ra tại Việt Nam thời gian qua. Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Chưa kể, các chuyên gia còn cảnh báo rằng, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. Thực sự quá khủng khiếp!

Đừng để… “chìm xuồng”

Thực tế, từ lâu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã trở nên nhức nhối, gây hoang mang với các bậc phụ huynh. Nhưng việc cần lên tiếng đòi lại công bằng cho trẻ thì hầu như lại bị chìm xuồng. Điều gì đã khiến các vụ lạm dụng tình dục trẻ em lẽ ra phải được đưa ra ánh sáng thì lại đi vào ngõ cụt? Theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em thì trước nhất là do luật quy định về xử phạt lạm dụng tình dục trẻ của ta vẫn còn lỏng lẻo.

xam hai tinh duc tre em khong duoc im lang
5 quy tắc giúp trẻ tránh bị lạm dụng tình dục

Ông An dẫn chứng: Nếu như các nước phát triển trên thế giới, họ có luật quy định rõ ràng và phân hóa hành vi đến từng chi tiết như chỉ cần có sự dụ dỗ, gạ gẫm xem phim sex, hoặc động chạm vào các bộ phận nhạy cảm của người khác mà không được phép… thì những hành động đó đã có thể cấu thành phạm tội. Thế nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại chưa làm được điều này. Việt Nam vừa mới thông qua Luật Trẻ em và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, nhưng khái niệm về “xâm hại tình dục” trong luật này vẫn còn chưa đầy đủ. “Theo luật này thì xâm hại là hành vi giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ qua các mức độ hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu. Theo tôi, chúng ta nên sử dụng khái niệm của quốc tế là tất cả các hình thức, kể cả nhìn soi mói, âu yếm quá mức, sờ mó… đều gọi là xâm hại tình dục. Như vậy, chúng ta mới có khả năng phòng ngừa, ngăn chặn hành vi này từ xa được” - ông An nhận định.

Còn theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, việc lạm dụng tình dục trẻ em ngày càng trở nên nóng bỏng, bởi các sự vụ không được giải quyết một cách nhanh chóng, quyết liệt và triệt để. Chưa kể sự im lặng của gia đình nạn nhân, của cộng đồng, thậm chí là của cơ quan chức năng... đã khiến các vụ xâm hại tình dục trẻ em không được phơi bày ra ánh sáng và kẻ thủ ác vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Theo bà Hồng, chính rào cản văn hóa, quan niệm sai, thậm chí có hành vi kỳ thị đối với các nạn nhân trong những vụ xâm hại tình dục đã khiến vấn nạn này ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bà Hồng rất bức xúc nói rằng: “Tại sao với nhiều người Việt, nói về tình dục như thể nói về việc đáng xấu hổ, nhất là chuyện bị xâm hại tình dục. Với những việc như thế, thay vì cần phải bày tỏ thông cảm với nạn nhân lại quay ra nghi ngờ, chê trách? Tôi rất bức xúc khi tại sao chúng ta đòi hỏi người con gái phải nguyên vẹn trinh tiết khi về nhà chồng, nhưng lại im lặng trước những vụ xâm hại tình dục này? Nhiều gia đình, dù phát hiện ra sự việc, nhưng lại chọn cách im lặng. Họ im lặng vì lo sợ con em mình mất hết tương lai, họ lo sợ bị xã hội kỳ thị…”.

Bà Hồng khẳng định, xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần. Tại sao những con số trẻ bị xâm hại tình dục cứ lớn lên từng ngày? Chúng ta đều biết đau lòng, nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa nếu như tất cả không biến thành hành động. Với sự chung tay của cộng đồng, bà Hồng kêu gọi mọi người không nên im lặng, mà phải lên tiếng, phải hành động để tội ác được đưa ra ánh sáng và bị pháp luật nghiêm trị. Việc xử lý các trường hợp bạo lực tình dục thật nghiêm minh cũng là bài học cảnh báo cho những kẻ khác. Còn về phần các bậc phụ huynh, hãy chủ động trang bị kiến thức, sự nhạy cảm về giới, để hướng dẫn con em của mình biết cách phòng tránh loại tội phạm này.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc