Xác định 'thủ phạm' gây ngộ độc ở bếp ăn trường học

15:41 | 09/12/2015

1,107 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế thì việc khó kiểm soát chất lượng an toàn của nguồn thực phẩm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ngộ độc thực phẩm tại một loạt bếp ăn trường học thời gian qua.

Những năm gần đây, vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm trường học ở mức đáng báo động. Theo thông tin mới nhất từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) từ năm 2010 đến 2015, cả nước có trên 38 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học khiến trên 1.700 người phải nhập viện. Rất may là không có trường hợp tử vong.

Số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn trường học tập trung nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc với 12 vụ và ở vùng Đông Nam Bộ với 10 vụ.

xac dinh thu pham gay ngo doc o bep an truong hoc
Học sinh ăn trưa tại trường học

Đáng chú ý là các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học thường xảy ra vào thời điểm giao thời như tháng 3 hoặc tháng 10 trong năm. Lúc này thời tiết có nhiều thay đổi, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển.

Vi sinh vật được xem là tác nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học. Sau đó là các nguyên nhân ngộ độc do độc tố tự nhiên và hóa chất.

Đáng nói là có đến 42% vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học chưa xác định được căn nguyên bằng các xét nghiệm. 

Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, việc khó kiểm soát chất lượng an toàn của nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn trường học trong thời gian qua.

Thực tế, không riêng gì các bếp ăn ở trường học mà các bếp ăn ở khu công nghiệp, công ty... cũng gặp phải vấn nạn này. Hiện nay, việc xác định nguồn gốc thực phẩm trên thị trường đang là vấn đề còn nhiều nan giải.

Việc làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học đang làm vấn đề bức thiết của cơ quan chức năng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì: Hơn hết cơ quan quản lý trường và cơ quan quản lý địa phương phải là những người có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh. Nếu như trường học nào tổ chức nấu  ăn tại trường hoặc đi thuê thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn thực phẩm. Trước mắt là chỉ sử dụng nguồn thực phẩm tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng. Về phía phụ huynh học sinh cũng phải có trách nhiệm giám sát các bữa ăn tại trường học.

“Vấn đề an toàn thực phẩm đang rất cần có sự phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế, giữa cơ quan chức năng với nhà trường với Ban phụ huynh học sinh thì mới có thể hạn chế được những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc có thể xảy ra”- ông Long nhấn mạnh.

 

Huy An