“Vườn địa đàng” trồng toàn hoa tulip…

06:00 | 19/02/2015

2,822 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không nhớ tôi đã đọc ở đâu, để nó ám mãi vào đầu, rồi đến lúc có mặt ở Keukenhof (Hà Lan) thì không có cách nào khác nữa, rằng phải gọi nơi này là: Vườn địa đàng có thật trên mặt đất. Vườn ấy, thay vì có quả trái cấm, thay vì chỉ có ông Adam và bà Eva với không gian thần thánh trong văn vắt của thuở hồng hoang, thì nay trồng tới 7 triệu bông hoa tulip, cộng với muôn hồng ngàn tía cây và hoa khác.

Năng lượng Mới số 398+399

Nông phu rạp mình trước cái đẹp

Keukenhof nằm cách thủ đô Amsterdam của đất nước Hà Lan vài chục cây số đường ôtô chạy êm mượt. Làng thuộc địa giới hành chính của thị trấn xinh đẹp Lisse. Trên diện tích 32ha, cả một thiên đường của hoa tulip, cả một thánh địa của cây cổ thụ và hoa cỏ sặc sỡ sắc màu. Nhưng! Vượt lên trên cái việc tạo ra một nơi rất rộng lớn toàn hoa là hoa, đến đó ngắm hoa, ăn hoa, mua hoa, rồi bôi nước hoa, rồi khênh củ quả của hoa về gây giống; ở Keukenhof, các con dân vùng đất thấp Hà Lan có cả một cái tín ngưỡng trồng và tôn vinh hoa. Nghệ thuật làm vườn, nghệ thuật rạp mình trước cái đẹp của những người nông dân xứ này đã góp phần làm thay đổi cách nhìn của nhân loại về những bông hoa. Họ yêu và say mê hoa như một thứ Đức tin.

Nhân loại từ thuở ông Adam, bà Eva còn trần truồng vừa được Chúa tạo ra, thả vào vườn địa đàng (được mô tả trong sách “Sáng thế”); rồi nhân loại tiến bộ thế kỷ XXI này nghĩ ra được bao nhiêu cách vinh danh hoa (“vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”), thì người Keukenhof đều đã sáng tạo ra đủ cả. Từ rất xa “vương quốc hoa”, chúng tôi đã lạc vào những ruộng, những luống hoa thẳng như kẻ chỉ, màu sắc đẹp như chỉ có ở trong tranh. Hoa tràn ra ven đường. Rực rỡ, xa xa là cối xay gió làm bằng gỗ, cổ kính, đủng đỉnh cuộn mình từng nhát một. Gần hơn, là hàng ngàn du khách đi bộ, đạp xe thong rong quanh các cung đường hoa. Xe đạp của họ thiết kế kiểu cổ, gợi cái gì đó hơi vương tôn quý tộc.

Trên những bờ tường cao làm toàn bằng cây lá, đám trẻ da trắng tóc vàng mặc quần xóc ngồi hóng nắng nhẩn nha, có vẻ chúng và cha mẹ chúng đều không sợ trẻ ngã, bởi rơi vào các thảm hoa, thảm cây xanh rì phủ kín từ bờ tường xuống mặt đất kia thì cũng chẳng thể nào sây sát được. Khách thò đầu ra cửa xe, những bàn tay ấu thơ nhỏ như ngó sen non huơ huơ chào đón. Trong vườn, không biển bảng chào mời khách, dù đây là điểm đến đông khách bậc nhất châu Âu. Lác đác, họ chỉ treo vài cái biển gỗ viết tên miền một trang web tử tế với hoa hoét, hậu cảnh là miên man bất tận, tím rắt toàn hoa. Có nhà kỳ công hơn, thì dựng “tượng” hai mẹ con “cô gái Hà Lan” bầu bĩnh đang chăm bón cả một thiên đường hoa tulip. Cái tâm thế đón khách của người nông dân cày cuốc Keukenhof nó mới đủng đỉnh và quyền quý làm sao.

Hà Lan có một vài “đặc sản” liên quan mật thiết đến nhau: Miền đất này thấp hơn mực nước biển đến 6m. Họ phải làm đập, làm đê, xây đền đài cung điện của một quốc gia dưới mực nước biển. Chỉ một sai sót nhỏ là tất cả bị xóa sổ trong chết chóc. Từ đó sinh ra đặc sản cối xay gió (còn có chức năng) dùng để… tiêu thoát nước. Từ đó sinh ra tính lãng tử và hào hoa của những hiệp sĩ lúc nào cũng sẵn lòng cận kề mũi tên hòn đạn (các quả bom nước trên đầu). Thế nên Amsterdam lừng danh với phố đèn đỏ (Red Light) ra đời từ xửa xưa, phục vụ tình dục cho các thủy thủ “xa đất liền” lâu ngày trong các thương thuyền khét tiếng đi khắp năm châu.

