Vững chãi nơi tuyến đầu Tổ quốc

07:00 | 28/07/2015

1,797 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) - vùng ngã ba biên giới, nơi được mệnh danh là “một con gà gáy ba nước cùng nghe”- nằm ở cực tây Tổ quốc. Một thời, để đi đến đây, người ta phải đi bộ hoặc là đi… trực thăng. Thậm chí, khi đường ôtô đã vào đến tận trung tâm xã thì cũng phải lựa ngày nắng ráo mà đi, còn nếu không thì phải dùng xe U-oát. Đường vào Sín Thầu giờ đã được trải nhựa, nhiều đoạn đã được nắn cua, hạ dốc, đi sướng hơn rất nhiều!  

Đồn Biên phòng Tam Thanh giúp học sinh qua sông đến trường

Đồn Biên phòng Tam Thanh giúp học sinh qua sông đến trường

Ngày 7/11, Đồn Biên phòng Tam Thanh đóng ở xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam đã dùng ca nô quân đội để đưa đón các em học sinh của xã Tam Hòa, huyện Núi Thành đi học qua sông Trường Giang.

Đây không phải lần đầu tiên tôi đến Sín Thầu. Cuối năm 2008, theo chân đoàn công tác của Báo Công an nhân dân - Chuyên đề An ninh thế giới, tôi đã có dịp đến mảnh đất này. Ngày đó, sau khi vượt qua quãng đường gần 200km từ TP Điện Biên Phủ đến trung tâm huyện Mường Nhé, chúng tôi phải chuyển sang xe “chuyên dụng” của Công an huyện mới vào được Sín Thầu. Nói là xe chuyên dụng cho oai chứ thực ra đó là xe U-oát. Sở dĩ phải vậy vì quãng đường từ trung tâm huyện vào xã đang trong giai đoạn thi công, ngổn ngang đất đá, với nhan nhản những “ổ voi, ổ trâu”, xóc long óc. Đã vậy xe còn phải vài ba lần vượt suối với những khối đá to tướng, nằm lởm chởm, nước lại lớn, xe thường không thể đi được. Thậm chí đã dùng đến xe “chuyên dụng” nhưng nhiều đoạn vẫn phải nhờ đến sự hỗ trợ của của máy xúc, máy ủi cào đường, vạt núi mới đi được.

Vững chãi nơi tuyến đầu Tổ quốc
Đồn biên phòng A Pa Chải

Để vào Sín Thầu, chúng tôi phải mất gần một ngày đường!

Nói về xã Sín Thầu thì thế hệ chúng tôi hôm nay không thể hiểu được Sín Thầu là như thế nào, gian khổ là thế nào. Năm 1984, nhà báo Nguyễn Như Phong là người dưới xuôi đầu tiên sau 7 ngày quốc bộ từ huyện lỵ Mường Tè đến được xã Sín Thầu. Và mãi đến 17 năm sau mới có nhà báo thứ 2 đến được Sín Thầu, đó là nhà báo Huy Minh (Báo Gia đình và Xã hội) và sau này là nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Còn bây giờ, đám nhà báo lên mảnh đất này thì dễ như… đi chơi.

Để bạn đọc hiểu được điều đó, tôi xin trích đăng một đoạn trong bài phóng sự “Nơi ngã ba biên giới” của nhà báo Nguyễn Như Phong viết về mảnh đất này.

“…Chẳng cứ người dưới xuôi, ngay ở Lai Châu, khi nghe nói đến Mường Tè cũng không ít người lắc đầu, ngán ngẩm. Nhưng người ta sợ Mường Tè một thì sợ Sín Thầu mười. Đã từ lâu, những cái tên như Sín Thầu, A Pa Chải, Ca Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ… như là những bóng ma luôn hiện hình dọa nạt người lạ bằng những con đường mòn heo hút; những cánh rừng già vắt nhiều như rễ tre, những con suối lũ cuốn trôi cả voi.

Người ta sợ Sín Thầu bởi lẽ vùng ngã ba biên giới này xa xôi, heo hút quá. Từ thị trấn Mường Tè đến Sín Thầu có hai con đường. Cả hai con đường đều có độ dài tương đương nhau - nghĩa là trên dưới 200km. Trên chặng đường đó phải vượt qua hơn chục con dốc “rùng mình”. Dốc Tà Tổng chỉ leo lên đã là 28km, dốc Nậm Xả dài 8km, dốc Cao Ngải Chồ 3km… Đi lên Sín Thầu vào mùa nào cũng cực. Mùa mưa - từ tháng 5 cho đến tháng 10 - cây cỏ mọc tốt um che kín lối mòn, người đi phải kéo mũ xụp xuống ngang mắt, cúi đầu và chắp hai tay như… lễ để gạt cỏ gianh, lau, lách. Qua những đoạn rừng già ở Nậm Vì, Mường Nhé hay Gò Cứ… vắt bám theo gạt không kịp. Còn mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, con đường như bốc lửa dưới nắng và gió Lào. Suốt ngày đêm, những đám cháy rừng kéo từ núi cao xuống đồi thấp, đốt cháy cỏ cây ven đường. Không gian lúc nào cũng mờ mờ khói trắng và lảng bảng tàn tro bay. Nắng gió làm khô hết các khe, suối nhỏ, nhiều đoạn dài tới ba mươi cây số không có lấy một giọt nước. Ngày đi, đêm ngủ lại bản, sáng hôm sau đi tiếp. Cứ thế bảy ngày thì tới Sín Thầu”.

Ngã ba biên giới Sín Thầu giờ đã bớt hẻo lánh, xa xôi. Đường nhựa chạy vào tận trung tâm xã, còn đường bê-tông thì vào đến tận bản Tá Miếu - bản tận cùng của xã, gần cột mốc số 0 - cột mốc giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Những cây cầu nối 2 bờ dòng Mo Phí giờ cũng đã hoàn thành, giúp việc đi lại dễ dàng hơn rất nhiều. Chuyện vượt suối, băng rừng, cuốc bộ nhiều ngày liền để ra huyện hay vào bản giờ đã thành quá khứ, là ký ức về thời gian khó của đất này.

Vững chãi nơi tuyến đầu Tổ quốc
Cán bộ Đồn biên phòng A Pa Chải tuyên truyền Luật Bầu cử

Đến Sín Thầu hôm nay còn được đi chợ vùng biên. Chợ họp được khoảng 3 năm nay. Một tháng 3 lần vào các ngày 3, 13 và 23. Chợ họp quây trên một nửa đất Việt Nam và một nửa là đất Trung Quốc. Danh giới phân chia là một vạch sơn màu trắng ở giữa. Nhân dân hai bên đi chợ chỉ cần làm giấy thông hành là được sang bên kia để mua bán. Hoạt động giao thương vì thế trở lên tấp nập, nhộn nhịp. Điện lưới quốc gia cũng đã vào đến trung tâm xã và kéo dài về một số bản. Có điện, người dân Sín Thầu đã sắm được cái tivi, tủ lạnh, cái máy xay sát, tối đến, ánh điện sáng trưng khắp các bản làng, tiếng cười, tiếng nói râm ran cả một góc rừng.

Hôm tôi vào Sín Thầu, trời nắng to. Suốt dọc quãng đường chừng 80 cây số là những nương ngô, cánh đồng lúa xanh ngắt, ngút tầm mắt, rồi cả rừng già bạt ngàn, ngan ngát hương thơm của cây rừng, cỏ dại... Con đường ngoằn ngoèo, quanh co như một dải lụa, ôm choàng lấy núi. Thi thoảng lại có những chiếc xe tải ì ạch, chất đầy hàng hóa ngược xuôi ra vào Sín Thầu.

Thiếu tá Pờ Pờ Sơn - Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé là người Hà Nhì. Anh bảo: Nếu như trước đây, hàng nông sản, trâu, bò của người dân làm ra chẳng biết mang đi đâu bán và nếu có muốn thì phải chất lên lưng ngựa, đi vài ngày đường ra trung tâm huyện thì nay, chủ hàng dưới xuôi đánh xe đến từng bản để thu mua và chuyển về xuôi. Con đường vì thế chẳng khác gì cánh tay nối dài cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng ngã ba biên giới này.

Dọc tuyến biên giới Bắc Nam có 2 nơi đường biên giới hợp thành ngã ba là xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kom Tum) và xã Sín Thầu. Cùng là ngã ba biên giới nhưng Sín Thầu khó khăn, hẻo lánh hơn nhiều, có khi mới nhắc đến, nhiều người đã lắc đầu lè lưỡi. Sín Thầu có cột mốc biên giới 3 cạnh A Pa Chải ở độ cao 1.864m trên đỉnh núi Khoang La San. Xã Sín Thầu có 18km đường biên giới với Lào và 38,5km đường biên giáp với Trung Quốc.

Vững chãi nơi tuyến đầu Tổ quốc
Tổng Công ty Khí Việt Nam và Báo Năng lượng Mới tặng quà cho đồng bào Hà Nhì ở xã Sín Thầu

Sín Thầu có nghĩa là bản mới. Xã có diện tích hơn 16.000ha, dân số 1.243 khẩu và cư trú ở 7 bản, trong đó 96% là người Hà Nhì. Nơi đây một thời được biết đến là vùng “bốn không” (không đường, trường, trạm, điện). Vì sống với “bốn không” nên cái nghèo, cái đói và cả nghiện hút một thời đã đeo đẳng đất này. Nhưng rồi, vượt lên trên tất cả, Sín Thầu đã có những bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, đi đầu vượt khó trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tích cực giữ vững biên cương của Tổ quốc. Giờ đây, nói đến Sín Thầu, người ta cũng nói đến “bốn không” nhưng là không có người nghiện, không chặt phá rừng, không di cư và không truyền đạo trái phép.

“Bốn không” nghe thì đơn giản nhưng theo Trung tá Nguyễn Văn Lập, cán bộ Đồn Biên phòng A Pa Chải được tăng cường làm Phó bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, để có được điều này lại là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm của đồng bào dân tộc ở Sín Thầu. Đảng ủy xã đã chỉ ra được cái nghèo, cái khổ là nguồn cơn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và nguyên nhân sâu xa của nó là do ngại đổi mới, chưa chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất… Từ đó, Đảng ủy, Ủy ban Nhân xã đã xây dựng chương trình, xác định mục tiêu, đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai, phân công tổ chức thực hiện. Nhờ đó, các nguồn lực được Đảng, Nhà nước đầu tư vào Sín Thầu được sử dụng hợp lý, đạt hiệu quả cao.

Tiếp lời anh Lập, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Pờ Xì Lếch cho hay: Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo, xã đã vận động nhân dân cải tạo khai hoang hàng chục ha ruộng ven suối để trồng lúa nước; tiến hành phục hóa nương rẫy đề trồng lúa nương, ngô, đậu tương… Nhưng điểm đột phá quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Sín Thầu là đã đưa các giống lúa chất lượng cao như IR64, TH1 và bắc thơm vào gieo cấy, thay thế dần các giống lúa kém chất lượng và giống lúa địa phương. Để tăng năng suất, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, thâm canh cây lương thực và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo phương châm “cầm tay chỉ việc” cho các hộ gia đình.

Bên cạnh các việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi mô hình kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Sín Thầu còn đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất, sử dụng có hiệu quả các công trình đầu tư thủy lợi vừa và nhỏ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, thu nhập… Nhờ đó số hộ nghèo trong xã đã giảm mạnh, trong 6 năm gần đây đã giảm từ 70% xuống còn hơn 30%. Sín Thầu có hơn 255ha trồng cây lương thực có hạt, sản lượng đạt 752 tấn, trong đó thóc chiếm 592 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt khoảng 400kg/người/năm; tổng đàn gia súc gần 3.500 con… Cả xã có 284 hộ thì có 25 hộ làm ăn kinh tế giỏi, thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng như gia đình ở Pờ Tùng Cấu, Lý Xuyền Phù, Sừng Sừng Khai, Pừ Dần Sinh… Đến Sín Thầu hôm nay, ngoài nghe chuyện nuôi con gì, trồng cây gì, người ta còn được nghe về việc nhà này, nhà kia mua ôtô, mà ôtô cũng toàn mấy trăm triệu…

Cuộc sống người dân Sín Thầu đã cải thiện nhiều nhưng theo Bí thư Pờ Xì Lếch thì xã vẫn còn 94 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. Nhưng có một điều đáng mừng là không phải vì thế mà chuyện học hành của bọn trẻ bị bỏ bê. Tỷ lệ trẻ đến trường trong độ tuổi của xã đạt rất cao, lên tới 100%... Nhiều người Hà Nhì không biết chữ, cuộc sống lại khổ cực nhưng vẫn cố gắng cho con đi học vì tin rằng, khi có cái chữ thì đầu chúng sẽ sáng ra, có thể thực hiện ước mơ.

Phó bản A Pa Chải Lỳ Sá Lòng nói: Nhờ được cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn nên bà con giờ không chỉ biết lên nương trồng ngô, trồng lúa mà biết trồng lạc, đậu tương. Con lợn, con trâu, con bò trong nhà bị ốm người dân đã biết gọi cán bộ thú ý chứ không còn nhờ đến thầy lang, thầy mo chữa trị nữa. Cuộc sống của người dân vì thế đã ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Trẻ con cũng được chăm lo đầy đủ, hơn 20 cháu đang theo học THCS, THPT ở huyện và các trường cao đẳng, đại học… Cả bản có 40 hộ thì có tới 10 hộ có đàn trâu, bò lên tới cả trăm con, thu hoạch tới 5-10 tấn thóc/năm, thu nhập 50-60 triệu năm; 7 hộ gia đình có mô hình làm trang trại vừa và nhỏ sản xuất theo mô hình “vườn - ao - chuồng - rừng”.

Sín Thầu đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Để có kết quả này, ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện, sự quan tâm, giúp đỡ của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, trong đó điển hình là các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thì đó còn là sự kết tinh của tình đoàn kết quân dân, của ý Đảng lòng dân. Sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bao gồm cả Công an, Biên phòng và cấp ủy chính quyền địa phương chính là chìa khóa mang đến những đổi thay ở mảnh đất nơi ngã ba biên giới này.

Phó Chỉ huy Trưởng đồn Biên phòng A Pa Chải Pờ Bạch Quân cũng là người Hà Nhì. Nghe đâu trong vai vế họ hàng, Thiếu tá Pờ Pờ Sơn phải gọi anh bằng chú, gọi Bí thư Đảng ủy Pờ Xì Lếch là cô. Trong câu chuyện hóm hỉnh lúc trên xe vào Sín Thầu, tôi được biết, ngày xưa khi còn đi học có lúc “đứa cháu” đã có ý định tán cô, còn với Pờ Bạch Quân thì là bạn học. Chắc bởi vậy nên Thiếu tá Pờ Pờ Sơn vào Sín Thầu, lên A Pa Chải như về nhà. Và có lẽ vì thế, cơ chế hợp tác thông tin, phối hợp giữa công an - biên phòng - cấp ủy cơ sở ở Sín Thầu cực kỳ hiệu quả. Nói như Phó đồn Pờ Bạch Quân thì ngoài vấn đề công việc đó còn là sự gắn kết gia đình. Mà ở bất kỳ vùng biên giới nào thì cái tình quân dân như “cá với nước”, rồi cả sự thân tình, gắn bó khăng khít giữa công an với biên phòng luôn là nền tảng, cơ sở để tạo thành thế trận toàn dân vững chắc, đảm bảo an toàn an ninh biên giới.

Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, Thiếu tá Pờ Pờ Sơn khẳng định: Trên khắp nẻo biên giới từ Bắc vào Nam không có một nơi nào bình yên như Sín Thầu. Nhiều năm liền không có một vụ án hình sự phức tạp nào xảy ra, chuyện di dân di cư cũng không có, nghiện ngập, gây mất trật tự xã hội thì càng không có. Điều này có được trước hết là do nhận thức của người dân Sín Thầu về các vấn đề pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước rất tốt, không phải bây giờ mà từ xưa đã là như thế. Thứ nữa đó chính sự phối hợp tốt giữa Công an với Biên phòng và cấp ủy địa phương. Mọi vấn đề phát sinh trên địa bàn đều được các bên tích cực tham gia giải quyết. Nếu là vấn đề an ninh trật tự thì lực lượng công an thực hiện. Còn nếu là vấn đề liên quan đến an ninh biên giới quốc gia thì do biên phòng thực hiện. Và nếu là vấn đề cả kinh tế và xã hội thì cùng giải quyết. Nhưng dù đó là vấn đề gì thì đều phải báo với chính quyền, tham mưu với chính quyền để thông tin, tuyên truyền đến quần chúng nhân dân.

Cũng theo Thiếu tá Pờ Pờ Sơn, mặc dù Sín Thầu đang rất bình yên, các phần tử xấu, đối tượng phản động đã bị loại trừ nhưng hoạt động tôn giáo vẫn đang âm ỉ diễn ra ở Mường Nhé, tìm cách xâm nhập vào địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước phải được duy trì, tăng cường thường xuyên. Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo công an huyện đều thay nhau vào tiếp xúc với người dân không chỉ xã Sín Thầu mà ở tất cả các xã khác. Qua đó, lãnh đạo công an huyện sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham mưu với các cấp chính quyền địa phương đề ra phương án giải quyết, tháo gỡ. Đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng đối phó với mọi âm mưu của các thế lực thù địch.

Không chỉ xây dựng mối liên hệ, gắn kết tình quân dân thông qua các buổi làm việc giữa lực lượng công an, biên phòng với chính quyền xã, với người dân các bản, ở Sín Thầu, những hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ, tết lớn của đất nước, của đồng bào thường xuyên được tổ chức. Thông qua các hoạt động ấy, sự gắn kết của các lực lượng an ninh với chính quyền, người dân Sín Thầu càng thêm bền chặt. Vào Sín Thầu, đến bản, với các anh vì thế như về nhà. Những diễn biến bất thường về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đều được người dân thông báo cho các lực lượng chức năng.

Người dân Sín Thầu tin vào Đảng, Nhà nước và họ tin vào các lực lượng an ninh nơi miền biên giới là những gì chúng tôi cảm nhận được ở mảnh đất này. Cuộc sống có thể còn nghèo, còn khổ, các điểm trường, công trình thủy lợi rồi cả đường giao thông đi lại trong xã, trang thiết bị khám chữa bệnh… dù còn khó khăn, vất vả nhưng với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền huyện Mường Nhé, Sín Thầu chắc chắn sẽ vượt khó, vươn lên trong phát triển sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình. Mỗi người dân Sín Thầu sẽ là một chiến sĩ kiên trung, vững vàng góp phần bảo vệ an ninh, an toàn nơi tuyến đầu Tổ quốc!

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 441