Thế nên, bây giờ, dù ở châu Mỹ, châu Phi hay bất cứ nơi nào có đường sá trên thế giới, người ta hay thấy mật độ xe cộ mang biển kiểm soát có chữ “NL” của người Hà Lan nhiều hơn cả. Họ là quốc gia duy nhất trên thế giới, suốt bao đời nằm dưới các quả “bom nước” không thể khổng lồ hơn của đại dương, họ phong trần trên đường “phượt” như thế như là một cách để tránh nỗi tù túng, cô đơn (?). Và cũng vì đánh cược toàn bộ tính mạng, gia sản của mình ở “miền đất thấp” (chỉ một sơ sẩy là tất cả tan thành mây khói), nên người Hà Lan có tài tính toán chính xác và sự tỉ mỉ tuyệt đối, đi kèm là sự lãng mạn hiếm có. Ví như trong việc vinh danh các loài hoa, vinh danh những người nông dân tinh tế, biết “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.

Từ suy luận này, nhiều học giả còn tiếp tục suy ra: Thế nên các đội bóng “cơn lốc màu da cam” mới bay lượn như huyền thoại trên sân cỏ. Tính cách sinh ra số phận, đất đai khí hậu cũng góp phần sinh ra tính cách con người. Ai đó lý giải việc ra đời của công viên, làng hoa lớn nhất thế giới Keukenhof là bởi vì Hà Lan là miền đất thấp, Hà Lan sống dưới mực nước biển 6m, người Hà Lan hào hoa lãng tử, tôi thấy rất có lý.

Cảnh sát cưỡi ngựa ở Lisse

Thị trấn Lisse quá đẹp, người ta dựng tượng chim, thú và cây lá ở khắp nơi. Chim thú đậu trên tượng chim thú, ngàn cây ấp lấy các bức tượng… cây. Ai đó tự hỏi, ngần này cây, miên man hoa cỏ, chưa đủ sao mà phải dựng thêm tượng nữa, một chủ quán cười: Quê bạn cũng ngàn vạn cây lá, chưa đủ sao mà bạn phải bay mấy chục tiếng đến quê tôi để ngắm hoa? Hoa của trời, hoa sắt, hoa bê tông của bàn tay con người, mỗi “đóa” một hương sắc riêng chứ. Thị trấn rất ít ôtô, tràn ngập xe đạp. Tôi đi khắp châu Âu, có lẽ chưa nơi nào nhiều xe đạp, xe đạp được tôn vinh ấm áp như ở Hà Lan. Đặc biệt, vì thích những gì không khói, ở cái vựa thu tiền nhờ “công nghiệp không khói”, nên người Hà Lan đã nhanh nhạy, kiện toàn lại lực lượng cảnh sát ở Lisse: Họ đi tuần tra bằng ngựa. Những con ngựa to và hung đỏ như Xích Thố của Quan Vân Trường. Các cô, các chú cảnh sát đẹp ngời ngời.

Các nhà nhân chủng học đã chỉ ra rằng: Người Hà Lan thuộc loại có chiều cao trung bình bậc nhất thế giới. Cảnh sát ngồi lừng lững trên lưng con chiến mã cũng lừng lững. Có cảm giác ngựa nhảy phốc một cái qua chiếc ôtô bốn chỗ, phốc một cái nữa, các bộ còng số 8 sáng choang giắt tòng teng ở thắt lưng nhân viên công vụ kia sẽ tóm được tội phạm ngay. Mà khỏi phải lo tắc đường, khỏi phải lo còi ú với quay đầu xe cảnh sát. Chỉ hơi bầy hầy một tí là phải đeo “bỉm” chứa phân cho lũ ngựa, dù “thằng” có tính kỷ luật cao nhất, thì vẫn không bỏ được cái tính phóng uế bất cứ khi nào… ngẫu hứng.

Nhiều triệu du khách đến Keukenhof mỗi dịp lễ hội hoa tulip, độ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, kể cả khi trời châu Âu đổ lạnh đến 3oC, hoa vẫn thắm trong suốt 32ha “Vườn địa đàng”. Khách đông vậy, nhưng chúng tôi không hề có cảm giác ngột ngạt, bởi rừng cổ thụ sạch tinh tươm, xanh mê mải trong công viên, bởi các rừng hoa ẩn hiện như động tiên kia đã “hấp thụ” hết sự đông đúc đó ngay lập tức. Mỗi người đều cảm thấy hài lòng, hít căng lồng ngực cái hương hoa bát ngát. Khách cố tìm lại sự hồi sinh cho cơ thể, cho lá phổi bị cuộc sống đô thị đè bẹp, đày đọa đã quá lâu ngày.

Dưới gốc cây lớn, sạch sẽ như cổ tích, người ta thoải mái tựa lưng, nhắm mắt, ngồi thiền. Và ngoài hồ, từng đàn thiên nga cong cổ cò bơi lội. Hoa bên kia hồ, hoa ngoài vòi phun nước ánh xuống mặt hồ đỏ ối. Cối xay gió âm thầm quay, màu gỗ nâu bóng như là nó được đẽo, ghép mộng từ thời Trung cổ của nữ Bá tước Jacqueline, khi bà và gia nô còn coi đây là vườn bếp của khu săn bắn “cá nhân”. Nói có mồ ma Bà Jacqueline, cái vườn của bà bây giờ vượt ra khỏi tầm của Hà Lan rồi, nó là một kỷ lục quốc tế. Nếu Hà Lan là quốc gia xuất khẩu hoa hàng đầu thế giới, thì Keukenhof đã “bao thầu” sản xuất ra một nửa số đó.

Mỗi năm, chăm 7 triệu bông hoa để khoe với cả thế giới

Đến Keukenhof không phải chỉ để ngắm hoa, giơ máy lên “tự sướng” chụp ảnh như cách ta vẫn làm với các luống hoa cải, hoa tam giác mạch ở Sơn La, Hà Giang hay Bắc Ninh, Hà Nội. Nó cũng chẳng giống với vàng rực mấy chục cây số các rặng hoa cải dầu, hoa oải hương ở Pháp. Đó là một thứ văn hóa lễ hội, là hàm lượng trí tuệ trong “nghề bán hoa”. Với Keukenhof, người ta bán vé từ trước một vài năm, bán trên mạng, người ta lo đủ chỗ ăn nghỉ cho du khách, dẫu hàng triệu người, tuyệt đối không thấy ai phàn nàn. Nhiệt độ xuống thấp đến gần ngưỡng băng giá, hoa của làng vẫn thắm sắc tứ phương ngũ hoành. Người ta kết những xe hoa đẹp đến ngất xỉu, những con chim cánh cụt ra đời từ 10.000 bông hoa!

Mỗi năm lễ hội có một chủ đề. Năm trước là chủ đề tri ân Ba Lan, một đất nước nhập hoa của Hà Lan đứng đầu thế giới. Tại một khu vườn trang trọng nhất, người Keukenhof còn kết những bông hoa đẹp nhất thành hình gương mặt nhạc sĩ vĩ đại của Ba Lan, François Chopin. Trong khi ở Việt Nam, nhiều lễ hội, người ta có câu cửa miệng “chín tháng mài dao ba tháng chém”, thì ba tháng hội ở Keukenhof là ba tháng người và hoa cùng tỏa hương nồng ấm, dâng cho đời những cảm giác đáng sống nhất. Ấy là hoa, hoa với người Keukenhof, là một thứ tín ngưỡng. Miên man bất tận là hoa, hoa theo chủ đề, hoa kết thành các hình vĩ nhân, hình chim thú, hoa trải dọc các con hồ với thiên nga bơi lội, khiến người ta không thể không thảng thốt tới khu vườn “Trở về Eden” (vườn địa đàng), rồi nghĩ tới thế giới cổ tích nhiệm mầu của các văn hào Andecsen, Grim. Tổng cộng có 7 triệu khóm tulip và vô vàn các loại cây, thuộc 1.600 loại khác nhau được trồng ở đây. 7 triệu khóm tulip! Bạn có thể khám phá cả tháng không hết cái “thiên đường nơi hạ giới” này. Có khi bạn cảm thấy kinh ngạc khi lạc vào không gian của những thành quách lâu đài, những dòng kênh nổi tiếng của vùng đất thấp Amsterdam, nhưng tất cả chúng đều làm bằng hoa, ở ngay trong vườn Keukenhof. Có khi hàng vạn bông hoa, được nhuận sắc bởi hệ thống đèn chiếu tiền tỉ để trình diễn kỹ nghề trồng và chăm sóc hoa truyền thống từ thế kỷ XVII, cũng như công nghệ tân tiến “ngành công nghiệp bán hoa” hiện nay của người Hà Lan.

Đến Keukenhof một lần, đắm mình trong nhan sắc của tulip tuyệt mỹ với 7 triệu loài cây, hoa khác nhau, bạn sẽ có cảm giác bỗng bễnh rồi quên lãng hết mọi tham sân si. Trong giây lát, có thể bạn sẽ chợt nhận ra: Vườn địa đàng là thứ có thật, chứ không phải thứ mà loài người nghĩ ra để mơ về cái thuở hồng hoang, khi con người sống như những tiểu thần tiên…

Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng